THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:44

Cập nhật COVID-19 thế giới: Nhiều nước châu Á có số ca mắc/ngày cao kỷ lục

Theo TTXVN, số liệu từ trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 567.000 ca mắc COVID-19 và trên 7.000 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu dịch tới nay đã vượt 256 triệu ca, trong đó trên 5,14 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Đức (64.164 ca) và Anh (46.807 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.251 ca), Mỹ (969 ca) và Ukraine (752 ca).

Như vậy, ngoài Mỹ, các quốc gia có ca mắc và tử vong mới cao nhất thế giới trong 24 giờ qua đa số nằm ở châu Âu.

Trong báo cáo hằng tuần về tình hình dịch bệnh COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do COVID-19 ở châu Âu tuần trước đã tăng 5%, theo đó, châu Âu là khu vực duy nhất trên thế giới ghi nhận số ca tử vong trong tuần gia tăng. 

Báo cáo nêu rõ số ca tử vong do COVID-19 tại tất cả các khu vực khác trên thế giới đều ở mức ổn định hoặc giảm, với tổng cộng 50.000 ca trong tuần trước. 

Trong khi đó, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu tăng 6% do gia tăng tại châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Trong số 3,3 triệu ca mắc mới tuần trước, 2,1 triệu ca ở các nước châu Âu. Đây là tuần thứ 7 liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 tiếp tục tăng tại 61 quốc gia và vùng lãnh thổ mà WHO tính vào khu vực châu Âu trải dài từ Nga tới Trung Á, trong đó, Nga, Đức và Anh, là những nước ghi nhận số ca mắc mới cao nhất. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần trước tại Na Uy tăng khoảng 67% và tại Slovakia tăng 38%.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Martinique, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Martinique, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN.

VTV cũng đưa tin, một nước châu Âu là Pháp hiện có số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày trung bình lên tới hơn 10.000 ca. Để tránh lặp lại tình trạng bị phong tỏa, người dân nước này đang đổ xô đi tiêm vaccine. Nhiều người dân Pháp giờ đây nhận thức rằng, vaccine COVID-19 là cách duy nhất để thoát khỏi những làn sóng dịch bệnh lặp đi lặp lại. Hiện phần lớn người dân Pháp đi tiêm chủng là tiêm liều vaccine tăng cường.

Đức dự kiến tiêm mũi tăng cường cho 20 - 25 triệu người tới cuối năm nay. (Ảnh: AP)

Đức dự kiến tiêm mũi tăng cường cho 20 - 25 triệu người tới cuối năm nay. (Ảnh: AP)

Ngày 18/11, Đức ghi nhận 65.371 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay. Trong 24 giờ qua, nước này cũng có thêm 264 ca tử vong vì dịch COVID-19. Hiện tổng số ca bệnh tại Đức tăng lên hơn 5,23 triệu trường hợp, trong đó trên 99.000 người không qua khỏi.

Đức đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm COVID-19 nghiêm trọng. Các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Thậm chí ở một số bang, bệnh nhân phải chuyển sang các nước khác trong Liên minh châu Âu để điều trị. Tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng đã khiến khả năng ứng phó của ngành y tế Đức bị cản trở nghiêm trọng. 

Bộ Y tế liên bang Đức đặt mục tiêu tới cuối năm nay có thể hoàn thành tiêm chủng mũi tăng cường cho từ 20 - 25 triệu người. Tính tới hết ngày 17/11, Đức đã hoàn thành tiêm mũi tiêm tăng cường cho 4,3 triệu người, chiếm 5,12% dân số.

Cơ quan phòng chống dịch bệnh Vương quốc Bỉ đã họp khẩn cấp công bố các biện pháp đối phó với đợt dịch COVID-19 lần thứ tư. Được biế, tỷ lệ tiêm chủng tại Bỉ hiện đã khá cao. 75% dân số Bỉ đã tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, trong tuần qua, số nhiễm mới và nhập viện vẫn không ngừng tăng.

Vương quốc Bỉ công bố những quy định phòng dịch ngặt nghèo hơn, nhưng vẫn dựa trên nguyên tắc người dân tiếp tục làm việc và trường học tiếp tục mở cửa. Các doanh nghiệp bắt buộc phải cho nhân viên làm việc tại nhà 4 ngày mỗi tuần, chỉ được tới nơi làm việc một lần trong tuần. Tất cả mọi người từ 10 tuổi trở lên dù đã tiêm chủng đầy đủ hai liều vaccine vẫn phải mang khẩu trang khi vào trong không gian kín.

