THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:23

"Chạm" đến đạo đức sinh thái dưới góc nhìn Phật tánh

Lần đầu tiên tôi được nghe về khái niệm đạo đức sinh thái là khi một chị bạn rủ tôi viết bài cho một hội thảo về nâng cao hiệu quả giáo dục đạo đức sinh thái cho sinh viên khối ngành kinh tế và quản trị. 

Vốn sẵn quan tâm đến vấn đề bảo vệ sinh thái, tôi cảm thấy khá hứng thú nhưng vẫn băn khoăn vì không muốn tiếp cận dưới góc độ lý thuyết suông như bao hội thảo mang danh nghĩa khoa học đã và đang được tổ chức trong lĩnh vực của tôi. Tìm đọc các bài nghiên cứu liên quan của nước ngoài, tôi không thấy chủ đề này được đề cập nhiều và tự nhiên tôi lại chú ý tới một bài viết gần đây của giáo sư Yunfei (2021) thuộc một trường đại học của Trung Quốc nói về tầm quan trọng của việc đưa giáo dục đạo đức sinh thái vào chương trình giảng dạy đại học, với đề xuất nâng tầm nó lên thành một bộ môn/lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy. Tuy nhiên bài viết này không mấy thuyết phục tôi vì mới chỉ nhấn mạnh một cách chung chung vào tầm quan trọng của thiên nhiên trong cuộc sống con người. Sau đó, tôi chợt nhớ đến cuốn "Tâm tình với Đất Mẹ" của thầy Thích Nhất Hạnh mà tôi vừa đọc xong trong một chuyến đi đặc biệt đến đảo Hòn Ông, Khánh Hòa. Lập tức tôi cảm thấy góc nhìn Phật giáo mà Thầy nói đến trong cuốn sách cho chúng ta sự hiểu biết sâu sắc hơn, “chạm” hơn nếu muốn thực sự đưa đạo đức sinh thái vào trong danh sách các chuẩn mực đạo đức sẵn có.

Nói đến đạo đức, chúng ta đều hiểu một cách nôm na là các chuẩn mực, tiêu chuẩn hành xử giữa người với người mà ai cũng công nhận là nên thế, phải thế, cho dù không được luật pháp bảo hộ. Cuộc sống có rất nhiều việc pháp luật không cấm nhưng về mặt đạo đức không cho phép con người làm vậy, nó ngăn cản con người hành xử một cách phi nhân tính. Nhờ có các chuẩn mực đạo đức mà xã hội được vận hành một cách nhân văn, đẹp đẽ và thiện lương.

Cho đến giờ, thật may mắn là các phạm trù đạo đức không chỉ chi phối hành xử giữa người với người mà còn phát triển thêm giữa người với vật, như việc kêu gọi người Việt Nam không ăn thịt chó hay nhiệt huyết của hàng trăm tổ chức cứu trợ động vật, tổ chức bảo vệ rừng trên thế giới vẫn đang miệt mài ngày đêm bảo vệ từng sinh linh bé nhỏ đang bị con người đe dọa. Tôi cũng không chắc khi mọi người làm công việc này thì nó đã được nâng tầm thành đạo đức sinh thái chưa nhưng tôi hoàn toàn ủng hộ đưa đạo đức sinh thái vào danh mục các chuẩn mực đạo đức truyền thống mà con người đã thống nhất với nhau từ bao đời nay, chỉ có điều bằng cách nào?

Có lẽ chúng ta phải bắt đầu dạy lại con trẻ và dạy cả những người lớn rằng, “Chúng ta cũng chính là Đất Mẹ và Đất Mẹ luôn luôn có mặt trong chúng ta”, khơi gợi tình yêu thương với Đất Mẹ như chính với mẹ đẻ của mình.

Có lẽ chúng ta phải bắt đầu dạy lại con trẻ và dạy cả những người lớn rằng, “Chúng ta cũng chính là Đất Mẹ và Đất Mẹ luôn luôn có mặt trong chúng ta”, khơi gợi tình yêu thương với Đất Mẹ như chính với mẹ đẻ của mình.

Trong bài phân tích của mình, Yunfei đã viện dẫn đến Marx và Engels, trong đó hai ông đều khẳng định rằng con người và tự nhiên là không thể tách rời, phụ thuộc lẫn nhau. Tuy nhiên khi phân tích sâu hơn mối quan hệ này, Marx vẫn nhấn mạnh từ góc nhìn kinh tế khi cho rằng, con người phụ thuộc vào thiên nhiên do các tài nguyên thiên nhiên là vô cùng cần thiết cho các hoạt động kinh tế của con người, dưới dạng các vật chất như: đất đai màu mỡ, sông suối nhiều cá tôm, hay là nguồn cung cấp năng lượng như sức nước, gỗ, than, kim loại..

Đứng trên góc độ này chỉ thấy con người cần thiên nhiên vì thiên nhiên có ích cho đời sống vật chất của con người, vì thiên nhiên nuôi sống con người, nghĩa là con người vẫn chỉ ích kỷ nghĩ đến lợi ích của mình. Vậy khi thiên nhiên không có ích cho đời sống con người nữa, thiên nhiên gây hại cho con người thì con người có quyền ruồng bỏ, tàn phá thiên nhiên sao? Có phải chúng ta vẫn đang nghĩ đến việc rời bỏ trái đất, tìm một hành tinh khác tốt hơn để sinh sống khi trái đất không còn sinh lợi cho chúng ta, sau khi chúng ta đã chà đạp, vắt kiệt mọi tài nguyên và sẵn sàng rời đi để lại đống đổ nát? Chúng ta có thể vô ơn và dễ dàng từ bỏ Trái Đất như vậy sao?

Bấy lâu nay, chúng ta vẫn ra rả gọi Trái Đất là Mẹ, Mẹ thiên nhiên nhưng chúng ta có thực sự thể hiện bằng hành động, thể hiện sự yêu thương và tôn kính của những người con với Mẹ như với chính mẹ đẻ của mình chưa? Tôi e ngại rằng, nếu không thay đổi cách tiếp cận thì cho dù chúng ta vẫn gọi Trái Đất là Mẹ, hay đạo đức sinh thái có trở thành một bộ môn chính thống trong trường đại học, thì số đông loài người vẫn cứ lao đầu vào vật chất, chí thú với tăng trưởng, bạt mạng với chủ nghĩa tiêu dùng, với chất đống của cải được sản xuất ra ngày một nhiều, cùng với rác rưởi thải ra ngày một lắm, kết cục là Mẹ Trái Đất sẽ ốm không còn gượng dậy được nữa.

Nhân một dịp đi ra đảo vắng, bơi lội trong làn nước xanh trong vắt như ngọc bích, nhìn xuống thấy từng đàn cá trong suốt thoăn thoắt ẩn hiện, ngẩng lên thấy bầu trời xanh trong veo sâu thẳm, ngủ trong tiếng tắc kè và côn trùng rì rầm, không internet, không tivi, điều hòa, tôi đã thực sự có cơ hội cảm nhận được sự quyện hòa với Đất Mẹ, mới hiểu thế nào là mình và Đất Mẹ có trong nhau. Thầy Thích Nhất Hạnh đã nói rất nhiều về sự tương tác giữa mọi sự vật hiện tượng trong các tác phẩm của Thầy nhưng chỉ đến khi đọc “Tâm tình với Đất Mẹ” trong một khung cảnh như thế, tôi mới cảm nhận được sâu sắc đến tận cùng sự kết nối của con người với Đất Mẹ.

“Chúng ta cũng chính là Đất Mẹ: Có lẽ ta từng nghĩ rằng Địa Cầu chỉ là phần bên dưới chân chúng ta mà thôi. Nhưng thật ra, nước, các đại dương, bầu trời cũng như tất cả mọi thứ xung quanh chúng ta đều khởi phát từ Đất Mẹ. Chúng ta cũng thường quên mất rằng hành tinh chúng ta đang sinh sống đã hiến tặng những thành tố cấu tạo nên cơ thể của ta. Ta có nước trong da thịt, trong xương, tất cả những tế bào vi tế trong cơ thể mình đều bắt nguồn và đều là những thành phần của Đất Mẹ. Quả Địa Cầu không chỉ đơn thuần là môi trường mà chúng ta sinh sống. Chúng ta cũng chính là Đất Mẹ và Đất Mẹ luôn luôn có mặt trong chúng ta”, Thích Nhất Hạnh - trích trong cuốn “Tâm tình với Đất Mẹ”.

Vì vậy, cần có một góc nhìn khác, sâu sắc hơn, cảm xúc hơn, yêu thương hơn về mối quan hệ giữa con người và Trái Đất, để từ đó đạo đức sinh thái được công nhận một cách chính thống, là phạm trù đạo đức bắt buộc của toàn bộ loài người. Có lẽ chúng ta phải bắt đầu dạy lại con trẻ và dạy cả những người lớn rằng, “Chúng ta cũng chính là Đất Mẹ và Đất Mẹ luôn luôn có mặt trong chúng ta”, khơi gợi tình yêu thương với Đất Mẹ như chính với mẹ đẻ của mình trong mỗi con người từ khi còn tấm bé, từ đó mới mong có được sự biến chuyển nào đó trong vấn đề sinh thái.

Nếu chúng ta vẫn mong muốn kiếm tìm một nơi nào đó khác để sinh sống, sẵn sàng từ bỏ Mẹ của mình thì không bao giờ có thể thay đổi được vấn nạn ô nhiễm môi trường và tàn phá hệ sinh thái hiện tại. Chừng nào từng cá nhân không coi Trái Đất là Mẹ thực sự, mẹ đẻ của mình, đối đãi với Trái Đất như với mẹ mình, cảm nhận thực sự “trong mình có Mẹ” như thầy Thích Nhất Hạnh đã nói, đặt chữ Hiếu lên hàng đầu trong mối quan hệ với Mẹ, chừng đó Trái Đất còn bị khai thác và làm ô nhiễm cho đến kiệt quệ.

“Sự thay đổi thực sự chỉ có thể xảy ra khi chúng ta có tình thương yêu đích thực với hành tinh này. Chỉ có thương yêu mới có thể chỉ cho chúng ta cách sống hòa hợp với thiên nhiên, hòa hợp cùng với nhau và cứu ta khỏi những tác động tàn phá do hủy hoại môi tường và biến đổi khí hậu. Khi chúng ta nhận biết được những đức tính, phẩm hạnh và năng lực kỳ diệu của Đất Mẹ, ta sẽ cảm thấy kết nối được với Đất Mẹ, và tình thương yêu sẽ được sinh ra từ trái tim của mỗi người chúng ta. Khi bạn yêu thương một ai đó, bạn muốn chăm sóc họ và điều đó cũng có nghĩa là bạn sẽ chăm sóc bản thân bạn. Chúng ta sẽ làm bất cứ điều gì mang lại lợi lạc cho Đất Mẹ và ta tin tưởng rằng Đất Mẹ, bằng những phẩm hạnh và năng lực nhiệm mầu của mình, sẽ làm mọi thứ để mang lại lợi lạc cho chúng ta”.

Thầy Thích Nhất Hạnh cũng đã có những lý giải hết sức tự nhiên và sâu sắc về mối quan hệ hiện tại giữa con người và Mẹ Trái Đất, giúp chúng ta có cái nhìn đúng đắn hơn, đi vào bản chất của sự thật về những hậu quả mà con người đang phải gánh chịu từ thiên nhiên: “Vì cái thấy về thiện ác của chúng con còn có tính cách nhị nguyên cho nên mới có những đứa con đem lòng oán trời trách đất. Chúng con thường đem cái tâm nhỏ bé của chúng con để phán xét cái tâm lớn lao của Đất và của Trời. Những cơn lũ lụt, những trân cuồng phong, những trận hải chấn không phải là sự biểu hiện giận dữ của Mẹ hay Cha hay những hành động trừng phạt mà chỉ là những gì phải thỉnh thoảng xảy ra trong tích môn để thiết lập lại thế thăng bằng. […] Chúng con đã thấy được rằng khi một chủng loại phát triển quá mau chóng và quá mức, gây tổn hại nặng nề, đe dọa sự sống còn cho những chủng loại khác thì tự nhiên có những nguyên nhân và điều kiện được phát sinh đưa tới sự tổn thất nặng nề hoặc hoại diệt của chủng loại ấy, để thế cân bằng được thiết lập lại giữa các chủng loại với nhau. Chúng con đã học được bài học là khi mình tàn ác với đồng loại và các loài khác là mình tàn ác với chính mình. Và khi mình biết bảo hộ cho muôn loài là mình đã bảo hộ cho chính bản thân”. Những lời thầy nói dung dị, chân thành, thấu đáo như vậy, hà cớ gì chúng ta không chịu hiểu mà đổi thay?

Trên cơ sở kết hợp giữa đạo đức sinh thái và cái nhìn Phật tánh về tình yêu thương, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách sâu sắc, chân thực, thấu suốt mẹ Trái Đất chính là người mẹ bao la vĩ đại của từng con người chúng ta, do đó mỗi một hành động tổn hại đến Đất Mẹ là một hành động bất hiếu với mẹ, là vi phạm đạo đức, là không được phép thực hiện, là sẽ bị lương tâm và cộng đồng sẽ lên án. Hãy nói với con trẻ ngay từ khi chúng vừa sinh ra rằng: Con có hai người mẹ, Mẹ đẻ và Mẹ Trái Đất. Chúng ta yêu thương mẹ đẻ ra mình thế nào, hãy yêu thương mẹ Trái Đất như vậy, lập tức chúng ta sẽ biết cách không làm đau và tổn hại đến Mẹ Trái Đất.

Tôi vẫn cứ suy nghĩ mãi về một điều, nên chăng nội dung cuốn sách “Tâm tình với Đất Mẹ” của thầy Thích Nhất Hạnh được đưa vào những cuốn sách giáo khoa hay bài giảng đạo đức cho con trẻ từ khi chúng mới cắp sách đến trường, thay vì đợi đến tận khi chúng trưởng thành, trong giảng đường đại học.  

Hồ Hoàng Lan

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh