Cẩn trọng với sản phẩm bột trà không rõ nguồn gốc
- Y học 360
- 14:52 - 02/05/2016
Loạn mẫu mã, loạn giá bán
Theo khảo sát của PV Báo Lao Động tại phố Hàng Buồm, Hàng Giầy và chợ Đồng Xuân (Hà Nội)… các hương liệu được dùng để pha chế nước giải khát được bày bán đa dạng với nhiều mẫu mã và mùi vị khác nhau, tùy theo nhu cầu của người sử dụng. Đơn cử như bột trà sữa trân châu, bột pha sinh tố, bột pha nước ép hoa quả, bột làm thạch rau câu…
Ghé vào một cửa hàng trên phố Hàng Buồm tìm hỏi mua bột trà Thái - món giải khát ưa thích của giới trẻ trong thời gian gần đây, “nhanh như cắt”, phóng viên được chủ cửa hàng “dúi” ngay vào tay hai túi sản phẩm được quảng cáo là trà của Thái “xịn”. Cụ thể, một loại có màu xanh và một loại có màu đỏ, trên bao bì của hai dòng sản phẩm này đều dày đặc chữ Thái. Chị Hòa - chủ cửa hàng này cho biết, loại bột trà “cao cấp” này có giá… 60.000 đồng/gói/200g. Khi phóng viên xua tay, chủ cửa hàng nhanh chóng giới thiệu ngay hàng loại 2 với giá rẻ hơn một nửa, đựng trong bao to không hề có nhãn mác ghi nguồn gốc xuất xứ, thông tin sản phẩm… Nếu khách ưng sẽ múc sang túi nylon rồi cân lên để thành tiền.
Ngoài ra, nếu như sản phẩm bột matcha trà xanh Nhật Bản trong siêu thị có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/100g thì cũng tại cửa hàng này, giá tiền rẻ hơn rất nhiều. Cụ thể, chủ cửa hàng cho biết: “Bột matcha chuẩn nhập từ Nhật thì 175.000 đồng/gói/100g còn loại vỏ xấu hơn thì 100.000 đồng, mua nhiều sẽ bớt”. Khi PV tỏ mối nghi ngại về nguồn gốc và sự chênh lệch giá bán, người bán thản nhiên đáp: “Hàng kia là bột trà xanh Việt Nam nên mới có giá đó!”.
Các sản phẩm bột trà, hương liệu được bày bán la liệt trên phố Hàng Buồm (Hà Nội).
Cần lưu ý trước khi mua
Nghe theo lời chủ cửa hàng hướng dẫn, phóng viên đã thử pha loại bột trà Thái không rõ nguồn gốc nói trên với nước sôi, lúc này trà có màu xanh đen đậm. Chỉ cần cho thêm sữa đặc và đường hoà tan, trà sẽ chuyển sang màu xanh cốm như hình của hàng loạt cửa hàng bán online đăng tải “nhan nhản” trên mạng.
Theo chủ cửa hàng nói trên tư vấn: “Nếu mua để uống thì nên pha chế từ loại lá trà của Thái Lan, còn nếu để bán hàng thì dùng loại bột sẽ tiết kiệm chi phí và thu lời cao hơn”. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là những loại bột này không có nguồn gốc rõ ràng, không có thông tin sản phẩm in trên bao bì, chính vì vậy, thông tin về kiểm định về chất lượng cũng như về mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm là hoàn toàn… biệt tăm.
Bên cạnh đó, theo chị Thùy Chi (Cầu Giấy, Hà Nội), sau khi thử mua sản phẩm matcha giá rẻ, chị thấy rõ sự khác biệt với hàng được mua tại siêu thị. “Matcha xịn đắt hơn có mùi tanh nhẹ và vị đắng thanh, hậu ngọt trong khi gói bột giá bèo lại có mùi ngai ngái, vị đắng gắt và hậu rất chát. Chưa kể lại có màu xanh lá đậm thay vì xanh ngọc bích như hàng xịn”.
Trả lời báo chí, Th.S Đoàn Kim Dung - chuyên khoa tiêu hóa Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết: “Tất cả những loại bột dùng để pha chế nước giải khát nói chung đều có sử dụng một lượng lớn phẩm màu. Để tiết kiệm chi phí, rất nhiều loại được sử dụng màu công nghiệp. Điều này có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người sử dụng, nó có thể gây ngộ độc tùy theo mức độ, nếu sử dụng nhiều và dài ngày gây tích tụ còn có thể dẫn đến bệnh ung thư”.