Các trường học được lệnh phải mở cửa thông gió phòng học liên tục, hoặc cứ sau mỗi 1,5 tiếng lại phải mở hết cửa sổ, kể cả khi trời lạnh. Thẻ xanh COVID-19 sẽ là điều kiện bắt buộc để vào những nơi có nhiều hơn 50 người. Riêng với hộp đêm, ngoài Thẻ xanh COVID-19, còn phải trình cả kết quả xét nghiệm PCR thực hiện cùng ngày hôm đó.

Cơ quan phòng chống dịch bệnh của Bỉ nhấn mạnh, vaccine là vũ khí hiệu quả nhất. Tuy nhiên, dù đã tiêm chủng đầy đủ người dân vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch vừa công bố. Bỉ đã quyết định từ tuần trước là sẽ tiêm nhắc lại liều thứ ba cho toàn bộ người dân.

Làn sóng COVID-19 mới​ nhất tại Ukraine tấn công vào trẻ em ngày càng mạnh. Làn sóng dịch hiện nay cũng đã ghi nhận những ca trẻ em tử vong vì COVID-19 đầu tiên trong bệnh viện kể từ khi bùng phát dịch bệnh này vào mùa xuân năm 2020 ở Ukraine.

Là một trong những nước nghèo nhất châu Âu, Ukraine đang bị ảnh hưởng nặng nề trong làn sóng dịch mới nhất hiện nay do biến thể Delta hoành hành. Biến thể này lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với trẻ em. Ngày 18/11, đất nước có 40 triệu dân này đã ghi nhận 752 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, mức cao thứ ba trên thế giới sau Mỹ và Nga. Tỷ lệ tiêm phòng thấp đang góp phần làm trầm trọng thêm làn sóng lây nhiễm hiện nay ở nước này.

Trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 3, Chính phủ Indonesia đã quyết định nâng cấp độ chống dịch trên cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và năm mới 2022. Theo đó, lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng cấp độ 3 sẽ được áp đặt đồng bộ trên quy mô quốc gia, kể cả các địa phương đang ở trạng thái chống dịch cấp độ 1 và cấp độ 2. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn.

Các quy định hạn chế hoạt động cộng đồng cấp độ 3 cũng sẽ được áp đặt đối với những hoạt động tôn giáo trong dịp lễ Giáng sinh, tham quan du lịch và các trung tâm mua sắm. Quy định trên dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 đến ngày 2/1/2022. Những biện pháp này được ban hành với mục tiêu siết chặt các hoạt động đi lại của người dân và ngăn chặn sự gia tăng đột biến các ca mắc mới được dự báo sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới.

Rút kinh nghiệm từ châu Âu, Indonesia đưa ra 3 biện pháp phòng dịch gồm tiếp tục thực hiện nghiêm ngặt các quy định y tế như đeo khẩu trang, sát khuẩn; tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 trên toàn quốc (đến nay Indonesia đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine cho 40% dân số); thắt chặt kiểm soát sự đi lại của hành khách từ nước ngoài vào Indonesia và tăng cường giám sát khu vực biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Ngoài ra, Indonesia đã ghi nhận hiệu quả trong việc kiểm soát đi lại và sự lây lan dịch bệnh khi triển khai sử dụng bắt buộc ứng dụng giám sát sức khỏe như một điều kiện để nhập cảnh và đi lại tại Indonesia.

Chính phủ Campuchia đã cho phép những bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát tại các địa phương trên toàn quốc mở cửa đón khách trở lại kể từ ngày 18/11. Bộ Văn hóa và Nghệ thuật Campuchia cho biết, các bảo tàng, rạp chiếu phim, nhà hát trên toàn quốc được mở cửa hoạt động trở lại nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm túc các quy định trong quy trình hoạt động chuẩn (SOP) do Bộ Văn hóa và Nghệ thuật và Bộ Y tế nước này ban hành, cùng các biện pháp y tế khác.

Campuchia đang bước vào ngày thứ 18 của giai đoạn bình thường mới với số ca mắc COVID-19 được ghi nhận ở mức thấp. Trong thông cáo ngày 18/11, Bộ Y tế nước này xác nhận 54 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 4 trường hợp nhập cảnh. Đáng lưu ý, trong số 6 ca tử vong được ghi nhận trong ngày, có đến 5 trường hợp là các bệnh nhân chưa tiêm phòng COVID-19. Tính từ đầu mùa dịch COVID-19 đến nay, Campuchia ghi nhận gần 120.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2.800 người tử vong.

Ngày 18/11, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới, cao nhất từ đầu dịch. (Ảnh: AP)

Ngày 18/11, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới, cao nhất từ đầu dịch. (Ảnh: AP)

Bộ Y tế Lào ngày 18/11 thông báo, trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.401 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc tại Lào đến nay lên tới gần 58.800 người. Đây là số ca mắc mới COVID-19 trong một ngày cao nhất từ trước tới nay được ghi nhận tại nước này.

Thông báo cho biết, Lào đã liên tiếp ghi nhận số ca mắc COVID-19 theo ngày ở mức 4 chữ số trong 3 ngày qua. Riêng trong ngày 18/11, số ca mắc mới đã tăng 328 ca so với ngày 17/11, trong đó chỉ có 10 người nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận tại 17 tỉnh, thành. 

Tại thủ đô Vientiane, số ca cộng đồng cũng tiếp tục gia tăng với 534 ca trong một ngày, đứng đầu cả nước, nâng số bản thuộc diện "vùng đỏ" tăng lên thành 333 bản tại 9 quận. Đáng chú ý, nhiều tỉnh, thành đã ghi nhận số ca lây nhiễm cộng đồng vượt mức 100 ngườitrong 24 giờ, trong đó có Luang Prabang, Phongsaly, Bokeo… Điều này cho thấy, tình hình dịch bệnh tại Lào tiếp tục diễn biến phức tạp.

Trong nỗ lực nhằm sớm mở cửa trở lại đất nước, Chính phủ Lào đang có kế hoạch cho những khách du lịch đã tiêm đủ vaccine được nhập cảnh nước này theo một đề án có tên gọi là "Vùng xanh du lịch". Kế hoạch có thể bắt đầu được triển khai vào tháng 1/2022 tới. Theo đó, các "vùng xanh" dự kiến ban đầu sẽ gồm thủ đô Vientiane, Vang Vieng và Luang Prabang, những nơi có điều kiện an toàn cho du khách và các nhà cung cấp du lịch. Để đáp ứng điều kiện trở thành "Vùng xanh du lịch", các địa phương phải có từ 70 - 80% dân số và từ 90 - 95% nhà cung cấp dịch vụ đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Chính phủ Nhật Bản đang xem xét điều chỉnh các quy định nhập cư đối với lao động nước ngoài. Trong đó, có việc cho phép lao động có tay nghề trong nhiều lĩnh vực được gia hạn thị thực vô thời hạn bắt đầu từ năm 2022. Đây là một sự thay đổi lớn đối với quốc gia vốn không nhận nhiều người nhập cư.

Theo tạp chí Nikkei Asia của Nhật Bản, quy định thị thực làm việc vốn chỉ có thời hạn 5 năm ở 14 ngành nghề. Trong đó, nông nghiệp, điều dưỡng… sẽ được xem xét chuyển sang thị thực vô thời hạn. Lao động ở các ngành này cũng sẽ được đưa gia đình sang cùng. Chính sách mới được xem xét là bởi Nhật Bản đang có dân số già hóa nhanh chóng và thiếu lao động trầm trọng ở nhiều ngành nghề.

Ngày 18/11, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno cho biết, nước này sẽ nới lỏng các biện pháp hạn chế nhập cảnh và nâng giới hạn số người nhập cảnh từ 3.500 người/ngày hiện nay lên 5.000 người/ngày, bắt đầu từ ngày 26/11 tới. Theo ông Matsuno, quyết định trên được đưa ra sau khi Chính phủ Nhật Bản đánh giá hệ thống kiểm dịch và các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, Hàn Quốc ghi nhận 3.292 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 18/11, mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát tại nước này, nâng tổng số người nhiễm lên 406.065 ca. Trong đó, có tới 3.272 trường hợp lây nhiễm cộng đồng. Số ca mắc mới tăng mạnh trong bối cảnh Chính phủ nước này nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội và thực hiện kế hoạch sống chung với COVID-19.

Ngoài ra, theo KDCA, với thêm 29 ca không qua khỏi trong 24 giờ qua, tổng số người tử vong vì COVID-19 tại Hàn Quốc tăng lên thành 3.187 trường hợp. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân COVID-19 nặng hiện chỉ còn 506 ca, giảm 16 người so với mức cao nhất (522 ca) trong ngày 17/11 vừa qua.

Giới chuyên gia y tế dự báo, số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Dự báo được đưa ra sau khi nhiều hạn chế về giãn cách xã hội được dỡ bỏ vào đầu tháng 11 này. Hiệu quả vaccine cũng bắt đầu giảm dần với những người đã tiêm phòng vào đầu năm nay. 

Hàn Quốc đã bắt đầu thực hiện kế hoạch "Sống chung với COVID-19" theo 3 giai đoạn từ tháng 11. Hiện Chính phủ nước này đang tham khảo ý kiến của các chuyên gia y tế để đánh giá tình hình đại dịch trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh và chuyển sang chế độ khẩn cấp .

BP (tổng hợp)

Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh