CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:01

Cần xử lý các dự án lãng phí, kém hiệu quả

 

Tỷ lệ nợ xấu cao, nhiều doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế do Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh trình bày đánh giá về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo nghị quyết của Quốc hội cho biết Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tín dụng tiếp tục tăng trưởng phù hợp với đà phục hồi của nền kinh tế, việc điều hành cung tiền hợp lý đã tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất, hỗ trợ ổn định tỷ giá trong điều kiện CPI tăng mạnh so với năm 2015. 

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao và sự yếu kém của một số ngân hàng thương mại, lãi suất trái phiếu Chính phủ tuy giảm nhưng vẫn ở mức khá cao gây khó khăn trong việc hạ mặt bằng lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, cơ quan thẩm tra phân tích. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu đến tháng 9/2016 khoảng 2,62% tổng dư nợ. Nếu tính các khoản nợ xấu chuyển sang công ty VAMC (khoảng 4,8%) và các khoản nợ đã cơ cấu lại thì tỷ lệ xấu sẽ lớn hơn nhiều

Về tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, có ý kiến cho rằng còn nhiều vướng mắc, hoạt động quản lý rủi ro, điều hành, kiểm toán, kiểm soát nội bộ tại một số tổ chức tín dụng còn để xảy ra rủi ro. Tình hình thoái vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng vào những ngành, lĩnh vực phi tài chính hoặc những lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro và thoái vốn của tập đoàn, tổng công ty Nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng vẫn còn chậm.

 

Đầu phiên họp, các đại biểu UBTVQH đã quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung

 

Báo cáo thẩm tra cho biết nhiều ý kiến nhận xét, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước ít có sự chuyển biến. Tốc độ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước chậm trong đó có nguyên nhân là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành, chưa xác định trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ còn lớn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp nhà nước chưa tương xứng với tiềm năng và nguồn lực Nhà nước giao. 

Do vậy, Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ cần báo cáo cụ thể về hiệu quả công tác quản lý, sử dụng vốn nhà nước và phương án xử lý các dự án đầu tư lãng phí, kém hiệu quả mà dư luận quan tâm.

Dự án đường cao tốc Bắc- Nam cần trình Chính phủ xem xét

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội yêu cầu báo cáo riêng về dự đường cao tốc Bắc - Nam. Dự án, theo đệ trình, có kinh phí xấp xỉ 230.000 tỷ đồng.

Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam (tuyến phía Đông), đoạn Hà Nội-TP.HCM đến năm 2020 được Bộ Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình đầu tư với kinh phí cần khoảng 230.000 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động 136.000 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ gần 94.000 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40,7%). Đây là một trong những dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên họp

 

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải, tờ trình về kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Chính phủ có đề cập tới dự án làm hơn 1.300 km cao tốc Bắc – Nam. Cơ quan thẩm tra cho rằng đây là dự án có quy mô rất lớn, tác động đến nhiều vùng, miền. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nguồn vốn hạn hẹp, việc đầu tư tuyến đường này cần tính toán trên cơ sở nguồn lực thực tế.

Do đó, UB Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ cân đối nguồn lực đầu tư giữa phát triển hạ tầng kinh tế và hạ tầng xã hội, bảo đảm hài hòa giữa các lĩnh vực, vùng, miền, địa phương.Cơ quan này cũng đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương phối hợp chặt chẽ trong quá trình xây dựng, đề xuất kế hoạch bố trí, sử dụng vốn đối với các công trình, dự án có tính kết nối vùng, lãnh thổ, tránh việc manh mún, thiếu liên kết trong đề xuất, xây dựng kế hoạch đầu tư.

"Với dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư" - Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

 

Chủ tịch Quốc hội kêu gọi ủng hộ đồng bào miền Trung

Sáng 17/10, ngay khi bắt đầu phiên họp thứ 4 Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã kêu gọi các đại biểu Quốc hội ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng do lũ lụt và cho biết thêm, trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 2 vào ngày 20/10 tới, Quốc hội cũng sẽ kêu gọi tất cả các đại biểu Quốc hội tổ chức quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung.

“Trong lúc chúng ta đang họp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì đồng bào miền Trung đang bị ảnh hưởng, phải chịu những hậu quả nặng nề bởi mưa lũ và chuẩn bị phải đón một cơn bão lớn. Để thể hiện tinh thần tương thân tương ái hướng về đồng bào miền Trung, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quyên góp, và sắp tới, trong ngày khai mạc Kỳ họp thứ 2, Quốc hội sẽ vận động tất cả đại biểu quyên góp cho đồng bào miền Trung để góp phần giảm bớt những thiệt hại nặng nề” – Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, trận mưa kéo dài ba ngày qua khiến nhiều địa phương ở miền Trung như Thừa Thiên - Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh… ngập sâu, hàng nghìn ngôi nhà bị nhấn chìm trong biển nước, 8 người chết và 10 người mất tích tính đến chiều 15/10. Trong đó, Quảng Bình thiệt hại nặng nhất với 6 người chết và 6 mất tích; Hà Tĩnh 2 người chết; Thừa Thiên Huế và Nghệ An mỗi địa phương đều một người chết và một mất tích. Mưa lũ cũng khiến hơn 26.000 nhà ngập và tốc mái, hơn 175 ha hoa màu hư hại. 

THÁI AN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh