Cập nhật coronavirus Vũ Hán: 170 ca tử vong, gần 8.000 trường hợp nhiễm bệnh, Tây Tạng kích hoạt cảnh báo y tế công cộng cấp cao nhất
- Y học 360
- 16:28 - 30/01/2020
170 ca tử vong, 7.158 trường hợp nhiễm bệnh
Theo các cơ quan y tế tại Trung Quốc, số ca mắc coronavirus gây bệnh viêm phổi Vũ Hán đã tăng lên 7.686 ở Trung Quốc vào thứ Tư ngày 29 tháng 1, nâng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn cầu lên 7.779 - gần bằng tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới trong đợt bùng phát Sars năm 2002-2003. Số người chết vì dịch viêm phổi lạ này cũng tiếp tục tăng mạnh, lên 170 trường hợp ở Trung Quốc. Cơ quan y tế cho biết, ngoài những trường hợp đã được xác nhận, vẫn còn hơn 9.000 trường hợp nghi ngờ trên toàn quốc.
Virus coronavirus được cho là có nguồn gốc từ một khu chợ bán động vật hoang dã ở Vũ Hán, thành phố thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc ở miền trung Trung Quốc. Các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được chính phủ Trung Quốc báo cáo vào cuối tháng 12. Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh đã di cư vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc đại lục đến Hồng Kông, Ma Cao, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia khác trên thế giới.
Virus có thể truyền từ người sang người. Trong một báo cáo hôm thứ Tư ngày 29 tháng 1, một người đàn ông Đức sống gần Munich đã nhiễm coronavirus từ một đồng nghiệp từ Thượng Hải đang đến thăm nơi làm việc của anh ta. Đây được cho là trường hợp đầu tiên của việc lây truyền virus như vậy ở châu Âu. Các trường hợp lây truyền từ người sang người cũng đã được báo cáo ở Nhật Bản, Việt Nam và Đài Loan.
Tình hình phát triển và lây lan bệnh ngày càng nghiêm trọng trong khi chưa chính thức có loại thuốc đặc trị. Trong nỗ lực phòng chống coronavirus, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã khuyến nghị rằng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các cơ quan chính quyền địa phương nên cho nhân viên từ các thành phố có số lượng lớn các trường hợp được xác nhận làm việc tại nhà thay vì yêu cầu họ đến văn phòng.
Bên cạnh đó, các biện pháp khuyến cáo người dân nên thực hiện để phòng bệnh là đeo khẩu trang, giữ vệ sinh sạch sẽ, rửa tay thường xuyên cũng như hạn chế tới những nơi đông người...
Tây Tạng kích hoạt cảnh báo y tế công cộng cấp cao nhất
Cũng trong hôm thứ Tư ngày 29/1, khu tự trị Tây Tạng của Tây Nam Trung Quốc đã kích hoạt mức cảnh báo y tế công cộng cao nhất sau khi báo cáo về trường hợp nghi ngờ đầu tiên của coronavirus mới. Đây là khu vực cuối cùng trên đại lục để kích hoạt cảnh báo Cấp I về các sự cố y tế công cộng.
Trước đó, 30 tỉnh, thành phố và khu tự trị trên lục địa Trung Quốc đã kích hoạt cảnh báo cấp I về các sự cố y tế công cộng - mức độ cao nhất của các cảnh báo và phản ứng y tế công cộng khẩn cấp trong hệ thống quản lý y tế công cộng của quốc gia.
Theo các nhà chức trách y tế địa phương, Lhasa, thủ đô của Tây Tạng, đã báo cáo trường hợp nghi ngờ đầu tiên về bệnh viêm phổi coronavirus mới. Đó là bệnh nhân có tên là Zhang, 34 tuổi, đến từ thành phố Tô Châu thuộc tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc. Anh đến Lhasa bằng tàu hỏa từ thủ phủ tỉnh Vũ Hán vào ngày 24 tháng 1 và nhập viện vào ngày 25 tháng 1.
Cuộc đua phát triển thuốc và vắc-xin
Cũng trong ngày thứ Tư, truyền thông nhà nước dẫn lời các nhà khoa học thuộc nhóm nghiên cứu coronavirus mới của Viện Khoa học Trung Quốc cho biết họ đã phát minh ra xét nghiệm phản ứng kháng thể ở bệnh nhân nhiễm bệnh và cũng xác định các loại thuốc hiện có hiệu quả trong việc chứa virus.
Theo tờ báo địa phương Hubei Daily, ba loại thuốc - Remdesivir, GS-5734, Chloroquine, Sigma-C6628 và Ritonavir - đều là những sản phẩm được cho phép sử dụng trên bệnh nhân.
Các nhà khoa học từ Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Hoa Kỳ đang chạy đua để sản xuất một loại vắc-xin cho coronavirus mới.
Giáo sư Yuen Kwok-yung, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Đại học Hồng Kông, cho biết nhóm các nhà nghiên cứu của ông đã phát triển một loại vắc-xin nhưng nó chưa có mốc thời gian để sẵn sàng sử dụng.
Cùng với Trung Quốc, ngày 28/1 vừa qua, các nhà khoa học thuộc Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty ở Melbourne, Úc đã tái tạo thành công bản sao của virus corona hay còn gọi là nCoV-2019. Theo các nhà khoa học, đây được coi là bước đột phá đáng kể trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh. Bản sao của virus corona được lấy từ mẫu virus của bệnh nhân Úc nhiễm virus corona, nhập viện vào ngày 24/1. Mẫu virus corona được nuôi trong phòng thí nghiệm, có thể sử dụng để phát hiện virus ở những bệnh nhân không có triệu chứng. Không những thế, Viện Lây nhiễm và Miễn dịch Peter Doherty cho biết đột phá này cũng sẽ giúp thử nghiệm bất cứ mẫu vắc xin nào nhằm đối phó với dịch bệnh đang hoành hành.