THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:17

Bệnh viện hết… thuốc, bệnh nhân kêu trời

 

Theo tìm hiểu của Báo Pháp Luật TP.Hồ Chí Minh, suốt nửa năm nay, Bệnh viện (BV) Đa khoa Long An (TP Tân An, Long An) luôn rơi vào tình trạng thiếu thuốc cho những bệnh nhân có BHYT. BV cho rằng BHXH tỉnh cắt mất số lượng thuốc lớn, có loại đăng ký 10.000 viên nhưng chỉ được giao 500 viên.

Trao đổi với PV, BHXH tỉnh Long An cho biết, không cắt mà là chuyển gói từ nhóm này sang nhóm kia. Khâu này có thể gây ra thiếu sót...

Bị ép chuyển viện

“Con tôi bị suyễn lâu năm, nhà khó khăn lại ở tận Tân Hưng cách BV hơn 150 cây số. Mới đây bệnh con tôi tái phát nên gia đình phải bỏ công việc dưới quê đưa con đến BV điều trị. Ai dè BV thông báo không có thuốc rồi yêu cầu con tôi phải chuyển viện lên tận TP.Hồ Chí Minh. Mấy ca nằm kế phòng con tôi cũng được thông báo hết thuốc, không trị được. Bảo hiểm thì tôi đóng đầy đủ, khi lãnh thuốc thì sao lại báo hết thuốc? BV to đùng mà thuốc đơn giản cũng không có là sao?” - bà Ngô Thị Sen, người nhà một bệnh nhân, chia sẻ.

Một cán bộ ở BV nhìn nhận hiện nay có khoảng 80% lượng bệnh nhân điều trị tại BV có BHYT, đa số đều có hoàn cảnh khó khăn. BV không thống kê được bao nhiêu ca bị thiếu thuốc nhưng gần như ngày nào cũng bị người bệnh phản ánh; có người góp ý, có người chửi bới. Các loại bệnh thường được BV thông báo hết thuốc, phải chuyển viện là bệnh mạn tính như suyễn, hen phế quản, xuất huyết tiêu hóa và các ca bệnh nhiễm trùng nặng.

Một bác sĩ khác cho biết thêm thuốc thiếu rất nhiều. Sau khi có thuốc (kế hoạch dùng cho cả năm) thì chỉ được vài tháng là hết sạch. Loại nào BV mượn được các nơi khác thì cố gắng mượn, còn không được buộc lòng phải cho chuyển viện dù nhiều bệnh nhân không muốn do điều kiện khó khăn.

Bệnh nhân chờ nhận thuốc tại BV Đa khoa Long An. Ảnh: HOÀNG NAM

 

Dự trù 10.000 viên, chỉ được 500

Trao đổi với PV, ông Đoàn Thanh Chiến, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược, Sở Y tế tỉnh Long An xác nhận, có tình trạng thiếu một số loại thuốc thời gian qua, thiếu nhiều nhất chủ yếu tại BV Đa khoa Long An.

“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu thuốc như do số lượng bệnh nhân năm nay so với năm trước tăng nhiều. Do một số danh mục thuốc không có, do BV triển khai một số kỹ thuật mới nên chưa có thuốc tương ứng...” - ông Chiến thông tin.

“Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất là do dự trù thuốc của ngành y tế trong năm bị phía BHXH tỉnh cắt quá nhiều. Tôi nói chẳng hạn loại Imipenam là thuốc kháng sinh, BV rất cần với số lượng lớn, chúng tôi dự trù 10.000 viên nhưng qua BHXH tỉnh bị cắt còn có 1.000 viên, có loại khác cũng dự trù 10.000 viên nhưng bị cắt còn có 500 viên thì bảo sao không thiếu” - ông Chiến nói thêm.

Cũng theo ông Chiến, Sở Y tế đã nhiều lần họp bàn với BHXH tỉnh về vấn đề thiếu thuốc này. Phía BHXH tỉnh cho rằng việc thông qua số lượng thuốc là căn cứ vào số lượng sử dụng thực tế từ năm trước. Từ đó hai bên thương lượng bất thành.

Người bệnh mua thuốc ngoài được thanh toán lại

Trước tiên tôi phải nói rằng để thiếu thuốc khiến người dân phải gánh hậu quả là lỗi của cả Sở Y tế lẫn BHXH. Về trách nhiệm, chúng tôi sẽ cố gắng khắc phục. Những trường hợp đến BV khám, trị bệnh mà không có thuốc nếu được tạm ứng thuốc trước thì tạm ứng. Riêng những bệnh nhân đã mua thuốc bên ngoài thì có thể cầm hồ sơ trực tiếp đến BHXH để thanh toán lại.

Chúng tôi cũng khẳng định không cắt số lượng thuốc dự trù của BV. Chúng tôi không có quyền gì để làm việc này vì chỉ là một thành viên tham gia xét đấu thầu, còn có cả hội đồng nữa.

Số liệu thực tế sử dụng tiền thuốc của các cơ sở khám bệnh năm 2013-2014, riêng BHYT chỉ có khoảng 200-300 tỉ đồng nhưng đến năm 2014-2015 họ dự trù lên tới 700-800 tỉ đồng nên BHXH phải duyệt lại. Khi dự trù anh phải có giải trình tại sao lại tăng lên như vậy, đằng này anh chỉ đưa số liệu mà không giải trình. Vì vậy BHXH không phải là cắt mà là chuyển gói, từ nhóm này sang nhóm kia vì thấy tiền nhiều quá. Mặt khác, không biết lúc chuyển số liệu trên máy tính có bị sai sót hay không mà lại gây thiếu như vậy. Chúng tôi đang tìm nguyên nhân.

Năm nay, trong quá trình đấu thầu, chúng tôi không cắt, chuyển gói gì nữa mà để nguyên. Nhưng chúng tôi sẽ quy định rõ trách nhiệm của BV, các cơ sở y tế. Đến khi gói thầu hết hiệu lực mà thuốc anh dùng còn dư thì anh phải chịu trách nhiệm, BHXH có quyền xử lý việc này.

                                                               Ông BÙI QUANG TRIẾT, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Long An

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh