THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:37

Tệ nạn buôn bán người: Xuất hiện tình trạng mua bán nam giới

 

Đây là thông tin tại Hội thảo trao đổi, chia sẽ kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về diễn ra ngày 12/12/2018, do Cục phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức.
Vẫn còn nhiều nạn nhân bị lừa bán
Theo đại diện Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng chủ yếu là: Lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, nhẹ dạ cả tin của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài, trong đó trên 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. 
 
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống Tệ nạn xã hội phát biểu tại hội thảo
Đối tượng phạm tội chủ yếu là số đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người; người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.
Theo Cục Cảnh sát hình sự, nguyên nhân cơ bản của tình hình trên về khách quan là do tình hình trên thế giới, khu vực tác động, siêu lợi nhuận thu được từ hoạt động mua bán người; mất cân bằng về giới; tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, sự phân hóa giàu nghèo, thiếu việc làm, thiếu hiểu biết, nên một bộ phận người dân, nhất là phụ nữ, trẻ em bị đối tượng phạm tội dụ dỗ, lừa gạt. 
Về chủ quan, việc giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, dân tộc ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội chưa được coi trọng làm cho một bộ phận dân cư sa vào lối sống vật chất, xem thường đạo lý, bất chất pháp luật; công tác quản lý Nhà nước, quản lý xã hội ở một số lĩnh vực còn bất cập, sơ hở, để tội phạm lợi dụng hoạt động, nhất là trong quản lý các lĩnh vực: người nước ngoài, nhân hộ khẩu, biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài…    
Để giảm thiểu tội phạm mua bán người, bên cạnh các giải pháp, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng… cần tăng cường công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng chống mua bán người. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng chục nghìn nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán người. Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Hiệu quả từ các mô hình, tổ chức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
 Theo kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về - Tái hòa nhập cộng đồng do Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Quốc tế tại Việt Nam, nạn nhân bị mua bán trở về cộng đồng cần rất nhiều dịch vụ hỗ trợ tái hóa nhập tùy theo nhu cầu đặc thù của mỗi người. Gói dịch vụ tái hòa nhập tổng thể đối với người bị mua bán trở về bao gồm: Dịch vụ nhà ở và nơi ở; dịch vụ hỗ trợ y tế; dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tâm lý; Kỹ năng sống và giáo dục; các chương trình tạo điều kiện về kinh tế; dịch vụ hỗ trợ hành chính và pháp lý; dịch vụ hỗ trợ và trợ giúp pháp lý; đánh giá về an ninh và an toàn; tư vấn và hòa giải gia đình; dịch vụ quản lý trường hợp. 
Đa phần các nạn nhân trong vùng can thiệp là các em nhỏ đang đi học, hoặc là phụ nữ đã có con, việc tham gia vào một dịch vụ ngoài cộng đồng là rất khó tiếp cận. Mô hình nhóm tự lực góp phần hỗ trợ nạn nhân về kỹ năng sống, điều kiện kinh tế và tạo điều kiện để tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khác để thành viên tái hòa nhập thành công ngay tại cộng đồng.
 
Hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về do các mô hình, dự án của các tổ chức thực hiện
Được biết từ năm 2007 đến nay, Tổ chức Tầm nhìn thế giới đã hỗ trợ nhiều dự án về Phòng chống mua bán người tại Việt Nam, như: Dự án vận động chính sách khu vực phòng chống mua bán người; Dự án phòng chống mua bán người khu vực đồng bằng sông Mê Kông; Dự án vận động chính sách về phòng chống mua bán người 2008-2010…
Tại hội thảo, những kinh nghiệm trong phòng chống, mua bán người, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã được các tổ chức, địa phương, các mô hình chia sẻ, trao đổi rất hiệu quả, như  mô hình “Ngôi nhà bình yên hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị mua bán trở về” của Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội LH Phụ nữ Việt Nam). Đến 30/10/2018, Nhà bình yên dành cho phụ nữ, trẻ em bị mua bán trở về tiếp nhận 353 nạn nhân. Các nạn nhân được hỗ trợ các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, tư vấn. Kết quả hoạt động của đã chứng minh vai trò và sự cần thiết của mô hình, đặc biệt với ý nghĩa là một mô hình hỗ trợ dài hạn, toàn diện – yếu tố tiên quyết giúp nạn nhân ổn định, tái hòa nhập bền vững. 
Ông Lê Đức Hiền, Phó cục trưởng Cục phòng chống Tệ nạn xã hội nhận định, thực tế các mô hình hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về đã và đang tiển khai tại cho thấy nhiều hình thức phù hợp, tăng cơ hội cho nạn nhân được bảo vệ, ổn định sức khỏe, tinh thần, hồ trợ vốn vay, làm kinh tế. Nhiều nạn nhân sau khi được hỗ trợ đã ổn định được cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

Chu Lương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh