Câu hỏi, dối trá và sự im lặng trong thảm kịch MH17
- Tây Y
- 12:59 - 18/07/2015
Ai đã bắn tên lửa của ai?
Theo giả thuyết chủ đạo trong quá trình điều tra, “thủ phạm” tình nghi hàng đầu bắn hạ MH17 được cho là hệ thống tên lửa phòng không Buk do Nga sản xuất. Mới đây, nhà sản xuất loại tên lửa này cho biết, qua điều tra độc lập của mình vào các dấu vết trên thân mảnh vỡ máy bay, đúng là MH17 trúng tên lửa của hệ thống Buk M1.
Tuy nhiên, hãng Almaz Antey cho rằng với đặc thù của các mảnh vỡ này thì hệ thống Buk M1 đã sử dụng tên lửa 9M38M1. Nga không còn sử dụng cũng như sản xuất loại này từ năm 1999. Thay vào đó, chỉ còn quân đội Ukraina vẫn sử dụng và hệ thống này chắc chắn còn trong kho đạn của Kiev.
Thông tin này của hãng Almaz Antey không có mục đích gì khác ngoài việc cố gắng loại trừ sự liên quan của Nga vào hệ thống tên lửa đã khiến MH17 rơi.
Ngay sau đó, Interfax dẫn lời ông Ihor Smeshko, một cố vấn của Tổng thống Ukraina Petro Poroshenko, cho biết: “Theo tôi được biết thì Ukraina đã bán hệ thống Buk cuối cùng cho Gruzia”.
Ukraina đã bán 48 hệ thống Buk cho Gruzia từ năm 2007, cùng với một hệ thống Buk M1. Nhưng hàng loạt bức ảnh chụp trước khi MH17 rơi cho thấy không hề ít các tên lửa Buk của Ukraina vẫn được trang bị tên lửa 9M38M1.
Hình ảnh cho thấy hệ thống phòng không Buk của Ukraina sử dụng tên lửa 9M38M1.
Hôm 16/7/2014, một ngày trước thảm kịch, quân đội Ukraina đã tung một video clip về ‘các chiến dịch chống khủng bố’ tại miền đông nước này. Gần nửa thời lượng đoạn video ghi lại hình hệ thống Buk cùng loại tên lửa 9M38M1.
Mặc dù quân đội Ukraina có sở hữu loại vũ khí này, thì điều đó cũng không có nghĩa họ là người khai hỏa tên lửa.
Ban đầu, Bộ Quốc phòng Nga cho rằng khu vực Zaroshchen’ke được cho là nơi tên lửa được phóng lên trời. Giả thuyết này cũng chỉ nhằm tăng thêm khả năng cho rằng quân đội Ukraina đã phóng tên lửa.
Hãng Almaz Altey khoanh vùng khu vực khai khỏa là ở phía nam Zaroshchen’ke dựa theo đường bay của tên lửa.
Theo thông tin của trang điều tra độc lập Bellingcat dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh, ngày 17/7, quân Ukraina không kiểm soát nam Zaroshchen’ke và cũng không có hệ thống Buk M1 nào xuất hiện vào thời điểm và địa điểm này.
Người không được vạ, kẻ má đã sưng
Trong khi việc điều tra nguyên nhân và thủ phạm gây ra thảm kịch MH17 còn chưa có kết luận chính thức, nạn nhân còn chưa đòi được công lý thì các cường quốc đứng sau khủng hoảng Ukraina đã mau chóng trừng phạt nhau tới tấp và trả đòn nặng nề.
Ngay khi máy bay rơi không bao lâu, Washington lập tức kêu gọi phương Tây tham gia trừng phạt Moscow thật nặng vì đã hậu thuẫn cho phe ly khai ở miền đông – đối tượng mà phương Tây cho là đã sử dụng Buk để bắn MH 17, bất kể là do sơ suất hay cố ý.
Mỹ trừng phạt ‘không nương tay’ Nga, mà chưa cần kết luận điều tra cụ thể.
Bức ảnh cho thấy các vết đạn trên mảnh vỡ thuộc thân máy bay MH17.
Một chi tiết kỳ lạ ở đây là, ngay sau khi MH17 rơi, CNN dẫn lời tình báo Mỹ cho hay máy bay trúng tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất. Tình báo Mỹ đưa ra thông tin này dựa trên phân tích hình ảnh vệ tinh của họ bay ngang qua khu vực đông Ukraina đúng lúc thảm kịch xảy ra.
Nhưng, cũng chính tình báo Mỹ lại hoàn toàn im lặng sau đó, không hề công khai các hình ảnh vệ tinh có tầm quan trọng then chốt để chỉ ra thủ phạm thực sự là ai. Thay vào đó, Washington lại sử dụng hình ảnh trên mạng xã hội để lấy làm căn cứ cho lời cáo buộc của mình.
Còn Nga, trong khi bị động trả đũa lại các đòn trừng phạt kinh tế, đã liên tục đưa ra các bằng chứng rời rạc và không nhất quán, chỉ nhằm chứng minh Moscow ‘vô can’ trong vụ MH17.
Cho tới nay, không bên nào có thể (và muốn) đưa ra chứng cứ thuyết phục nhất để làm sáng tỏ xem chuyện gì đã xảy ra và những ai đã làm gì trong ngày 17/7/2014.
Chỉ biết rằng, việc một chiếc máy bay dân sự bị bắn hạ tại vùng chiến sự nóng bỏng đã tạo ra bước ngoặt then chốt đối với khủng hoảng tại Ukraina.
Thảm kịch này trở thành lý do chính đáng cho Mỹ hợp thức hóa sự can dự chính thức của mình vào Ukraina. Hay nói cách khác, Ukraina giờ là nơi mà Washington và Moscow công khai đối đầu – với việc Nga bảo trợ cho phe ly khai ở miền đông, còn Mỹ tài trợ quân chính phủ Kiev.
Những tranh chấp và toan tính địa chính trị giữa các cường quốc – cụ thể là Mỹ và NATO với Nga – đã lấn át hoàn toàn khía cạnh quan trọng nhất đối với các nạn nhân thực sự của vụ rơi máy bay, đó là câu chuyện đi tìm công lý.
Malaysia và Hà Lan – quốc gia có phần lớn công dân thiệt mạng trong vụ rơi máy bay – đang hối thúc thành lập phiên tòa quốc tế có sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc nhằm đưa vụ MH17 ra xét xử.
Hai nước muốn dựa vào sức nặng của Hội đồng Bảo an LHQ để phiên tòa được thực thi. Nhưng dựa trên việc Nga có quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an, và cũng là quốc gia phản đối nỗ lực này, thì một phiên tòa như vậy là khó khả thi.
Cũng bởi các yếu tố chính trị quốc tế phức tạp như vậy nên không ai kỳ vọng rằng vụ việc sẽ được đưa ra ánh sáng vào thời điểm một năm rơi máy bay MH17.
Và cũng vì những luồng thông tin không thể xác thực được cung cấp từ những kênh truyền thông bị lợi dụng, nên không chỉ có 298 người xấu số trên chiếc MH17 mà ngay cả sự thật cũng trở thành nạn nhân chính của thảm kịch này.