Chấm dứt việc cấp phát thuốc Methadone về nhà nếu người bệnh không thực hiện đúng cam kết
- Y học 360
- 21:37 - 09/09/2021
Theo công văn số 7301/BYT-AIDS của Bộ Y tế gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố hướng dẫn cấp phát thuốc Methadone về nhà trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, người bệnh sẽ bị chấm dứt việc cấp phát thuốc Methadone về nhà nếu không thực hiện đúng cam kết hoặc đã hoàn thành việc cách ly y tế tại nhà; khu vực được dỡ bỏ phong tỏa hoặc khu vực được dỡ bỏ giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh/thành phố chỉ đạo các cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ sở và thực hiện việc cấp phát thuốc Methadone trong trường hợp người bệnh bị cách ly hoặc cơ sở bị phong tỏa, cách ly do dịch COVID-19 theo Công văn số 362/AIDS-DP ngày 13/5/2021 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về việc thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành phổ biến và tạo điều kiện tối đa cho người bệnh uống thuốc tại cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc như: Cấp giấy đi đường cho người bệnh (nêu rõ cung đường đi, thời gian uống thuốc tại cơ sở); các giấy tờ cần thiết yêu cầu người bệnh phải mang theo (Thẻ theo dõi điều trị; giấy đi đường và các giấy tờ tùy thân có ảnh) khi đi đến cơ sở y tế để uống thuốc Methadone.
Bên cạnh đó, trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khi thật cần thiết có thể triển khai thực hiện cấp thuốc Methadone về nhà cho người bệnh. Việc cấp thuốc Methadone về nhà thực hiện theo nguyên tắc cơ bản của Đề án cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày. Trong đó:
Người bệnh được mang thuốc về nhà phải đạt liều duy trì điều trị Methadone. Người bệnh tự nguyện và ký cam kết chỉ sử dụng thuốc Methadone được cấp về nhà cho duy nhất chính người bệnh, sử dụng đúng liều qui định và tuân thủ các hướng dẫn liên quan đến điều trị Methadone và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu bán, chia sẻ thuốc Methadone hoặc sử dụng thuốc sai mục đích, để người khác uống nhầm thuốc Methadone hoặc để xảy ra ảnh hưởng xấu khác liên quan đến việc bảo quản và sử dụng thuốc Methadone được cấp nhiều ngày.
Nhân viên y tế phải tư vấn cho người bệnh về: Chủ trương cấp thuốc Methadone về nhà trong thời gian xảy ra dịch COVID-19; số ngày được cấp thuốc Methadone mỗi lần không vượt quá bảy (7 ngày/đợt); đảm bảo an toàn khi mang thuốc Methadone trên đường; bảo quản và sử dụng thuốc tại nhà; tuân thủ điều trị; và sự nguy hiểm khi người khác dùng nhầm thuốc Methadone.
Việc kê đơn thuốc Methadone đối với trường hợp bệnh nhân được cấp mang về không vượt quá bảy (7) ngày/đợt, phải ghi rõ ngày bắt đầu, ngày kết thúc. Người bệnh nhận thuốc sẽ có trách nhiệm ký nhận vào phiếu theo dõi điều trị với tổng số thuốc Methadone theo ngày thực nhận của người bệnh.
Nhân viên y tế giám sát người bệnh sử dụng thuốc Methadone tại nhà thông qua các biện pháp gián tiếp như điện thoại hoặc bằng cách sử dụng phần mềm công nghệ (Zalo, Viber, Facebook) để kiểm tra đột xuất số lượng thuốc tồn, nơi bảo quản thuốc bằng cách thực hiện các cuộc gọi có hình ảnh.
Các cơ sở điều trị/cơ sở cấp phát thuốc có phương án xử lý tình huống bị ngộ độc do uống nhầm thuốc, uống quá liều.