Cha mẹ nào nắm được bí mật dưới đây thì sẽ có cách dạy dỗ để con giỏi giang và thành công hơn người
- Bác sĩ
- 04:25 - 04/05/2020
Nếu bố mẹ nghĩ mình có thể dự đoán hành vi của con chính xác tới 100%, thì nên quên ngay ý nghĩ đó đi. Trẻ con luôn làm người lớn không ngừng ngạc nhiên. Hiểu biết cơ bản sẽ giúp bố mẹ hiểu con hơn, có những cách để ứng xử hay đối phó với các tình huống dễ dàng hơn và hướng dẫn con đạt kết quả một cách tích cực hơn.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới hành vi của một đứa trẻ, chưa kể tới các tác động của môi trường bên ngoài, bên trong sẽ khiến trẻ đôi khi có những biểu hiện hết sức bất thường. Điều chúng ta có thể làm là tìm hiểu thêm về khoa học thần kinh của trẻ và xem nó có ý nghĩa thế nào với việc con học tập hay ảnh hưởng tới các hành vi ra sao.
Mỗi đứa trẻ sẽ có những cột mốc phát triển riêng với thách thức riêng. Nhưng thường thì được chia làm 4 giai đoạn chính, theo lý thuyết phát triển nhận thức của Piaget (*)
1. GIAI ĐOẠN 1: Sensorimotor stage (giai đoạn cảm biến) diễn ra từ 0-2 tuổi
Một em bé trong giai đoạn này đang làm quen với môi trường, học và trải nghiệm các giác quan. Trẻ tiếp xúc với thế giới phụ thuộc hoàn toàn vào chuyển động mà chúng thực hiện và cảm giác chúng trải qua. Bất cứ khi gặp một vật thể mới, con sẽ lắc nó, ném nó hoặc cho nó vào miệng. Thông qua thử - sai rồi lại thử - sai con sẽ có được kinh nghiệm về các đối tượng và cảm giác, từ đó làm chủ thế giới xung quanh.
Ví dụ các em bé độ tuổi này lại thường ném đồ ăn, đồ vật xuống đất (khi chúng ngồi trên bàn), bố mẹ nhặt lên và chúng lại tiếp tục ném - bằng cách này con học được về việc một đồ vật rơi (và thực tế là thay vì nói với con đó là gì, nhiều bố mẹ lại đi mắng các em bé khi chúng thường xuyên làm rơi đồ vật, đó là điều không nên!
Khoảng 1 tuổi, trẻ học được sự tồn tại của đối tượng, lần đầu tiên hiểu khái niệm về sự tồn tại của một vật và vật đó vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi con không nhìn thấy chúng.
Theo tiến sỹ Sarah Lytle (ĐH Washington) thì đa phần bố mẹ không hoàn toàn nhận ra trẻ sơ sinh cũng phát triển về mặt xã hội và cảm xúc. Ở độ tuổi này con tìm tới bố mẹ để được hỗ trợ, ví dụ như trẻ thường quay sang cha mẹ để học về cách phản hồi. Hành động này được gọi là tham chiếu nhận thức xã hội. Khi trẻ làm như vậy, hãy tương tác, nói chuyện với con vì sẽ giúp con tự tin và độc lập hơn.
Khi 6 tháng tuổi, em bé có thể thốt ra từ đầu tiên. Để giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ, bố mẹ hãy nhớ con sẽ luôn nhìn vào mắt bạn. Hãy nhìn vào những gì con nói về, thay đổi ánh mắt từ từ khi nói một từ mới với trẻ. Điều này rất quan trọng bởi những em bé tập trung vào bố mẹ và bố mẹ tập trung nhìn con khi nói sẽ có vốn từ vựng đa dạng hơn khi chúng 2 tuổi. Sử dụng các ngữ điệu giọng nói khác nhau để làm trẻ thích thú cũng được nhưng quan trọng nhất là phải sử dụng từ chính xác, đầy đủ và hoàn chỉnh, đúng ngữ pháp.
2. GIAI ĐOẠN 2: Preoperational stage (giai đoạn tiền vận hành) diễn ra từ 2 - khoảng 7 tuổi
Kỹ năng ngôn ngữ trong giai đoạn này phong phú hơn rất nhiều. Con có thể bắt đầu suy nghĩ về các biểu tượng, phát triển nhận thức về số, phân biệt được quá khứ - tương lai. Trẻ cũng có thể làm tốt việc chúng được giao trong các tình huống cụ thể. Nhưng vẫn chưa thể nắm bắt các khái niệm trừu tượng.
Khi lên 2, trẻ có thể bị ngạc nhiên vì người khác không nhìn thế giới giống như chúng. Quan điểm tự cho mình là trung tâm khiến trẻ khó chia sẻ và quan tâm đến người khác. Một cuộc thăm dò năm 2016 của Zero to Three, cho thấy hầu hết các bậc cha mẹ nghĩ rằng trẻ 2 tuổi có thể kiểm soát cảm xúc của mình và học được cách chia sẻ nhưng các nhà tâm lý học thì chứng mình điều NGƯỢC LẠI. Kỹ năng này phải chờ tới 3-4 tuổi mới phát triển. Có một món đồ chơi để đánh lạc hướng con khi chúng nổi giận là chiến lược tốt nhất bạn có thể làm.
Vậy nên, trẻ 2 tuổi không kiểm soát được cảm xúc, giận hờn vô cớ, thậm chí cáu khóc đập phá cũng là điều hoàn toàn bình thường. May mắn là chúng dễ phân tâm, nên bố mẹ có thể "lợi dụng" điểm yếu đó để xử lý với các cơn khủng hoảng của trẻ.
Các chuyên gia gợi ý giai đoạn này bố mẹ rất nên tập trung xây dựng và phát triển sự đồng cảm ở trẻ. "Sally-Anne test" là một thí nghiệm rất nổi tiếng. Trong thí nghiệm này, một em bé được thông báo rằng Sally có một cái giỏ và Anne có một cái hộp. Sally đặt một đồ vật vào giỏ của mình, sau đó đi dạo (nhưng không cầm giỏ theo). Anne lấy đồ vật trong giỏ của Sally và đặt vào hộp của mình. Em bé sẽ được hỏi rằng "Khi Sally trở về, bạn ấy sẽ tìm đồ vật ở đâu?". Nếu đứa trẻ đặt mình ở vị trí của Sally, chúng sẽ trả lời "Ở trong giỏ".
Trên đây là một ví dụ về việc cha mẹ có thể làm gì để phát triển sự đồng cảm ở con - cụ thể là hiểu quan điểm của người khác. Cha mẹ có thể giúp con phát triển quan điểm và sự đồng cảm bằng cách đọc cho con nghe các câu chuyện mà con phải đặt mình vào vị trí của một nhân vật. Ví dụ như cuốn sách một nhân vật đi đến bác sĩ, sau đó bố mẹ và con có thể so sánh tình huống với khi đứa trẻ đi tới bác sĩ và thảo luận xem những trải nghiệm tương tự, hoặc khác nhau như thế nào. Xây dựng sự đồng cảm càng sớm, càng có lợi cho con và cho cả bố mẹ về sau.
3. GIAI ĐOẠN 3: Operation stage (giai đoạn vận hành) diễn ra từ 6 - 12 tuổi
7 tuổi được coi là tuổi của lý trí. Sau khi tiếp thu ngày càng nhiều kinh nghiệm về thế giới, trẻ có thể tưởng tượng các sự kiện xảy ra bên ngoài cuộc sống của mình. Con đã có thể nắm bắt các khái niệm trừu tượng, hiểu về chuỗi sự kiện và đồng cảm với những người khác. Trẻ có thể học các khái niệm toán trừu tượng, nhưng không giỏi việc phá vỡ các vấn đề đòi hỏi lý luận có hệ thống.
Các chuyên gia gợi ý giai đoạn này bố mẹ cần phải ghi nhớ sự phát triển cảm xúc của trẻ. Bố mẹ thường không nhận ra mức độ ảnh hưởng của tình trạng hôn nhân hoặc là khi cha mẹ stress, trầm cảm tới con cái trong độ tuổi này.
4. GIAI ĐOẠN 4: Formal operation stage (giai đoạn chính thức vận hành) từ 12 tuổi trở lên
Suốt những năm thiếu niên này, trẻ phát triển năng lực tư duy, giả thuyết, lý luận trừu tượng và suy luận. Một đứa trẻ hầu như nắm bắt tốt các năng lực trên ở tuổi 15. Những vấn đề như đạo đức, công bằng xã hội, ý tưởng trừu tượng, xác suất… chúng đã có thể hiểu được. Đối với bố mẹ, một số thời điểm trong giai đoạn này sẽ khá khó khăn.
Tuổi teen thường qúa mẫn cảm và thất thường. Lý do là vì tác động của hormones và phần midbrain hoạt động mạnh trong giai đoạn này. Bộ não trẻ phát triển từ sau ra trước. Midbrain chịu trách nhiệm cho bộ nhớ, cảm xúc và tính dục. Phần não và vỏ não trước trán không phát triển hoàn thiện cho tới tuổi 25 mà phần này thì ảnh hưởng tới những việc như ra quyết định, lập kế hoạch, kiểm soát xung lực và lường trước rủi ro.
Tuổi teen đánh giá các tình huống dựa trên cảm xúc phần nhiều, vì vậy chúng thường bị choáng ngợp bởi cảm xúc hoặc khó thể hiện cảm xúc. Chúng cũng không lường trước được các rủi ro và các hành vi có thể đi sai lệch liên tục. Hãy chắc chắn phải nói chuyện thường xuyên với con về các tệ nạn xã hội hoặc tình dục không an toàn… Khi con mắc lỗi, thay vì la mắng hoặc giảng giải, hãy coi đó là một cơ hội để trò chuyện và giúp con thay đổi. Nói với con những gì con nên làm, hoặc làm khác đi. Điều này giúp con phát triển kỹ năng ra quyết định.
---
Nếu được hãy thực hiện cùng con. Cho con cơ hội thực hành giải quyết các vấn đề, lên kế hoạch cho mọi việc. Làm cùng nhau và chia sẻ khi con hoàn thành nhiệm vụ. Đó là những gì bố mẹ có thể làm trong mọi giai đoạn. Nuôi dạy con chắc chắn không dễ, nhưng hiểu biết một chút về khoa học thần kinh có thể tạo ra sự khác biệt thật sự, bởi từ đó chúng ta có thể điều chỉnh kỳ vọng của mình đối với con cái.
(*)Piaget là nhà tâm lý học người Thụy Sỹ đã dành cả đời để trả lời câu hỏi "Kiến thức và thần kinh của con người phát triển như thế nào". Với 60 năm nghiên cứu và đặt nền móng cho lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn về nhận thức di truyền học, ông đã cho ra đời nhiều giả thuyết và giải thích cho cách thức suy nghĩ và phát triển tư duy của con người suốt cuộc đời. Được đào tạo về sinh học và triết học, Piaget đã áp dụng các khái niệm từ cả 2 ngành này để nghiên cứu về sự phát triển của trẻ nhỏ, quan sát hành vi và suy nghĩ khi chúng được hình thành từ khi sinh ra cho tới khi lớn hơn. Ông đã đưa ra một kết luận từ rất sớm rằng sự phát triển nhận thức là sản phẩm của sự tương tác phức tạp giữa sự trưởng thành của hệ thần kinh và ngôn ngữ, và sự trưởng thành này phụ thuộc và việc trẻ em TƯƠNG TÁC với xã hội và thể chất với thế giới xung quanh.
Vài nét về tác giả:
Chị Linh Phan là một chuyên gia tư vấn phụ huynh theo chứng chỉ PCI Certified, đồng thời là tác giả cuốn sách "Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu". Theo Linh Phan, làm cha mẹ tốt nhất đối với con và đối với chính mình là khi tin vào bản năng của mình.
Với mong muốn mang đến nhiều hơn giá trị cho cộng đồng và nền giáo dục nước nhà, chị Linh sáng lập dự án Raised Happy nhằm cung cấp kiến thức hữu ích, giúp đỡ các bố mẹ có cuộc sống ôn hoà, bình tĩnh trên hành trình nuôi dưỡng những em bé hạnh phúc, biết lắng nghe, hợp tác và tích cực.
Hiện chị Linh đang sống, làm việc tại Na Uy và là mẹ của 2 em bé Ốc và Sò.
Các mẹ có thể tìm đọc những bài viết của chị Linh Phan TẠI ĐÂY.