THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:48

Cần xác định rõ tài sản công phục vụ nhiệm vụ chính trị với phục vụ kinh doanh tại các đơn vị sự nghiệp công lập

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Báo chí phản ánh, theo quy định, các đơn vị sự nghiệp công lập có nhu cầu sử dụng tài sản công (TSC) vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết để cung cấp dịch vụ cơ bản, thiết yếu cho xã hội, góp phần nâng cao tự chủ tài chính thì phải lập đề án trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh/thành phố xem xét, phê duyệt.

Thế nhưng trên thực tế, việc lập Đề án gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong quá trình thẩm định, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng TSC. Liên đoàn Lao động HCM thống kê 22 đơn vị SNCL có nhu cầu sử dụng TSC vào mục đích cho thuê. Tuy nhiên nhiều đơn vị đang bị vướng thủ tục, trả về để các đơn vị bổ sung, hoàn thiện.

"UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản báo cáo, kiến nghị Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn. Đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về nội dung này:? , Báo chí nêu.

Về nội dung trên, Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ đã quy định cụ thể: (i) Các trường hợp đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết; (ii) Thẩm quyền phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết, cụ thể:

Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định: (i) Phê duyệt Đề án sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương quản lý vào mục đích kinh doanh, cho thuê đối với tài sản là cơ sở hoạt động sự nghiệp; tài sản khác có giá trị lớn theo quy định của Chính phủ sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp; (ii) Phê duyệt đề án sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của địa phương vào mục đích liên doanh, liên kết sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp.

Hội đồng quản lý hoặc người đứng đầu đơn vị SNCL phê duyệt Đề án sử dụng TSC vào mục đích kinh doanh, cho thuê mà tài sản đó không thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.

Do vậy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các ĐVSNCL thuộc phạm vi quản lý cũng như mục đích sử dụng của các tài sản để xác định tài sản nào phục vụ nhiệm vụ chính trị của đơn vị và phục vụ cho hoạt động có tính chất kinh doanh để áp dụng quy định của pháp luật cho phù hợp, vừa tránh ảnh hưởng tới hoạt động của các đơn vị, vừa tránh sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không đúng quy định.

Bên cjanh đó, thực hiện Chương trình công tác năm 2022 của Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để gửi lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành.

Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương căn cứ thực tiễn triển khai để tham gia với Bộ Tài chính về dự thảo Nghị định.

Thành Công

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh