THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 08:14

Cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm để lại nhiều biến chứng tim mạch

Nhiều người quan niệm rằng huyết áp cao mới là nguyên nhân dẫn tới những biến chứng nguy hiểm, nhưng trên thực tế huyết áp thấp nguy hiểm không kém huyết áp cao.

Rất nhiều người mắc căn bệnh huyết áp thấp, khi đứng lên đột ngột bị chóng mặt, hoa mắt, choáng váng. Đây là một căn bệnh gây nhiều phiền toái cho cuộc sống và có biến chứng nguy hiểm. Tuy trước mắt, huyết áp thấp không dẫn đến biến chứng cấp cứu như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim...Nhưng về lâu dài, nó có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm không kém.

Bởi khi người bệnh bị tụt huyết áp nhiều lần, chức năng hệ thống thần kinh sẽ suy giảm, đồng thời cơ thể cũng không điều chỉnh kịp thời để cung cấp dinh dưỡng đến cơ quan như não, tim, thận,....gây tổn thương các cơ quan này. Huyết áp thấp cũng là nguyên nhân gây tai biến mạch máu não, chiếm tỷ lệ tương tự như huyết áp cao.

Chia sẻ trong cộng đồng Xóm Khỏe, bác sĩ Văn Đức Hạnh, Viện Tim mạch quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai đã nêu rõ những điều cần biết về căn bệnh huyết áp thấp này.

1. Thế nào là huyết áp thấp: Người ta gọi là huyết áp thấp nếu huyết áp tâm thu (huyết áp khi tim co bóp) nhỏ hơn 90 mmHg hoặc huyết áp tâm trương (huyết áp khi tim giãn ra) nhỏ hơn 60 mmHg (Huyết áp <90/60 mmHg).

2. Biểu hiện của huyết áp thấp: Do huyết áp thấp nên lưu lượng máu chảy tới các cơ quan trong cơ thể như não, thận, gan, ruột… giảm từ đó gây ra một số triệu chứng như sau:

- Chóng mặt

- Choáng ngất

- Buồn nôn

- Mệt

- Giảm tập trung

- Một số trường hợp huyết áp rất thấp (do bệnh lý suy tim hoặc nhồi máu cơ tim…) có thể tiến triển thành sốc với các triệu chứng như lơ mơ, lạnh đầu chi, khó thở, mạch nhanh nhỏ và yếu. Trường hợp này rất nặng vì ảnh hưởng tới tính mạng người bệnh.

BS Viện tim mạch quốc gia cảnh báo một bệnh lý nguy hiểm để lại nhiều biến chứng tim mạch, gây ra nhiều phiền toái - Ảnh 1.

3. Nguyên nhân huyết áp thấp: một số tình trạng sau có thể gây ra huyết áp thấp:

- Có thai

- Bệnh lý tim mạch: bệnh cơ tim, bệnh van tim, suy tim, rối loạn nhịp tim

- Bệnh tuyến nội tiết: bệnh lý tuyến giáp, cận giáp, thượng thận, hạ đường máu

- Mất nước do tiêu chảy hoặc nôn có thể gây giảm khối lượng tuần hoàn và gây huyết áp thấp

- Mất máu: do chấn thương hoặc thiếu máu do các nguyên nhân khác

- Nhiễm trùng nặng

- Phản vệ

- Thiếu dinh dưỡng do chế độ ăn: đặc biệt thiếu vitamin B12, folate, sắt…

- Sử dụng thuốc không hợp lý: thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn alpha hoặc beta giao cảm, thuốc giãn mạch…

4. Điều trị:

Đối với những người huyết áp thấp nhưng không có biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ như mô tả ở trên thì không cần dùng thuốc.

Nếu có biểu hiện lâm sàng của huyết áp thấp cần điều trị theo nguyên nhân. Nếu không rõ nguyên nhân thì mục tiêu điều trị là nâng huyết áp và giảm triệu chứng. Một số biện pháp điều trị bao gồm:

- Ăn tăng muối: cần tham khảo bác sĩ trước khi áp dụng vì ăn nhiều muối có thể gây tác dụng ngược lại là tăng huyết áp và suy tim.

- Uống nhiều nước: từ đó tăng khối lượng tuần hoàn.

- Đi tất áp lực.

- Sử dụng thuốc để nâng huyết áp: tuy nhiên cần được chỉ định của bác sĩ, không được tự ý sử dụng.

5. Dự phòng huyết áp thấp:

- Uống nhiều nước và uống ít rượu

- Tập thể dục thường xuyên

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột. Ví dụ đứng lên đột ngột khi đang nằm

- Tránh nâng vật nặng

- Tránh ngồi một chỗ kéo dài

- Tránh tắm nước nóng kéo dài

Bác sĩ Đức Hạnh kết luận: "Huyết áp thấp là tình trạng gây khó chịu trong cuộc sống. Hầu hết không cần điều trị đặc biệt, chỉ cần thay đổi lối sống để dự phòng. Một số trường hợp huyết áp thấp cần tìm nguyên nhân để điều trị triệt để. Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị huyết áp thấp kèm biểu hiện triệu chứng lâm sàng để được tư vấn kịp thời".

Theo Bác sĩ Văn Đức Hạnh, Group Xóm Khỏe

Thiên An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh