Cặp Gepard thứ ba của Việt Nam là tàu chiến mặt nước mạnh nhất khu vực?
- Tây Y
- 22:09 - 29/04/2016
Sau khi chính thức giới thiệu tên lửa KCT 15 vào năm ngoái, đã có dự đoán cho rằng cặp Gepard thứ ba của Việt Nam sẽ được trang bị loại đạn chống hạm nội địa này. Nhưng diễn biến vừa qua cho thấy chúng ta quyết định sẽ nâng sức mạnh của Gepard lên một tầm cao hơn.
Việc sử dụng tên lửa Kalibr,thay vì Uran chắc chắn gây ảnh hưởng khá nhiều tới cấu trúc của con tàu, khả năng cao là module hệ thống phòng không Palma ở phía trước sẽ được thay thế bằng bệ phóng thẳng đứng UKSK với 8 tên lửa sẵn sàng chiến đấu.
Cấu hình trên tương tự như chiếc Gepard có số hiệu 693 mang tên Dagestan thuộc Hạm đội Caspian của Hải quân Nga.
Chiến hạm Dagestan số hiệu 693 thuộc Hạm đội Caspian của Hải quân Nga
Tuy rằng năng lực phòng không có thể giảm sút so với 4 chiếc đầu, nhưng chắc chắn sức mạnh tấn công của 2 tàu Gepard tiếp theo sẽ vượt trội hoàn toàn, thậm chí còn vươn lên giữ vị trí số một ASEAN.
Trong khu vực Đông Nam Á, hiện tại chỉ Indonesia là có tàu chiến mặt nước mang tên lửa hành trình chống hạm siêu âm. Đó là khinh hạm lớp Ahmad Yani, được lắp đặt 4 ống phóng thẳng đứng của tên lửa Yakhont.
Mặc dù tầm bắn tối đa xa hơn Kalibr bản xuất khẩu (300 km so với 220 km), nhưng để đạt tới cự ly này Yakhont sẽ phải bay với quỹ đạo cao (trần bay 14 km) gần như toàn hành trình, khiến nó dễ bị phát hiện và bắn hạ bởi tàu chiến có hệ thống phòng không hiện đại.
Còn Kalibr nhờ áp dụng chế độ bay bám biển ở tốc độ cận âm ngay từ đầu, rồi đến giai đoạn công kích mới đột ngột tăng tốc lên siêu âm (Mach 2,9), khiến đối phương hầu như không có cơ hội đánh chặn.
Yakhont nếu thực hiện quỹ đạo thấp-thấp thì tầm bắn chỉ còn 120 km, hơn nữa vận tốc khi công kích mục tiêu của nó cũng không bằng Kalibr (Mach 2,5). Chính vì những đặc điểm trên mà Hải quân Nga đã quyết định bỏ qua Oniks/Yakhont để tiến thẳng lên Kalibr.
Tên lửa Kalibr sẽ giúp năng lực chống tàu mặt nước của cặp Gepard tiếp theo vượt trội so với hiện tại
Ngoài Yakhont, những tàu hộ vệ tên lửa khác của Hải quân các quốc gia Đông Nam Á chỉ mang theo đạn chống hạm cận âm.
Trong đó đáng kể nhất phải kể đến Exocet MM40 Block III trên khinh hạm SIGMA 10514 của Indonesia, hay Otomat Mk 2 trang bị cho tàu tấn công nhanh lớp Laksamana của Hải quân Hoàng gia Malaysia.
Tuy vậy cả hai loại này vẫn bị đánh giá kém xa Kalibr về mọi chỉ số quan trọng nhất (tầm bắn 180 - 200 km, vận tốc Mach 0,9 - 0,95).
Ngoài đạn chống tàu 3M-54TE, cặp Gepard thứ ba của Việt Nam còn có thể bắn tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14TE, hoặc đạn chống ngầm 91RTE từ chính bệ phóng UKSK, đây là điều không chiến hạm nào trong khu vực ASEAN (cả hiện tại và tương lai) thực hiện được.
Do vậy nếu không có gì đột biến, dự đoán đến năm 2020, Hải quân Nhân dân Việt Nam sẽ có trong tay 2 tàu chiến mặt nước mạnh nhất Đông Nam Á.