THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 07:11

Cảnh báo viêm não Nhật Bản vào đỉnh dịch

Tỷ lệ tử vong cao và nhiều biến chứng nguy hiểm

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, tại thời điểm này, bệnh viện đã có 16 trường hợp viêm não Nhật Bản điều trị, có trường hợp rất nặng, nguy hiểm đến tính mạng. Còn tại Khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, hiện Khoa đang có gần 10 ca viêm não Nhật Bản đang điều trị. Sở Y tế Hà Nội cũng cho biết, riêng tại Hà Nội đã phát hiện 11 trường hợp viêm não Nhật Bản, đặc biệt, chỉ trong tuần cuối của tháng 6 đã xuất hiện 6 ca. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết,  đến thời điểm này đã ghi nhận các ca viêm não Nhật Bản tại các tỉnh, thành khu vực phía Bắc như: Hà Nội, Bắc Giang, Điện Biên, Sơn La, Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình, Lào Cai...

Thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin cho rằng ăn vải dễ bị nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản khiến người dân hoang mang, không dám mua vải về ăn dù loại quả này đang vào chính vụ. Trước thông tin này, các chuyên gia đã lên tiếng khẳng định không có chuyện ăn vải dễ mắc bệnh viêm não như tin đồn, người dân không nên tin vào những thông tin chưa được kiểm chứng như trên.

Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng viêm não Nhật Bản.

Mặc dù đã có kết luận khẳng định ăn vải không gây viêm não Nhật Bản nhưng tin đồn này vẫn âm ỉ lan truyền, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến bà con trồng vải. Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã chính thức bác bỏ thông tin thất thiệt này. Theo thông tin từ Cục Y tế dự phòng, mùa vải (tháng 6 - 7 hàng năm) trùng hợp vào tháng cao điểm nguy cơ dễ mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, viêm não Nhật Bản là bệnh cấp tính do vi rút gây ra, không lây truyền trực tiếp từ người sang người hoặc từ động vật sang người mà lây truyền thông qua muỗi đốt. Việc ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh. Do đó, việc ăn vải không liên quan gì đến lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản.

Viêm não Nhật Bản là căn bệnh có nguy cơ mắc trong mùa hè ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm vắc xin. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7. Sở dĩ bệnh hay gặp vào mùa này là vì đây là mùa thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, bệnh viêm não Nhật Bản lây truyền sang người do muỗi đốt. Hiện nay, ở miền Bắc, nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển nên nguy cơ lây các bệnh do muỗi truyền càng cao.

Viêm não Nhật Bản có thể gây tử vong, còn có thể có một số biến chứng như hôn mê sâu do ứ đọng đờm nhớt, mất phản xạ ho, sặc hoặc liệt hầu họng. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh viêm não Nhật Bản. Việc điều trị chủ yếu là hồi sức cấp cứu và điều trị triệu chứng như chống phù não, an thần chống co giật, kiểm soát nhiệt độ, hỗ trợ tuần hoàn, hô hấp, ngăn ngừa bội nhiễm và dinh dưỡng, chống loét...“Viêm não Nhật Bản bắt đầu vào mùa, nếu không tiêm phòng vắc xin cho trẻ thì nguy cơ mắc bệnh rất cao”, lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo.

Dấu hiệu nhiễm viêm não Nhật Bản

Dấu hiệu mắc viêm não Nhật Bản thường gặp bao gồm những triệu chứng như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C  kèm đau đầu, buồn nôn và nôn, sau đó co giật, co cứng, liệt và có rối loạn về tinh thần như  vật vã, mê sảng, li bì, lú lẫn, hôn mê. Với trẻ nhỏ, các dấu hiệu không điển hình và khó phát hiện hơn nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng như: Sốt, nôn  nhiều, thóp phồng, co giật, co cứng, cử động bất thường, li bì hoặc hôn mê. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản là biện pháp hiệu quả nhất để phòng bệnh. Từ năm 2015 chương trình Tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản hàng tháng ở tất cả các trạm y tế xã thay vì tiêm từng đợt như trước kia.Việc triển khai tiêm vắc xin hàng tháng sẽ giúp tạo được miễn dịch sớm, kịp thời ngay khi trẻ được 1 tuổi.

Để chủ động trong công tác phòng chống bệnh viêm não Nhật Bản, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân cần tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.

Tiêm chủng với 3 liều cơ bản:

+ Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi.

+ Mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần.

+ Mũi 3: Sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3 - 4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

- Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.

- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.

-  Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.

- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.         

THÁI AN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh