THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 10:07

Cảnh báo gia tăng tai nạn du lịch

Những ngày vừa qua, vụ việc anh T sinh viên trường ĐH Công nghiệp Hà Nội tử nạn ở Y Tý (Lào Cai) đã gây xôn xao trong cộng đồng phượt cả nước, để lại nỗi xót xa nuối tiếc cho người thân và bạn bè, bởi T ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ.

Theo tìm hiểu, nhóm phượt T tham gia gồm 25 người, đi trên 13 xe máy xuất phát từ Hà Nội, đến địa phận Y Tý do đoạn đường hẹp lại gặp trời mưa, trơn ướt nên chiếc xe do T điều khiển bị trượt bánh ngã ra đường, cùng lúc đó một chiếc xe tải cùng chiều không kịp xử lý đã chèn lên xe máy khiến T tử vong.

Cuối năm 2014, vụ nữ sinh 19 tuổi tử nạn trên đường đi phượt cũng làm cho cư dân mạng và những người đam mê du lịch bàng hoàng, đau xót.

Điều đáng nói là, sau những vụ việc thương tâm, các nguyên nhân đã được cộng đồng mạng phân tích mổ xẻ, đưa ra cảnh báo, song nhiều bạn trẻ đam mê “du lịch bụi” vẫn chưa rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Một vụ tai nạn du lịch đường sông xảy ra gần đây (ngày 24/11/2015) làm 2 người chết. Trong lúc chở 7 du khách (trong đó có 2 Việt kiều Australia) và một hướng dẫn viên du lịch chạy từ Đất Mũi về thị trấn Năm Căn, khi đến cầu Sắt Cò trên sông Đại Môn, chiếc canô đã tông trực diện vào trụ cầu, gãy đôi. Tất cả mọi người trên ca nô bị hất văng ra xa nhiều mét, nam hướng dẫn viên và tài công tử vong tại chỗ. Những người còn lại được đưa đi cấp cứu trong tình trạng chấn thương nặng, trong đó một du khách Việt kiều 62 tuổi bị gãy chân.

Theo điều tra ban đầu, chủ ca nô là ông Hồng Thi Khánh (thị trấn Năm Căn, huyện Năm Căn) thuê tài công Lý Thái Sơn (24 tuổi) chở khách, trong quá trình vận chuyển, ca nô không có các dụng cụ cứu hộ, cứu nạn cần thiết.

Cứu hộ nạn nhân vụ tai nạn xe khách ở Lào Cai.

Trước đó, ngày 3/10/2015, trong lúc tắm biển tại khu vực hòn Đầm Giếng, nằm trong khu vực Ba Hòn Đầm (gồm Đầm Giếng, Đầm Đước và Đầm Dương, thuộc xã Sơn Hải, huyện Kiên Lương, Kiên Giang), 2 du khách là Đỗ Hữu Vinh (19 tuổi) và Nguyễn Quang Trung (24 tuổi) đã bị chết đuối trong lúc tắm biển. Thời điểm xảy ra vụ tai nạn là lúc thủy triều lên ở vùng biển Ba Hòn Đầm, cùng với mưa giông tạo nên gió to sóng lớn.

Khu vực Ba Hòn Đầm là một điểm du lịch nổi tiếng, hấp dẫn nhiều du khách nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp. Kinh doanh dịch vụ du lịch tại đây chủ yếu là các hộ dân làm theo kiểu tự phát.

Ngày 27/9/2015, một nhóm 7 du khách đi nghỉ tại khu du lịch thác SaKai, phía nam thủy điện Đa Nhim ( thuộc xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) trong lúc tắm suối bất ngờ bị lũ đổ về từ thượng nguồn, cuốn trôi cả 7 người, người dân gần đó đã phát hiện và cứu được 4 người, 3 du khách tử vong.

Suối thác SaKai nằm dưới chân Đèo Ngoạn Mục, có độ dốc cao, khi mưa nước lũ đổ về nhanh rất nguy hiểm. Mặc dù vậy, các cơ quan chức năng vẫn không có cảnh báo cũng như các biện pháp ngăn chặn.

Vụ tai nạn du lịch “hổ cắn đứt tay du khách”  đã gây xôn xao dư luận, xảy ra ngày 23/8/2015, tại khu sinh thái Trại Bò (thuộc công ty TNHH sinh thái Mường Thanh), nằm trên địa bàn huyện Diễn Châu, Nghệ An. Đã 4 tháng trôi qua, nhưng chị Trần Thị Yến (huyện Tân Kỳ, Nghệ An) vẫn chưa hết kinh hoàng, bởi sự việc khủng khiếp xảy ra với mình. Chị Yến cho biết: “Hôm đó, tôi cùng chồng và nhóm bạn gồm 4 cặp vợ chồng đi tham quan khu du lịch Trại Bò. Sau khi mua vé, chúng tôi đi bộ vào tham quan mà không có hướng dẫn viên đi cùng, sau khi thăm một số chuồng thú, cả đoàn đi tới khu chuồng sắt nhốt 4 con hổ trắng. Vì không thấy được hổ phía trong chuồng nên sẵn hòn gạch dưới đất được ai đó để sẵn, tôi đứng lên ngó vào phía trong xem cho rõ. Khi đứng cạnh rào sắt thì bị con hổ trắng từ phía trong bất ngờ lao tới cắn vào cánh tay tôi”.

Mặc dù được đưa đi cấp cứu kịp thời, nhưng vì vết thương quá nặng, một cánh tay chị Yến đã vĩnh viễn mất đi.

Điều đáng nói, Công ty TNHH sinh thái Mường Thanh chưa có giấy phép kinh doanh du lịch, không đặt biển cảnh báo nguy hiểm cho du khách, không cử hướng dẫn viên đưa khách đi tham quan, dẫn đến việc khách đã tự ý vào khu dành riêng cho nhân viên chăm sóc hổ, xảy ra hậu quả đáng tiếc...

 

Lãnh đạo Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) cho biết, vấn đề đảm bảo an toàn cho khách du lịch được quy định rất rõ tại điều 37, chương V, Luật Du lịch và đã được quán triệt tới tất cả các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên toàn quốc. Theo đó, việc đảm bảo an toàn cho du khách phải đặt lên hàng đầu; các khu, điểm du lịch phải có các biện pháp phòng tránh rủi ro và bộ phận cứu hộ, cứu nạn, cấp cứu cho du khách; các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch phải có trách nhiệm thông báo tới du khách các nguy cơ có thể gây nguy hiểm cho du khách cũng như bắt buộc phải có các phương tiện cứu hộ cần thiết để kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra.

VIỄN NGUYỆT/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh