Cây đào nhiều công dụng chữa bệnh
- Y học 360
- 16:24 - 23/01/2020
Theo thầy thuốc nhân dân, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hồng Siêm, Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội, biên soạn cuốn Thảo mộc quanh nhà, thực dưỡng và làm thuốc, đào là một cây cho nhiều quả, hoa nở vào đầu xuân rồi sau mới ra lá. Đào trồng ở vùng núi cao, lạnh như Sa Pa (Lào Cai) thì quả to, miền xuôi trồng thì ít quả và quả nhỏ. Ngoài ăn quả, các bộ phận khác như hạt, lá, nhựa đào đều có thể dùng làm thuốc.
Nhân hạt đào có vị đắng, chua, ngọt, tính bình, tác dụng hoạt huyết, nhuận tràng, lợi tiểu, chủ trị đau vùng tim, ho dồn và bế kinh, tiện bí. Lá đào tác dụng hoạt huyết, điều trị thiếu máu, tiêu u, chủ trị chữa tinh hoàn sưng to, chốc lơ, rôm sảy, âm hộ sưng to. Cành đào chủ trị đau tim. Nhựa đào giảm đường huyết, chủ trị đái tháo đường.
Món ăn, bài thuốc có đào:
Chữa kinh nguyệt không đều, đau bụng dùng đào nhân, hồng hoa, mần tưới, ngưu tất, tô mộc, nghệ vàng, mỗi loại lượng 8 g sắc uống.
Chữa bí đại tiện dùng đào nhân 40 g luộc ăn lúc đói, hoặc dùng lá đào một nắm to giã vắt lấy nước cốt uống.
Chữa ho hen, thở gấp, ngắn hơi, dùng đào nhân lượng 100 g cùng gan lợn nấu cháo ăn hoặc sấy khô, tán bột, hoan viên uống dần.
Đào nhân 7 hạt nghiền nhỏ, hòa nước uống chữa chứng bỗng dưng đau tim. Hoặc có thể dùng bằng cách lấy một nắm cành đào sắc, chế thêm rượu vào uống.
Chữa tinh hoàn sưng to, dùng một nắm lá đào sắc uống cùng một nắm lá sâm. Lá đào tươi còn có thể giã, đắp, xoa, xát chữa chốc lở, rôm sảy, âm hộ sưng.
Nhựa cây đào có thể tán nhỏ (lượng 12 g) uống với nước sắc dây tơ hồng (30 g) chữa tiểu ra dưỡng chấp. Bình thường, dưỡng chấp chỉ nằm trong hệ bạch huyết mà thành phần chủ yếu là triglycerid, phospho lipid, cholesterol tự do. Sở dĩ có dưỡng chấp trong nước tiểu là do có lỗ rò từ hệ thống bạch huyết thông sang hệ thống tiết niệu.
Nhựa cây đào lượng 20 g tán nhỏ uống với nước sắc địa cốt bì 30 g và râu ngô 30 g chưa tiểu đường.