CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:15

Cẩn trọng khi vay tiền qua ứng dụng di động

VAY TIỀN QUA ỨNG DỤNG DI ĐỘNG

Nếu như Grab thực hiện chức năng kết nối giữa người có nhu cầu di chuyển với người có phương tiện giao thông nhàn rỗi thông qua ứng dụng trên thiết bị di động, thì phương thức cho vay ngang hàng (P2P Lending) cũng tương tự: Thông qua ứng dụng di động, người có nhu cầu vay tiền sẽ kết nối được với người có tiền nhàn rỗi muốn cho vay để kiếm tiền lãi.

P2P Lending là một mô hình cho vay tiền mới xuất hiện tại Việt Nam

Fiin.vn - một sản phẩm do Công ty cổ phần Đổi mới công nghệ tài chính Fiin cung cấp bắt đầu từ tháng 6 vừa qua được nhiều người đặc biệt quan tâm: Người vay thực hiện các thủ tục hoàn toàn trực tuyến, qua ứng dụng Fiin và chỉ cần 5 - 10 phút để hoàn thành hồ sơ thông tin cá nhân. Khi được Fiin thẩm định và đạt yêu cầu, người vay có thể nhận tiền từ những người cho vay ngay lập tức.

Một dịch vụ ra đời trước đó của Công ty cổ phần Vay mượn (vaymuon.vn) ra mắt từ cuối năm 2017, đến nay đã có 30.000 người sử dụng. Hay xa hơn nữa, dịch vụ của Công ty cổ phần Tập đoàn Tima (tima.vn) ra đời từ giữa năm 2016, hiện đã có tới hơn 1,77 triệu người đăng ký vay, hơn 17.500 người tham gia cho vay với tổng số tiền đã giải ngân là hơn 16,6 tỷ đồng – theo số liệu công bố của doanh nghiệp này.

Một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay tiền qua ứng dụng ra mắt thị trường gần đây

Thời gian tới, hứa hẹn sẽ có thêm một vài gương mặt mới, ví dụ như Công ty cổ phần đầu tư HVA từ đầu năm nay đã ra sức kêu gọi vốn đầu tư với mục tiêu 1.000 tỉ đồng cho dự án P2P Lending trên Fundgo.vn, dự kiến đi vào hoạt động từ đầu năm 2019; các ứng dụng như Zoti.vn, huydong.com... mặc dù mới chỉ bắt đầu “nhập cuộc” nhưng cũng đã thu hút hàng chục khách hàng quan tâm với số tiền giải ngân khoảng lên tới hàng chục tỷ đồng.

CẢ NGƯỜI VAY VÀ CHO VAY ĐỀU

“Nền kinh tế chia sẻ” ra đời giữa lúc kinh tế thế giới lâm vào suy thoái trầm trọng, lập tức đạt tốc độ tăng trưởng chóng mặt. Tuy nhiên, mô hình kinh tế nào cũng có “mặt trái” của nó – kể cả kinh tế chia sẻ. Và mô hình “Grab vay tiền” hay P2P Lending cũng không là ngoại lệ.

Mặc dù mô hình này mới “nở rộ” ở Việt Nam, nhưng ngay từ bây giờ, giới chuyên gia tài chính đã chỉ ra không ít rủi ro – cả về phía người vay lẫn người cho vay, được coi là “nhà đầu tư”. 

Phương thức cho vay qua ứng dụng di động tiện lợi, nhanh chóng, nhưng giới chuyên gia cảnh báo không ít rủi ro

Phương thức kết nối đơn giản, nhanh chóng và tiện lợi được đánh giá cao, đơn cử như với ứng dụng “Vay Mượn”: Thông qua ứng dụng “Vay Mượn” cài đặt trên ĐTDĐ, người vay gửi yêu cầu để vay một khoản tiền. Các bước xét duyệt cho một khoản vay không quá 4 giờ cho lần đầu hoặc không quá 30 phút cho những lần sau. Người vay không cần thế chấp tài sản hay giấy tờ và đặc biệt là không cần gặp mặt trực tiếp. Về phía nhà đầu tư, bất kỳ người nào có tiền nhàn rỗi chỉ cần tải ứng dụng “VayMuon - Nhà đầu tư” là có thể trở thành người cho vay. Khi có người gửi yêu cầu vay, nhà đầu tư sau khi nhận thông báo, nếu chấp thuận cho vay thì sẽ “cắt” số tiền từ ví điện tử liên kết Vimo của nhà đầu tư sang tài khoản ngân hàng của người vay. Đến thời điểm đáo hạn, toàn bộ tiền gốc và lãi sẽ được tự động hoàn trả vào ví điện tử Vimo của nhà đầu tư.

Phương thức này có 4 bên tham gia. Đó là nhà đầu tư, người vay, công ty vay mượn và người đảm bảo. Trong đó, người đảm bảo đứng phía sau Công ty Vay Mượn để đảm bảo khoản vay được thu hồi và hoàn trả đủ cho nhà đầu tư. Trong trường hợp người vay không trả nợ thì người đảm bảo phải bù lỗ để trả lại vốn và lãi cho nhà đầu tư. 

Tuy nhiên, nếu nhìn vào quy định về lãi suất thì hẳn không ít người phải… rùng mình: mức lãi và phí phổ biến ở mức 9%/tháng! Trong đó nhà đầu tư được hưởng lãi 1,5%/tháng, số tiền còn lại là mức phí người vay phải trả cho công ty cung cấp dịch vụ. Đó là chưa nói đến phí phạt quá hạn bằng 150% lãi suất trong hạn cộng với phí giới thiệu, thu xếp, kết nối và quản lý khoản vay. Ngoài ra, công ty và nhà đầu tư được quyền sử dụng mọi biện pháp cần thiết để thu hồi nợ bao gồm: công bố thông tin rộng rãi, bán nợ cho bên thứ ba hoặc kiện ra tòa dân sự.

Không chỉ người vay có nguy cơ vướng vào “bẫy lãi suất”, mà cả nhà đầu tư cũng có thể gặp rủi ro. Bởi, các công ty cung cấp dịch vụ đều không phải là tổ chức tín dụng để chịu sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước, mà họ chỉ làm nhiệm vụ kết nối nên chịu sự điều chỉnh của luật Doanh nghiệp, trong khi bản chất hoạt động này lại là huy động vốn và cho vay, khó tránh khỏi những lỗ hổng về pháp lý.

Phác họa phương thức cho vay P2P Lending

Hơn nữa, trong khi ở nhiều nước, mỗi cá nhân đều có hệ số tín nhiệm được xếp loại, nhưng ở Việt Nam thì hiện chủ yếu dựa trên sự xác minh thông tin cá nhân. Vì thế, nguy cơ phát sinh tranh chấp là khó tránh khỏi, và việc giải quyết tranh chấp cũng sẽ gặp không ít khó khăn do thiếu các quy định của pháp luật một cách cụ thể.

“CƠ CHẾ ĐÈN VÀNG”

Được biết, mô hình P2P Lending hiện chưa có quy định rõ ràng, nên chưa thể có chuyện Nhà nước cấm hay cho phép. Một số doanh nghiệp hiện đã nộp hồ sơ thí điểm hoạt động lên các cơ quan có thẩm quyền và đang chờ được phê duyệt, tuy nhiên ngay từ khi chưa có ý kiến của cơ quan “xét duyệt” thì hoạt động cho vay đã diễn ra. Nói về “cơ chế đèn vàng” đối với dịch vụ này, một số chuyên gia tài chính cho rằng, “không nên cấm nhưng cũng không nên khuyến khích phát triển dịch vụ đại trà. Trước mắt, Nhà nước nên xem xét có thể cho một vài công ty lớn, có đủ thực lực về tài chính, có uy tín để thực hiện thí điểm dịch vụ”.

 

P2P Lending có hiểu là một ứng dụng công nghệ trên thiết bị di động nhằm kết nối giữa 2 phía trong giao dịch - ở đây là giao dịch vay và cho vay tiền. Nó cũng giống như phương thức hoạt động của Uber, Grab trong hoạt động vận chuyển, Airbnb trong dịch vụ đặt phòng homestay cho du khách, hay dịch vụ thuê giúp việc theo giờ thông qua ứng dụng mà một số khởi nghiệp ở Việt Nam đã từng triển khai từ vài năm trước…

VIỆT HÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh