CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:24

Cần tăng nặng mức xử phạt vi phạm an toàn thực phẩm

 

Cuộc sống của người dân đang không được yên bình, mở ti vi ra là thấy thông tin tai nạn giao thông và vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần phải tăng nặng mức độ xử phạt vi phạm VSATTP và kiểm tra từ đầu vào của khâu sản xuất thực phẩm…

 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Khởi tố 148 bị can vi phạm pháp luật VSATTP

Theo Báo cáo Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2016, kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cả nước đã thành lập được 153.493 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các ngành chức năng: Y tế, NN-PTNT, Công thương, Công an, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo..., tiến hành kiểm tra tại 3.350.035 cơ sở, phát hiện 678.755 cơ sở vi phạm pháp luật về VSATTP, chiếm 20,3%. Tuy nhiên, mới chỉ có 136.545 cơ sở bị xử lý, chiếm 20,1%, trong đó phạt tiền 55.714 cơ sở với số tiền 133.905.925.136 đồng.

Gần đây nhất trong năm 2016, Bộ Y tế đã tiến hành thanh tra Cty URC, Cty Coca Cola và Cty Minh Thái Lộc cung cấp phụ gia thực phẩm cho Cty URC, đã xử phạt vi phạm hành chính 3 Cty này gần 6,5 tỷ đồng. Kết quả xử phạt này cũng đã thể hiện tính răn đe cao đối với các cơ sở cố tình vi phạm các quy định về ATTP.

Các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT và 44 tỉnh/thành phố đã tổ chức được 14.787 cuộc kiểm tra về an toàn thực phẩm theo kế hoạch đối với 151.017 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, xử phạt cảnh cáo 11.324 cơ sở (chiếm 7%), xử phạt tiền 6.138 cơ sở (chiếm 4%) với tổng số tiền phạt là 18.968 triệu đồng; tổ chức 1.071 cuộc thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với 7.672 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông lâm thủy sản, xử phạt cảnh cáo 1.146 cơ sở (chiếm 15%), xử phạt tiền 1.050 cơ sở (chiếm 14%) với tổng số tiền phạt là 4.907 triệu đồng.

Đặc biệt năm 2015, 2016 Bộ NN-PTNT tổ chức 2 đợt cao điểm thanh, kiểm tra đấu tranh đẩy lùi đi đến chấm dứt việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, ngăn chặn, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt và thuốc thú y, hóa chất, kháng sinh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.

Ngành Công thương đã kiểm tra, xử lý 55.580 vụ vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP; tổng số tiền thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính là 143,445 tỷ đồng; trị giá hàng hóa là 90,084 tỷ đồng. Ngành Công an (nòng cốt là Cảnh sát môi trường) đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính 64,942 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ.

Có thể nói công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng có liên quan như Y tế, NN-PTNT, Công thương, Công an, Khoa học Công nghệ, Hải quan...

Việc thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố được phân cấp rõ cho từng ngành, từng cấp, hạn chế sự chồng chéo trong thực hiện.

Cùng với việc xử phạt hành chính, các đoàn của Trung ương và địa phương đã kiên quyết xử lý tiêu hủy đối với sản phẩm không đảm bảo ATTP cũng như thu hồi giấy phép đối với những đơn vị vi phạm VSATTP. Các cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ 300 vụ vi phạm pháp luật VSATTP sang cơ quan CSĐT và khởi tố 91 vụ việc với 148 bị can có hành vi phạm tội.  

Nguy cơ thực phẩm không an toàn đang hiện hữu

Mặc dù, các cơ quan thuộc Chính phủ, Quốc hội, các địa phương đều đang nỗ lực đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật VSATTP nhưng theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân thì nguy cơ thực phẩm không an toàn ảnh hưởng đến sức khỏe vẫn đang hiện hữu. “Mới đây lại có người bị ngộ độc rượu chết, vấn đề an toàn thực phẩm đang là mối quan tâm đối với nhân dân, mức độ lo ngại ngày càng cao hơn”, bà Ngân nói.

Đánh giá cao báo cáo Giám sát QH đã chỉ ra được những điểm yếu trong công tác quản lý VSATTP, Chủ tịch Quốc hội khẳng định Việt Nam có khung pháp luật về VSATTP tương đối hoàn chỉnh. Nhưng để thực thi pháp luật cho hiệu quả thì phải tổ chức thực hiện tốt.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, vấn đề VSATTP không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi mà còn ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, ảnh hưởng đến kinh tế đất nước. Vì Việt Nam là nước xuất khẩu nông sản nên những thông tin về VSATTP không tốt sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu.

Phát biểu về nội dung này, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện nay Việt Nam đang xuất khẩu nông sản sang 180 nước trên thế giới. Nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc... đã sử dụng thực phẩm của Việt Nam với doanh số hơn 30 tỷ USD, nhiều loại nông sản như gạo, chè, cà phê, hạt tiêu... của Việt Nam đã đứng vào hàng top đầu trong các nước xuất khẩu. Lương thực thực phẩm của Việt Nam ngoài số lượng cung cấp cho người dân trong nước, số lượng xuất khẩu có thể đủ nuôi sống 100 triệu người nữa.

Vì vậy, theo ông, Chương trình giám sát VSATTP của QH là đặc biệt quan trọng và hiệu quả. Ông đồng tình cao với những nguyên nhân chủ quan và khách quan mà Báo cáo giám sát đã chỉ ra, tuy nhiên Bộ trưởng kiến nghị thêm rằng để quản lý tốt VSATTP cần xác định trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương.

Đồng quan điểm này, Chủ nhiệm UB Tư pháp QH Lê Thị Nga đề nghị: “Chính phủ cần làm rõ địa phương nào làm tốt, Bộ ngành nào làm tốt và địa phương nào làm kém, Bộ ngành nào làm kém. Cần quy định trách nhiệm cho người đứng đầu các Bộ ngành, các địa phương. Rồi chúng ta có quy chế khen thưởng, xử phạt cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị.

 

Luật Hình sự năm 1999 đã quy định rõ tội danh và chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi vi phạm pháp luật VSATTP. Theo đó, người vi phạm ở mức độ nghiêm trọng có thể bị phạt từ 7 - 15 năm tù. Riêng đối với hành vị sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh sẽ cấu thành tội ngay mà không cần phải gây hậu quả. Đáng lưu ý là tội danh này có thể phải nhận mức án chung thân hoặc tử hình nếu ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.

"Tức là chúng ta đã có luật, có chế tài và vấn đề vướng mắc ở đây chỉ là khâu tổ chức thực hiện yếu kém", Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận định.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh