THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 05:00

Cảnh báo nguy hiểm khi lạm dụng kháng sinh cho trẻ

Lạm dụng kháng sinh dẫn đến những hệ luỵ khó lường. (Ảnh: Báo SK&ĐS)

Lạm dụng kháng sinh dẫn đến những hệ luỵ khó lường. (Ảnh: Báo SK&ĐS)

Theo báo Sức khoẻ và Đời sống, mỗi năm trên thế giới có gần 1 triệu trẻ em tử vong do vi khuẩn kháng kháng sinh. Việt Nam là nước trong nhóm các quốc gia có tỷ lệ kháng kháng sinh cao trên thế giới.

Đối với trẻ em, khi lạm dụng kháng sinh một cách bừa bãi có thể khiến trẻ nhỏ gặp những nguy cơ sau:

Loạn khuẩn đường ruột dẫn tới suy sinh dưỡng

Kháng sinh dùng để diệt hoặc kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn. Việc lạm dụng kháng sinh phổ rộng hoặc liều cao dài ngày, không chỉ khiến vi khuẩn có hại mà cả vi khuẩn có lợi cho cơ thể cũng bị tiêu diệt. Từ đó dẫn đến tình trạng loạn khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa. Đối với trẻ em, hệ vi sinh đường ruột chưa hoàn thiện, nên khi lạm dụng kháng sinh lại càng dễ bị loạn khuẩn đường ruột, tiêu chảy, táo bón, buồn nôn, phát ban…

Trẻ bị loạn khuẩn đường ruột, rối loạn tiêu hóa khiến cơ thể bị thiếu hấp thu các chất dinh dưỡng. Khi thiếu chất, cơ thể trẻ bị mệt mỏi, dẫn đến biếng ăn, tăng cân chậm, suy dinh dưỡng ở thể trạng nhẹ cân. Nếu quá trình này lặp lại, kéo dài dẫn tới suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Tăng nguy cơ mắc bệnh tự miễn đường ruột, hen suyễn, dị ứng

Hệ miễn dịch của trẻ có mối liên hệ chặt chẽ với thành ruột và hệ vi sinh có lợi tại ruột. Khi hệ vi sinh này mất cân bằng do lạm dụng kháng sinh sẽ dẫn đến các rối loạn điều hòa miễn dịch. Hệ quả là trẻ tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, viêm mũi màng kết, eczema hoặc bệnh tự miễn như viêm đường ruột Crohn, tiêu chảy phân mỡ Celiac...

Gây hại thận

Những trẻ sử dụng kháng sinh bừa bãi, lạm dụng kháng sinh có nguy cơ gặp tác dụng phụ rất lớn. Trong đó, một số loại kháng sinh còn gây tổn thương thận. Ví dụ như cephalosporin (cephalexin, cefalothin, cephazolin…), một nhóm kháng sinh được dùng khá phổ biến ở trẻ, nhưng có thể gây tổn thương thận. Hoặc kháng sinh nhóm betalactam (methicilin, penicilin…) có thể gây ra bệnh ở ống thận - mô kẽ do miễn dịch - dị ứng cho các trường hợp mô thận quá mẫn cảm. Ngoài ra, một số kháng sinh khi sử dụng còn khiến trẻ gặp phải tình huống dị ứng, nghiêm trọng hơn nữa là sốc phản vệ.

Tạo ra vi khuẩn siêu kháng thuốc

Việt Nam có khí hậu thay đổi thất thường, nên trẻ em hay mắc các bệnh lý về đường hô hấp. Đa số các trường hợp bị viêm đường hô hấp là do virus không cần phải điều trị bằng kháng sinh. Thế nhưng phụ huynh lại thường hay tự ý mua kháng sinh về dùng cho trẻ. Đây chính là tiền đề của việc nuôi dưỡng một siêu vi khuẩn kháng thuốc trong cơ thể trẻ.

Việt Nam từng ghi nhận trường hợp trẻ tử vong do nhiễm khuẩn E.Coli kháng thuốc. Cũng rất nhiều trường hợp nhiễm siêu khuẩn kháng mọi loại kháng sinh và việc điều trị cực kỳ khó khăn, để lại hậu quả nặng nề cho bệnh nhân và cộng đồng.

Suy giảm miễn dịch

Nếu trẻ càng dùng kháng sinh thường xuyên thì càng dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp… Nguyên nhân là do hệ miễn dịch của trẻ vốn non yếu, lại không có cơ hội trưởng thành khi lạm dụng kháng sinh. Khi bị bệnh ở đường hô hấp, nếu chữa trị đúng cách, trẻ có thể vượt qua bệnh tật đồng thời tạo cơ hội cho hệ miễn dịch "tập dượt chiến đấu", chống chọi tốt hơn để không nhiễm khuẩn lần sau.

Biện pháp hạn chế lạm dụng kháng sinh

Để hạn chế lạm dụng kháng sinh cho trẻ, theo báo điện tử VNExpress, các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần thực hiện các biện pháp kết hợp sau:

- Không sử dụng kháng sinh cho trẻ khi không cần thiết: Những bệnh phổ biến không cần sử dụng kháng sinh đó là cảm lạnh, cảm cúm, sốt siêu vi, viêm nhiễm đường hô hấp trên. Thậm chí, các trường hợp viêm phế quản, viêm tai - mũi - họng ở mức độ nhẹ, trẻ vẫn ăn uống bình thường, vẫn chơi, không có biểu hiện khó thở nặng lên… thì cha mẹ không nên vội vàng dùng kháng sinh.

Thay vào đó, cha mẹ nên chăm sóc tích cực, hạ sốt bằng chườm mát, giảm ho bằng các liệu pháp thảo dược, tăng cường uống nước, ăn các chất lỏng giàu dinh dưỡng… Sau một vài tuần bệnh sẽ tự khỏi.

Trong trường hợp bệnh có dấu hiệu nặng lên, cần đưa trẻ tới bệnh viện để bác sĩ chỉ định thuốc phù hợp sau khi có kết luận chính xác trẻ nhiễm virus hay vi khuẩn.

- Dùng kháng sinh đúng bệnh, đúng cách: Trong trường hợp bệnh bắt buộc phải sử dụng kháng sinh, cha mẹ lưu ý phải tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn sử dụng về thời gian, liều dùng, các lưu ý khi kết hợp thuốc kháng sinh với các thức ăn đồ uống thông thường… để thuốc phát huy tối đa tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Như vậy, chúng sẽ không có cơ hội phát triển các thể kháng thuốc.

- Tăng cường miễn dịch cho trẻ: Miễn dịch là vũ khí lợi hại nhất mà cơ thể dùng để chống lại các bệnh do vi khuẩn và virus. Hệ miễn dịch mạnh khỏe cũng là hàng rào bảo vệ giúp trẻ phòng tránh hoặc vượt qua dễ dàng các bệnh nhiễm trùng.

Trẻ cần được tăng cường miễn dịch thường xuyên bằng các biện pháp gián tiếp và trực tiếp. Các biện pháp gián tiếp gồm bổ sung dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là vui chơi ngoài trời nơi không khí trong lành.

Các biện pháp trực tiếp gồm tiêm vaccine phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch, bổ sung chất tăng cường miễn dịch như vitamin, hoạt chất Beta-(1.3/1.6)-D-glukan thuộc nhóm betaglucan...

BM (Tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh