Cánh nhìn của phái mạnh về bình đẳng giới: Quan tâm và chia sẻ từ gia đình đến xã hội
- Y học 360
- 00:24 - 26/12/2019
Bình đẳng giới là gì và tại sao chúng ta cần bình đẳng giới?
Theo Liên hợp quốc, bình đẳng giới có nghĩa là phụ nữ và đàn ông được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung.
Ông Nguyễn Huy Luận (phường Tân Quy, quận 7, TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: Vợ chồng là cùng nhau sẻ chia, đồng cam cộng khổ. Tôi thường cùng bà nhà làm mọi việc trong nhà, bà bận nấu cơm, giặt giũ thì tôi quét nhà, dọn dẹp nhà cửa, tắm cho các cháu nội, dạy học và chơi cùng các cháu. Những việc trong nhà, tôi đều có thể làm được. Tôi nghĩ đó là sự hỗ trợ trong gia đình với nhau, chứ không có gì to tát. Và những lúc bà đi xa, khi làm việc nhà một mình, tôi càng hiểu có người cùng làm thì vui và mọi việc đơn giản hơn, nếu tất cả đều dồn hết cho vợ thì chắc rất mệt mỏi.
"Tôi không phân biệt việc của phụ nữ với đàn ông, chỉ đơn giản là vợ chồng thì phải cùng nhau sẻ chia, đồng cam cộng khổ. Ngày xưa, khi mới cưới nhau, hai bàn tay trắng, cũng nhờ đồng lòng, đồng tâm mới có được cuộc sống như bây giờ thì không có lý gì nay lại dồn hết sự lo lắng và vất vả lên vợ của mình", anh Nguyễn Tấn Lực cùng vợ buôn bán nhỏ chia sẻ về quan điểm về công việc trong gia đình.
Hàng năm, Phòng LĐ-TB&XH quận 7 đều xây dựng kế hoạch hoạt động, tuyên truyền về vấn đề này. Các nội dung về bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái được lồng ghép trong các hội nghị, lớp tập huấn, chương trình hành động của từng ngành, đoàn thể và phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao trong toàn quận để gắn kết người dân, xóa bỏ khoảng cách nam - nữ. "Chính các mẹ, các chị, em gái đã và đang góp sức rất lớn trong sự phát triển của quận và xây dựng quận đạt chuẩn văn minh đô thị. Vì vậy, quan tâm đến quyền lợi và nghĩa vụ của người phụ nữ là điều nên làm và phải làm", Phó phòng LĐ-TB&XH quận 7 chia sẻ.
Anh Nguyễn Chiến Lũy, Giám đốc công ty tư nhân tại TP. Hồ Chí Minh cho biết: Quan tâm, tạo điều kiện cho phụ nữ là điều nên làm và phải làm. Phụ nữ vẫn luôn là đối tượng chịu nhiều thiệt thòi trong xã hội. Trong gia đình, họ phải hy sinh thời gian, sức lực, sở thích của bản thân để lo việc nhà, chăm sóc chồng con; ngoài xã hội, họ cũng lại là người luôn yếu thế. Riêng đối với môi trường công sở, dù cùng một vị trí công việc, cùng công sức thì nam giới vẫn có nhiều lợi thế, điều kiện để đóng góp ý kiến, cống hiến tài năng hơn so với phụ nữ. Đó là chưa kể đến những nguy cơ phụ nữ gặp phải trong quá trình làm việc.
Anh Lũy cho biết thêm: "Tôi xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, tạo điều kiện cho tất cả các nhân viên. Tại công ty tôi, nhân viên nam cũng rất tâm lý, luôn giúp đỡ công việc cho các đồng nghiệp nữ nhưng dù sao chị em vẫn có những thiệt thòi. Do tính chất và áp lực công việc, thời gian dành cho gia đình và bản thân không nhiều, buộc chị em phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn để làm tròn một lúc "nhiều vai". Nhìn các chị em ở công ty, tôi cũng hiểu phần nào nỗi vất vả của vợ và cảm thấy cần yêu thương người phụ nữ của mình nhiều hơn".
Đàn ông cũng muốn được bình đẳng giới?
Bình đẳng giới từ khi được quan tâm đã và đang không ngừng phát triển, mặc dù vẫn chưa đến mức lý tưởng theo mong muốn của chị em nhưng đã có một số hiểu lầm và biến tướng.
Bình đẳng giới là cả hai giới được tạo cơ hội như nhau để phát triển, được nhìn nhận và đối xử công bằng, không phân biệt. Bình đẳng giới không phải là nam giới làm cái gì thì phụ nữ phải làm cái đó, như: Mặc đồ nam, cắt tóc cao, hút thuốc, uống rượu, chửi tục... không nằm trong phạm vi bình đẳng giới. Tuy nhiên, những điều đó đang bị lạm dụng và hiểu lầm thành một loại tự do, một kiểu chứng tỏ mình của một bộ phận những cô gái trẻ.
Ngày nay, phụ nữ cũng tham gia trên nhiều lĩnh vực đời sống, xã hội như nam giới. Hình tượng một người phụ nữ thành đạt, tài năng, năng động, đi nhiều nơi, học cao hiểu rộng hoặc bụi bụi, nghệ nghệ, quẩy hết mình…, dường như trở thành những tiêu chuẩn của người phụ nữ hiện đại. Những ai dịu dàng, quẩn quanh bếp núc hay ở nhà trông con thì được nhìn nhận bằng con mắt thương hại, bị gọi là "bánh bèo vô dụng"… Như vậy có phải là bình đẳng giới hay không hay chúng ta chỉ đang tạo ra những hình tượng mới để phụ nữ lựa chọn và noi theo? Không, bình đẳng giới không phải là thứ biến phụ nữ bằng hoặc hơn nam giới, hoặc trở thành một hình tượng nào đó. Bình đẳng giới là khi phụ nữ thoải mái được là phụ nữ.
Khi phụ nữ có tính đàn ông, mọi người khen mạnh mẽ. Khi đàn ông có tính phụ nữ, mọi người chê "đồ đàn bà". Bất bình đẳng ở chỗ "đàn bà" được xem là một tính từ chỉ cái xấu. Những ưu tiên dành cho nam giới dần dần được loại bỏ và bị xem là một loại kỳ thị phái nữ, trong khi đó những ưu tiên cho nữ giới thì được xem là chuyện đương nhiên. Đó có phải là bình đẳng không?
Cũng có nhiều câu hỏi từ phái mạnh: Tại sao có ngày phụ nữ mà không có ngày đàn ông? Đặc biệt nước mình còn có 2 ngày phụ nữ. Có thể nhiều người sẽ lý giải rằng vì tất cả ngày còn lại đều là ngày đàn ông rồi, hoặc vì phụ nữ thiệt thòi nhiều hơn... nhưng về bản chất, điều này là không công bằng. Có thể hiện tại nó góp phần làm giảm thiệt thòi cho phụ nữ nhưng lâu dài nó lại trở thành nhân tố bất công. Anh Phạm Văn Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần K.T.V chia sẻ: "Phụ nữ cần được tôn trọng, cần được đối xử công bằng như nam giới. Chuyện một người phụ nữ có được yêu thương, tôn trọng, tôn vinh hay không phụ thuộc vào bản thân người đó và tình cảm của người xung quanh dành cho người đó. Đừng nên xem đó là bổn phận, vì bổn phận nào cũng rất nặng nề".