CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:16

Cây hạ liên lan

 

Có lẽ không chỉ mình tôi, mà sẽ còn nhiều người khác nữa chắc cũng khó chấp nhận chuyện “Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen”. Rõ ràng cây sen mà ta vẫn thấy đang sống phổ biến ở hồ, ao, đầm chỉ có cuống lá, cuống hoa ở phần trên. Còn phần dưới là củ, rễ và ngó sen, “đào” đâu ra cành?

Nhưng gần đây, được nghe câu chuyện của một người bạn từng công tác nhiều năm ở Hà Nội kể lại, khiến tôi không chỉ hết thắc mắc suốt bao năm nay, mà còn rất vui, vì đã biết thêm được điều mới (ít ra là mới đối với tôi).

Ba tôi kể: “... Cách đây 30 năm (khoảng 1985 - 1986) một lần đến chơi nhà một người bạn cùng cơ quan, chủ nhà tên là Chương, ở 33 phố Lò Sũ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), tôi vô cùng ngạc nhiên thấy ở đây có cây sen cạn to như cây doi, đang độ nở hoa. Hoa của nó trắng muốt, nổi bật trên nền lá xanh. Càng nhìn cái màu trắng tinh khôi, thanh khiết hiếm có ấy, càng thấy ngây ngất trong lòng. Tôi xin ông Chương một cành đem về, cầm trên tay ai thấy cũng ngước nhìn, nhiều người hỏi xin tôi không cho. Sau có nhà sư đặt tay trước ngực “A di đà phật” muốn xin về chùa, tôi không nỡ từ chối. Theo ông Chương: Cây sen cạn này còn có tên là hạ liên lan, thuộc thân mộc, lá giống như lá cây hoa lan. Cái tên “hạ liên lan” hàm chứa ý nghĩa: Hạ là hoa nở về mùa hạ. Liên là sen. Lan là hương thơm như hoa lan.  Hoa hạ - liên - lan hình dáng và màu sắc là hoa sen, tuy nhỏ hơn hoa sen nước một chút. Nó đúng là sen trong ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng/Nhị vàng, bông trắng, lá xanh...” Còn sen hồng cũng là họ nhà sen, nhưng có sách, có người gọi là quỳ (quỳ tím). Tóm lại (ông Chương kết luận): “Hình dáng và màu sắc của hoa là sen, nhưng hương thì lại là mùi thơm của hoa lan, và lá cũng tựa lá lan. Đặc trưng của 2 loài hoa được hội tụ làm một. Chúng lại có cùng một đặc tính là ra hoa vào mùa hạ, vì thế mới gọi là hạ liên lan...”

Người kể lại với tôi chuyện này rất tâm đắc được là một trong số những người hiếm hoi “mục sở thị” cây hạ liên lan, cái cây đã đi vào ca dao làm không ít người thắc mắc (cũng chỉ vì chưa được thấy bao giờ). Người ấy còn đồ rằng: Rất có thể cả Hà Nội chỉ còn có một cây duy nhất (ở thời điểm 1985 1986) ở số nhà 33 phố Lò Sũ, vì ngày ấy Công ty Công viên Hà Nội đã đến đây xin chiết, nhưng không hiểu vì sao chiết không thành công.

Riêng tôi, người được nghe câu chuyện này cũng thấy là mình may mắn đã có dịp được biết sâu hơn về loài hoa quý đang được đề cử làm Quốc hoa Việt Nam.

Xin chia sẻ cùng bạn đọc xa gần.  

NGUYỄN VĂN CỰ/Lao động và xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh