Cảnh báo tình trạng người nước ngoài dùng facebook lừa phụ nữ Việt
- Tây Y
- 03:11 - 07/05/2015
Hóa đơn chuyển hàng được làm giả để gửi qua mail hoặc facebook cho bị hại tin tưởng
Vẫn theo đại tá Sơn, chủ yếu những bị hại đều là những phụ nữ sống độc thân. Và sau một thời gian nói chuyện thân thiết với bị hại, số người nước ngoài liền đưa ra lời đề nghị tặng những món quà đắt tiền, như đồng hồ, điện thoại đời mới, dây chuyền… bằng đường chuyển phát nhanh từ nước ngoài về Việt Nam.
Tuy nhiên, trước đó số người nước ngoài này đã làm quen, cấu kết với người Việt Nam, với mục đích là giả danh nhân viên công ty chuyển phát nhanh, nhân viên hải quan, nhân viên sân bay… gọi điện cho bị hại thông báo lô hàng chuyển từ nước ngoài về hiện đang bị giữ tại sân bay.
Do vậy, những phụ nữ người Việt muốn nhận được quà tặng, bắt buộc phải nộp một khoản tiền phí chuyển phát nhanh, tiền thuế… vào các tài khoản ngân hàng Việt Nam (tài khoản này do nhóm người này cung cấp), thế là sập bẫy.
Mới đây nhất, đầu tháng 4.2015, qua mạng xã hội facebook, chị T.T.H.H (38 tuổi, ngụ ở quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội) được một người đàn ông tên Larry Smith làm quen. Smith giới thiệu mình sinh ra tại bang New Mexico (nước Mỹ). Sau một thời gian trò chuyện, đến ngày 10.4, Smith gợi ý muốn tặng chị H. món quà gồm: đồng hồ đeo tay, dây chuyền, nhẫn kim cương, nước hoa, máy ảnh, máy tính bảng, máy nghe nhạc… cùng 250.000 USD.
Ngày 14.4, có người tự nhận là nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất, gọi vào số điện thoại di động của chị H. và thông báo lô hàng của Smith đang bị giữ tại sân bay, do vậy chị H. phải nộp 23 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng để trả phí vận chuyển quà.
Ngày hôm sau, nhân viên này tiếp tục gọi cho chị H. thông báo gói hàng có chứa một số tiền ngoại tệ lớn, do vậy chị này phải nộp thêm 84 triệu đồng tiền thuế. Nghi ngờ mình bị lừa nên chị H. không tiếp tục nộp tiền và lên cơ quan công an trình báo.
Trường hợp khác là chị P.T.D (46 tuổi, ngụ ở thành phố Buôn Mê Thuật, tỉnh Đắk Lắk). Tháng 7.2014, qua mạng xã hội facebook, chị D. làm với một người nước ngoài tên David Jackson (Quốc tịch Anh). Sau một thời gian trò chuyện qua facebook, Jackson nói sẽ sang Việt Nam để cưới chị D. và sau đó đưa chị sang nước Anh sinh sống.
Ngày 10.2, Jackson nói với chị D. là đã mua vé máy bay sang Việt Nam. Tới ngày 11.2, một người phụ nữ gọi vào máy chị D., giới thiệu là nhân viên nhập cảnh sân bay Nội Bài, thông báo David Jackson đang bị tạm giữ vì mang theo một lượng lớn ngoại tệ. Nhân viên này đề nghị chị D. chuyển 3.500 USD (73 triệu đồng) vào tài khoản ngân hàng để giải quyết nhanh vụ việc.
Tiếp sau đó, nhân viên này còn 2 lần gọi điện nói chị D. gửi thêm 12.000 USD (tương đương 252 triệu đồng) và chị D. đồng ý. Tới lần thứ 4, nghi ngờ mình bị lừa, chị D. trực tiếp đến sân bay Nội Bài kiểm tra thông tin mới rõ thực hư sự việc. Như vậy tổng số tiền chị D. bị lừa đảo chiếm đoạt lên đến 325 triệu đồng.
Theo đại tá Sơn, ngoài 2 vụ việc nêu trên, PC50 còn nhận được nhiều đơn thư trình báo của bị hại với thủ đoạn tương tự. Hiện, PC50 vẫn đang khẩn trương phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ của Công an thành phố Hà Nội điều tra, xác minh làm rõ, truy bắt nghi phạm.