CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:35

Cần xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài

 

Dân xót xa vì dự án nghìn tỷ vẫn “đắp chiếu”

Tại phiên thảo luận, Đại biểu Quốc hội Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ) cho biết, cử tri ở Phú Thọ rất bức xúc trước việc 50 ha "bờ xôi ruộng mật" ở huyện Tam Nông đã dành cho nhà máy Ethanol. Dự án chi hàng nghìn tỷ đồng nhưng đã dừng triển khai 5-6 năm nay, nhà xưởng, thiết bị máy móc của nhà máy "đắp chiếu", rất xót xa. Ông Hàm cho rằng, Chính phủ cần quyết liệt hơn để xử lý dứt điểm vì càng để lâu hậu quả càng nghiêm trọng

Một dẫn chứng khác được ông Hàm nhắc tới là Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin vẫn tiếp tục thua lỗ lớn. Vinashin từng là một trong những tập đoàn kinh tế lớn, nhưng đã sa lầy vào các dự án đầu tư không hiệu quả, vốn đầu tư dự án chủ yếu đi vay… Vay nhiều, đầu tư thua lỗ đã nhìn thấy rõ, nhưng phải tới năm 2010 bức tranh tài chính tối tăm tại Vinashin mới thực sự lộ rõ qua đợt thanh tra của Chính phủ. Tính tới cuối năm 2009, tổng tài sản của tập đoàn là hơn 104.000 tỷ đồng, trong đó có hơn 80% (86.000 tỷ đồng) là nợ phải trả. Điều này cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của Vinashin dựa hoàn toàn vào vốn vay. Bên cạnh đó, đến hết năm 2009, Vinashin không còn bảo toàn được vốn Nhà nước giao, để thâm hụt gần 5.000 tỷ đồng. Đề án tái cơ cấu Vinashin được phê duyệt năm 2010 nhưng đến nay việc vực dậy tập đoàn này vẫn khá chật vật. Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước cho biết, đến cuối 2016 Vinashin có nợ quá hạn 8.180 tỷ đồng.

 

Đại biểu Leo Thị Lịch: Biểu  hiện của lợi ích nhóm khi các Bộ, ngành không muốn rời doanh nghiệp "sân sau"


Trước thực trạng trên, ông Hoàng Quang Hàm đề nghị, cần đảm bảo chủ trương doanh nghiệp nhà nước chỉ đầu tư vào các lĩnh vực then chốt thiết yếu, những địa bàn quan trọng về an ninh quốc phòng. Theo đại biểu đoàn Phú Thọ, Chính phủ cần quy định rõ chức năng nhiệm vụ của Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), không để công ty này đầu tư vào những lĩnh vực không then chốt và nhà nước đang thoái vốn.

"Phải cân nhắc không nên để tình trạng cùng là doanh nghiệp nhà nước nhưng một bên ra sức thoái vốn, một bên lại mua vào", ông Hoàng Quang Hàm kiến nghị.

Ông Hàm cũng lưu ý, cần rà soát và xử lý dứt điểm các dự án kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài của tập đoàn, tổng công ty; không chỉ có 12 dự án của ngành Công Thương hay Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Vinashin mà cần rà soát tổng thể, qua đó đảm bảo không để mất vốn do thua lỗ kéo dài, hao mòn tài sản, chi phí lãi vay.

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ. Cho rằng nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đại biểu đặt câu hỏi: "Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa đá bóng, vừa thổi còi.”

Bảo đảm công khai, minh bạch trong quá trình cổ phần hóa

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã chỉ ra 3 dạng làm thất thoát tài sản nhà nước.

Thứ nhất là tình trạng kinh doanh lỗ, làm thất thoát vốn Nhà nước do trình độ quản lý doanh nghiệp yếu kém dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.

Thứ hai là vì động cơ cá nhân nên những người quản lý đã đầu tư những hoạt động không hiệu quả nhằm thu lợi ích cá nhân như đầu tư máy móc, thiết bị không phù hợp nhưng lại được hưởng lợi từ đấy; đầu tư vào lĩnh vực không hiệu quả nhưng lại được chia phần từ lĩnh vực đầu tư này hoặc cố tình tính giá trị đầu tư lớn hơn để được hưởng lợi ích phần trăm từ đó. Đó là những hoạt động cố tình dùng những thủ đoạn để hợp pháp hóa việc rút tiền từ doanh nghiệp Nhà nước.

Đáng lưu ý là dù doanh nghiệp lỗ nhưng trên thực tế không ai phải chịu trách nhiệm, chưa có ai bị mất chức hay đi tù về chuyện quản lý yếu kém để doanh nghiệp lỗ, có chăng chỉ vì có sai phạm. Có doanh nghiệp khi cần báo cáo để thăng chức, để tăng quỹ lương hoặc xin vốn thì lập tức có báo cáo lãi, nhưng khi báo cáo cơ quan tài chính thì lại báo cáo lỗ.  Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp lỗ nhưng các lãnh đạo quản lý doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lương cao.

"Những yếu tố trên chính là động lực lôi kéo người quản lý doanh nghiệp không muốn cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước", ông Cường nhấn mạnh.

 

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề cập đến tình trạng doanh nghiệp thua lỗ nhưng lãnh đạo doanh nghiệp vẫn hưởng mức lương cao 


Đại biểu đề nghị Chính phủ làm rõ và trình ra Quốc hội về tài sản công có tính thương mại hiện nay là bao nhiêu, đang ở những DN nào? Loại tài sản công nào sinh lợi cần tiếp tục để phục vụ quá trình phát triển KT-XH? Loại tài sản công nào kém hiệu quả, cần tiếp tục thoái để thu hút nhà đầu tư trong quá trình cổ phần hóa tới đây, thông qua đó đẩy nhanh tiến độ và chất lượng cổ phần hóa, tách bạch giữa nhiệm vụ kinh doanh và nhiệm vụ chính trị có tính công ích của DNNN; hạn chế tối đa can thiệp hành chính, can thiệp công việc mang tính vụ việc vào sử dụng vốn, tài sản Nhà nước tại DN, nhằm sai lệch mục tiêu chiến lược và dài hạn của đầu tư nhà nước.

Đồng thời, xây dựng lộ trình hợp lý trong thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đối với DNNN, không để xảy ra thất thoát vốn, tài sản Nhà nước; thực hiện công khai, minh bạch, đúng pháp luật trong đầu tư, quản lý, phân phối thu nhập; xử lý nghiêm khắc, mang tính răn đe đối với những vi phạm.  

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn Thái Bình) quá trình cải cách DNNN để từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong toàn bộ nền kinh tế thì phải quyết liệt đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa các DNNN một cách thực chất và thoái vốn nhà nước ra khỏi hầu hết các lĩnh vực kinh doanh mà Nhà nước không cần phải nắm giữ theo đúng tinh thần của các nghị quyết của Đảng.

Cho rằng tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước thời gian qua lại diễn ra “rất chậm chạp”, đại biểu đề nghị, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các DNNN một cách quyết liệt như đã và đang thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính, cắt bỏ “giấy phép con” và điều kiện kinh doanh. Nếu được như vậy, động lực phát triển tại các DN sẽ được khơi dậy và tạo tiền đề cho việc nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân. Từ đó thúc đẩy tốc độ tăng trưởng và cải thiện chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

 

Báo cáo giám sát của Quốc hội cho thấy, trong giai đoạn 2011-2016, nợ của doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã gia tăng lên tới 1,6 triệu tỷ đồng. Tổng số nợ phải trả của doanh nghiệp Nhà nước cao, tăng 26% so với năm 2011 (từ gần 1,3 triệu tỷ đồng lên hơn 1,6 triệu tỷ đồng). Hiệu suất sinh lời trên vốn kinh doanh của các DNNN đạt 2,1% năm 2015, thấp hơn nhiều so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (năm 2015 là 5,5%).

Một số DNNN hoạt động yếu kém, làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng tài sản cao. Tại một số DNNN còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản nhà nước", ông Vũ Hồng Thanh chỉ rõ.

Hầu hết các doanh nghiệp qua thanh tra, kiểm toán đều vi phạm pháp luật ở các mức độ khác nhau, một số DNNN thực hiện thủ tục đầu tư, đấu thầu, mua sắm tài sản không đúng quy định; huy động, quản lý, sử dụng vốn đầu tư dàn trải, tùy tiện, đầu tư ngoài ngành, ngoài doanh nghiệp không đúng quy định, góp vốn dàn trải dẫn đến lãng phí, thiếu hiệu quả, một số dự án đầu tư ngoài ngành tỷ suất lợi nhuận thấp, khả năng mất vốn cao.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nêu rõ: Phải kiên quyết thoái hết vốn đầu tư ngoài ngành tại các doanh nghiệp nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo Nghị quyết cũng nhấn mạnh đến việc quản lý, giám sát chặt chẽ việc huy động, sử dụng vốn của doanh nghiệp nhà nước, nhất là vay nợ nước ngoài, các dự án đầu tư trong nước và ở nước ngoài, nguồn vốn mua bán, sáp nhập doanh nghiệp; hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của Chính phủ đối với doanh nghiệp nhà nước.

CHÂU GIANG - THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh