THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:10

Cần thiết bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu thảo luận tại tổ.

Công an xã nâng cao trách nhiệm, gắn với dân, lo cho dân

Thảo luận ở tổ chiều 20/10 về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Hình sự, cho ý kiến về vấn đề trao quyền cho công an xã, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, hiện nay hệ thống công an xã khá hoàn chỉnh, có vị thế đối với hệ thống công an cả nước và có chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Sắp tới khi có Luật Công an xã, quy định chức năng nhiệm vụ của lực lượng này sẽ cụ thể hơn, có những quy định rõ ràng hơn, chế tài ràng buộc hơn.

"Vấn đề tội phạm ở nông thôn (xã chủ yếu ở nông thôn), công an xã là một tổ chức chưa được chặt chẽ nên từ hệ thống này cần tổ chức lại", Chủ tịch nước nhận xét.

Theo dõi rất kỹ về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Chủ tịch nước cho rằng bổ sung chức năng xử lý tố giác, tin báo tội phạm cho công an xã là rất cần thiết và đáp ứng kịp thời theo quy định của luật. Tỷ lệ xử lý tin báo tố giác tội phạm cũng là chỉ tiêu rất quan trọng mà Quốc hội đưa ra.

“Đây là nhiệm vụ của công an và cũng là yêu cầu với công an xã hiện nay. Nếu không có quy định ràng buộc thì việc nắm tình hình chưa đến nơi đến chốn, nên phải yêu cầu cao hơn, độ chính xác cũng như trách nhiệm của anh rõ ràng hơn. Từ đó buộc anh sát dân, sát cơ sở tốt hơn”, Chủ tịch nước nêu rõ.

Toàn cảnh thảo luận tại tổ 03

Toàn cảnh thảo luận tại tổ 03

Khẳng định ủng hộ chủ trương, quan điểm này, tuy nhiên Chủ tịch nước cũng cho rằng “trao quyền” (kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm-PV) cho công an xã là rất mới, khi đưa ra chủ trương này có rất nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có cả ý kiến phản đối. Tuy nhiên, tình hình an ninh trật tự trong bối cảnh mới, nhất là kinh tế thị trường, có quá nhiều phức tạp, không những thành phố mà ở cả nông thôn, vấn đề trộm cắp, tội phạm, kể cả tội phạm công nghệ cao ở nông thôn phát triển.

Vì thế, theo Chủ tịch nước, nhiệm vụ xử lý tin báo tố giác tội phạm thành nhiệm vụ chính trị của công an xã, rất cần thiết. Chúng ta yêu cầu công an xã nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân, gắn với dân, lo cho dân chứ không phải cấp gây trở ngại, khó khăn.

Ông đề nghị Bộ Công an tổng kết, đánh giá lại hoạt động của công an xã để phát huy mặt tốt, chấn chỉnh tồn tại trong hoạt động của lực lượng này, kể cả về cơ sở vật chất, phương thức hoạt động và cơ chế phối hợp với các lực lượng khác tại cấp cơ sở.

Quy định chặt chẽ về căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án hình sự

Liên quan đến các quy định nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, dự thảo Luật bổ sung các căn cứ tạm đình chỉ giải quyết vụ án. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu rõ, tố tụng hình sự hiện nay có 4 giai đoạn gồm: khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Tổ

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy phát biểu tại Tổ

Dự thảo Luật trình Quốc hội bổ sung căn cứ tạm đình chỉ giải quyết ở 3 giai đoạn đầu là khởi tố, điều tra và truy tố. Đối với giai đoạn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao đã có đề xuất Quốc hội cho phép được xét xử trực tuyến.

Các hoạt động trong các giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố đòi hỏi phải tiến hành các biện pháp tại thực địa, hiện trường như khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét nơi ở, khám xét nơi làm việc...

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Việc không thể tiến hành đầy đủ biện pháp sẽ không bảo đảm kết luận điều tra cũng như kết luận vụ án.

Hơn nữa, các biện pháp phòng chống dịch bệnh chặt chẽ các yêu cầu về thời gian xét nghiệm cũng làm chậm quá trình tố tụng. Từ kinh nghiệm thực tiễn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cho thấy, Bộ luật Tố tụng Hình sự cần có quy định mang tính dự phòng trong trường hợp bất khả kháng vì thiên tai, dịch bệnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Thủy cũng đề nghị đối với quy định này cần quy định một cách chặt chẽ dịch bệnh, thiên tai đến mức độ nào thì mới được tạm đình chỉ trong quá trình giải quyết vụ án, để không lạm dụng, không làm chùng xuống công cuộc đấu tranh chống tội phạm đang rất quyết liệt.

Đồng thời, phải có sự kiểm soát chặt chẽ của Thủ trưởng cơ quan điều tra, Viện trưởng Viện Kiểm sát khi nhận được đề xuất của điều tra viên, đề xuất của kiểm sát viên về việc tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn tố tụng để tránh việc lạm dụng này.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn thành phố Hà Nội) góp ý về sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 146 về thủ tục tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm. Trong đó, bổ sung trách nhiệm tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm cho công an xã (như đối với công an phường, thị trấn, đồn công an).

Cụ thể, công an xã, phường, thị trấn, đồn công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, lập biên bản tiếp nhận, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm kèm theo tài liệu, đồ vật có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Theo đại biểu, việc sửa đổi này là cần thiết vì thời gian qua, đội ngũ công an chính quy được điều động về các xã làm nhiệm vụ rất hiệu quả và góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương.

Thành Công - Quý Đức

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh