THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:50

Cảnh giác với tôn giả, tôn nhái

Từ khi các cơ quan thẩm quyền khuyến cáo về tấm lợp ariang độc hại, nhiều người tiêu dùng chuyển sang sử dụng các loại tôn lợp. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng tôn giả, tôn nhái các doanh nghiệp uy tín, chất lượng đang tràn lan trên thị trường, gây thiệt hại cho  người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính.

 

Gian lận “đôn dem tôn”

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 14, thuộc Chi cục QLTT Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra “nóng” mặt hàng tôn tại Cty TNHH Ngọc Dần (KCN Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì), phát hiện 5 mẫu tôn có dấu hiệu định lượng sai so với định lượng đã công bố. Tại Cty TNHH cơ khí và thương mại Lan Sáu (ngõ 176 Định Công, quận Hoàng Mai), qua kiểm tra, nhiều sản phẩm tôn không phù hợp với độ dày trên tờ khai.

 

Tiếp tục kiểm tra 4 cơ sở sản xuất, kinh doanh tôn trên địa bàn, Đội QLTT số 14 phát hiện 3 cơ sở vi phạm chất lượng, trong đó, phát hiện số lượng lớn tôn nguyên liệu và tôn thành phẩm của Cty TNHH Mỹ Hoa (KCN Lai Xá, huyện Hoài Đức) không đạt chuẩn như ghi trên sản phẩm và trên giấy tờ. Cty TNHH Mỹ Hoa nhập thép cuộn của Trung Quốc rồi cán thành tôn lợp, sau đó bán ra thị trường. Trên bao bì và nhãn gốc đều thể hiện độ dày của sản phẩm là 0,35 mm, nhưng trên thực tế độ dày của tôn chỉ đạt 0,22 mm, tức chưa đạt 70%...  Hiện tượng này được gọi là đôn dem tôn.

 

Kiểm tra chất lượng tôn.

 

Thông thường, khi khách hàng yêu cầu mua tôn lợp có độ dày 0.35mm, giá khoảng 80.000 đồng/m, để cạnh tranh, các cơ sở sản xuất tôn sẽ báo giá 75.000 đồng/m, nhưng giao hàng tôn chỉ có độ dày 0.30mm. Đây là hình thức lừa dối khá phổ biến trong lĩnh vực kinh doanh tôn hiện nay. Theo tính toán, một cuộn tôn dài 2.000 m, giảm độ dày 0,05 mm, thì mỗi mét tôn sẽ có lãi gần 13.000 đồng, nếu tính giảm giá cho khách 5.000 đồng/m, vẫn lãi 8.000 đồng/m, cả cuộn 2.000 m sẽ có lãi 16 triệu đồng. Tại một cửa hàng trên đường Trường Chinh (Hà Nội), có nhiều sản phẩm tôn lợp ghi độ dày 0,35mm, nhưng khi bí mật đo bằng thước đo chuyên dụng chỉ đạt 0,28mm. Thông tin về độ dày trên tấm tôn vẫn có thể được thay đổi nếu chủ cửa hàng muốn.

 

Tuy nhiên, không phải cửa hàng nào cũng trưng các sản phẩm tôn một cách thoải mái cho khách hàng đo. “Để tránh bị phát hiện, các cơ sở kinh doanh tôn kém chất lượng thường chỉ trưng hàng chuẩn, đúng độ dày. Khách hàng đến hỏi mua thì chủ cơ sở đưa ra hàng chuẩn, nhưng khi tính tiền hàng xong, họ nói mình về trước, đợi tới chiều hoặc sáng hôm sau sẽ cho xe đưa tôn tới tận nhà, công trình. Trong thời gian này, họ cho nhân viên đi lấy tôn thiếu đem giao hàng” - một khách hàng từng bị lừa, cho biết. Với các công trình, nhu cầu mua số lượng lớn, thường các cơ sở kinh doanh cũng sẽ trà trộn tôn có độ dày không đúng tiêu chuẩn vào cùng với tôn có độ dày đúng tiêu chuẩn, khiến việc kiểm tra rất khó khăn.

 

Người tiêu dùng và thương hiệu thật chịu thiệt

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch Hội tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng, tấm lợp amiang độc hại nên nhu cầu về tấm lợp tôn tăng mạnh. Vì thế, kinh doanh tôn đang trở thành mảnh đất màu mỡ. Thông thường tấm tôn rất mỏng, người tiêu dùng không hiểu thông số kỹ thuật nên dễ bị lừa. Theo ông Hùng, cơ quan chức năng phải vào cuộc, có biện pháp xử lý, vì đây là gian lận thương mại rất tinh vi, vừa sản xuất hàng giả, có hành vi buôn bán tôn kém chất lượng và sự móc nối với nhau giữa dân buôn để “móc túi” người tiêu dùng, làm giảm uy tín của đơn vị thi công cũng như công trình bị sử dụng tôn giả.

 

Ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hoa Sen bức xúc: “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để ngăn chặn tình trạng tôn giả lũng đoạn thị trường. Cần xây dựng cơ chế quản lý chặt chẽ, quy trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng trong việc kinh doanh sản xuất tôn của các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần có hình thức xử lý thích đáng, chế tài mạnh và mang tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm gian lận. Doanh nghiệp cũng cần phổ biến cho người tiêu dùng cách phân biệt giữa tôn chính hãng và tôn kém chất lượng, tôn giả, tôn nhái, cũng như nhận biết các hình thức gian lận thương mại đang diễn ra phổ biến trên thị trường hiện nay”.

 

Phân biệt tôn thật - giả 

- Quan sát dòng in vi tính trên cuộn tôn, sẽ là tôn giả nếu dòng in bị nhòe do bị bôi xóa, in đè lên; hoặc dòng in ngắn, không hiển thị đầy đủ thông tin sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng của nhà sản xuất.

 - Có thể gửi mẫu tôn về doanh nghiệp sản xuất hoặc trung tâm kiểm định của Nhà nước nếu nghi ngờ hàng nhái.

- Không nên mua tôn có ký hiệu “MSC” trong chuỗi mã số in ở mặt sau tấm tôn, đây là ký hiệu "ngầm" của giới buôn "tôn âm".

- Mã số sản phẩm tôn thật là TKPMXXXXxxxx0,40mm (độ dày 0,4mm) có thể bị  thành TKPMXXXXxxxx0,45mm (độ dày 0,45mm).

- Cân tôn đối chiếu: Trọng lượng mỗi mét "tôn âm" thường nhẹ hơn nhiều so với hàng chuẩn.

- Dùng thước kẹp hoặc máy đo cầm tay là cách xác định độ dày tôn chính xác nhất. 

Kiểm tra lại hàng khi giao nhận.

 

V. Khánh (tổng hợp) 

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh