THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 06:25

Cần quy định rõ lộ trình tăng thuế rượu, bia

 

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An, trái) và Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) phát biểu thảo luận tại tổ chiều 12.11

Thảo luận tại tổ về dự án luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ngày 12.11, các đại biểu Quốc hội cho rằng, tăng thuế là biện pháp quan trọng để hạn chế tiêu thụ rượu, bia nhưng cần có lộ trình cụ thể để doanh nghiệp chuẩn bị sẵn kế hoạch sản xuất, kinh doanh.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Hà (Bắc Giang) cho rằng, một biện pháp rất quan trọng để hạn chế tiêu thụ rượu, bia là thuế và giá, nhưng dự thảo lại không có lộ trình cụ thể về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt mà lại để Chính phủ quy định. “Nghiên cứu cho thấy, tăng thuế 10% thì giảm 29% tiêu thụ rượu ở học sinh cấp 3. Thuế và giá rượu, bia càng cao thì tỷ lệ uống rượu, bia ở người trẻ càng giảm”, ĐB nêu ý kiến và đề nghị cần có quy định rõ lộ trình này.
Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cho rằng, tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia là chính sách phù hợp, tạo ra rào cản pháp lý để giảm tiếp cận rượu, bia ở cả phía cung và cầu. Tuy nhiên, ĐB đề nghị dự thảo cần quy định lộ trình tăng thuế. “Dù sao đây cũng là ngành có đóng góp ngân sách hằng năm lên đến 50.000 tỉ đồng và giải quyết việc làm cho hàng trăm nghìn lao động. Việc có lộ trình cụ thể cũng giúp doanh nghiệp chuẩn bị sẵn kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho mình”, ĐB Hiền nêu.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, một trong những nghịch lý của VN là rượu, bia thì rẻ hơn nước ngoài nhưng sữa lại đắt hơn, vì vậy, rất hoan nghênh biện pháp tăng thuế đối với rượu, bia để hạn chế việc sử dụng, bia rượu. Tuy nhiên, khi tăng thuế, tăng giá đối với mặt hàng này thì mặt tiêu cực là nó lại trở thành mảnh đất màu mỡ cho hàng lậu, hàng giả. Vì vậy, ĐB Lan đề nghị cần có biện pháp kiên quyết đối với loại hàng này để đảm bảo chính sách có hiệu quả, tránh tình trạng chỉ kiểm soát những gì dễ kiểm soát còn lại hàng lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn tràn lan.
Luật phòng chống tác hại hay luật kiểm soát rượu, bia?
Thảo luận tại tổ Hà Nội, các ĐB Nguyễn Minh Trí và Nguyễn Quốc Hưng cho rằng, luật cần đánh giá sâu hơn nữa tác động cả mặt tiêu cực và tích cực đối với xã hội, nền kinh tế bởi rượu, bia nếu sử dụng điều độ cũng có lợi cho sức khỏe và tốt cho du lịch, cũng như văn hóa. Ngoài ra, rượu, bia cũng đóng góp không nhỏ cho ngân sách. Tuy nhiên, ĐB Trần Thị Phương Hoa dẫn lại một loạt số liệu của Tổ chức Y tế thế giới về tác hại của rượu, bia như: VN đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á về tỷ lệ tiêu thụ; lạm dụng rượu, bia dẫn đến say xỉn, đâm chém nhau, bạo lực gia đình, tai nạn giao thông, tổn hại sức khỏe... “Tôi đồng tình, ủng hộ việc ban hành luật và lấy tên gọi là luật Phòng chống tác hại rượu, bia”, ĐB Hoa bày tỏ chính kiến.
Trong khi đó, tại tổ TP.HCM, ĐB Phạm Khánh Phong Lan đề nghị cần đổi tên luật thành luật Kiểm soát sử dụng rượu, bia thì chính xác hơn là phòng chống tác hại rượu, bia vì toàn bộ nội dung luật không chỉ giới hạn ở việc phòng chống tác hại rượu, bia mà hướng tới việc kiểm soát tình hình rượu, bia hiện nay. Cùng quan điểm, ĐB Thạch Phước Bình (Tây Ninh) ủng hộ có luật nhưng cần thay thế bằng tên gọi khác, có thể là luật Kiểm soát việc lạm dụng rượu, bia hoặc luật Quản lý rượu, bia. Bên cạnh đó, ĐB Bình đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm quy định cả điều kiện kinh doanh rượu, bia... để buộc cơ quan quản lý vào cuộc thay vì như hiện nay thì dự luật chủ yếu đẩy trách nhiệm về doanh nghiệp sản xuất hợp pháp.
Cấm người dưới 18 tuổi dùng rượu, bia có phù hợp?
Một nội dung gây nhiều tranh luận là quy định cấm người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia. ĐB Phạm Khánh Phong Lan góp ý, dự thảo luật quy định cấm bán rượu cho người dưới 18 tuổi, cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu rồi Đoàn Thanh niên có nhiệm vụ vận động, khuyến khích trẻ từ 16 - 18 tuổi không sử dụng rượu... nhưng lại không có điều luật nào quy định rõ có cấm trẻ dưới 18 tuổi uống rượu hay không.
Từ đó, ĐB Lan đề nghị cần có quan điểm rõ ràng và ghi rõ, cụ thể trong luật về điều này. Bên cạnh đó, ĐB Lan cũng đề nghị quy định cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia nên mở rộng thành cấm ép buộc người khác chứ không chỉ riêng đối tượng dưới 18 tuổi. Cùng quan điểm, ĐB Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) cho rằng, đã cấm ép uống rượu thì phải cấm hết các trường hợp và phải có chế tài xử lý đủ mạnh, đồng thời đề nghị cấm cả uống và bán rượu, bia nơi công cộng như công viên, ga tàu, bến xe, sân bay bởi địa điểm này là nét đẹp văn hóa, nếu dùng rượu, bia dễ dẫn tới hành vi làm ảnh hưởng đến mọi người.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TP.HCM) lại băn khoăn về tính khả thi cũng như phù hợp của quy định cấm người dưới 18 tuổi sử dụng bia, rượu của dự thảo luật. ĐB Hoàng dẫn chứng, ông vừa đi Hà Giang về và thấy rằng, 100% thiếu niên ở Hà Giang đều sử dụng rượu, bia vì đây là văn hóa của người dân tộc. ĐB Hoàng bày tỏ băn khoăn: bộ luật Lao động quy định người đủ 15 tuổi được tham gia lao động, nhưng luật này lại quy định người dưới 18 tuổi không được sử dụng rượu, bia thì có phù hợp hay không?
Thời thương mại điện tử mà cấm bán hàng trên mạng?
Quy định cấm bán rượu, bia trên internet tại dự thảo luật cũng nhận được nhiều thảo luận của các ĐBQH. ĐB Nguyễn Văn Quyền (Cần Thơ) cho rằng, không cho bán rượu, bia trên mạng internet là điều không nên. “Chúng ta đang nói rất nhiều thời kỳ 4.0, về chính quyền điện tử mà lại cấm người bán hàng trên mạng liệu có nên không. Chưa kể, khi người ta đưa thông tin lên mạng càng có thêm cơ hội để cơ quan quản lý, người dân kiểm tra thông tin, đối chiếu, so sánh giá cả. Thậm chí, cũng giúp cơ quan quản lý có thể nắm bắt khi cần kiểm tra chất lượng”, ông Quyền nói.
Chung quan điểm này, ĐB Thạch Phước Bình (Tây Ninh) nhận định thương mại điện tử phát triển là xu thế thì không thể cấm bán hàng trên mạng và cấm cũng không thực tế. ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cũng khẳng định quy định cấm bán rượu, bia trên mạng rất khó khả thi. ĐB Phạm Khánh Phong Lan thì phân tích, mặc dù đây là chủ trương đúng và là nỗ lực để giảm việc tiếp cận với rượu, bia xuống song bán hàng trên internet chỉ là một phương thức mua bán. Vì vậy, nếu như cấm bán rượu, bia trên internet thì khác nào cấm bán rượu nói chung, trong khi đó, các cửa hàng vẫn được phép bán rượu, bia. Từ đó, bà Lan đề nghị cần xem xét lại quy định này cho đúng luật và tương thích với các luật khác.

QH phê chuẩn Hiệp định CPTPP
Ngày 12.11, 469 ĐB tham gia phiên họp buổi chiều đều đã nhất trí thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Theo đó, tại điều 1, nghị quyết nêu rõ: Phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8.3.2018 tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chile.
Nghị quyết giao Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP. QH giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với VN.
Trước đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ QH trình báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị ĐB, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, đến thời điểm hiện nay, đã có 6 nước phê chuẩn thông qua và hiệp định đủ điều kiện có hiệu lực sau 60 ngày kể từ ngày 30.10.2018.
Tăng 60.000 tỉ đồng ODA, giảm vay trong nước để giữ trần nợ công
Sáng 12.11, QH thông qua Nghị quyết về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn với 434/451 ĐB tán thành.
Tại nghị quyết này, QH đã nhất trí điều chỉnh tăng tổng mức vốn ODA trong kế hoạch trung hạn lên 360.000 tỉ đồng, thay vì 300.000 tỉ đồng như trước, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để không vượt trần nợ công. Việc điều chỉnh này để giải quyết việc thủng trần ODA trung hạn (vì theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, đến hết 2017 đã giải ngân ODA vượt trần 37.000 tỉ đồng).
QH cũng cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỉ đồng, giữ tỷ lệ bội chi, trần nợ công; ưu tiên phân bổ cho các dự án đang thực hiện dở dang, thiếu vốn; thanh toán các khoản nợ của các dự án đã hoàn thành, các dự án đang nợ tiền đền bù giải phóng mặt bằng...
Theo tính toán của một số ĐB, với kế hoạch phân bổ vốn như thế này, áp lực nới trần bội chi, hoặc tìm thêm nguồn vốn đầu tư, hoặc cắt giảm dự án đầu tư công là rất lớn. Hiện số vốn cần có để bố trí cho các dự án đã có trong danh mục đầu tư trung hạn của 2019 - 2020 là 475.000 tỉ đồng, nếu sử dụng cả vốn dự phòng ngân sách T.Ư là 94.000 tỉ đồng, thì số tiền cần bố trí trong 2 năm là 569.000 tỉ đồng. Như vậy, ngoài con số hơn 197.000 tỉ đồng đã bố trí cho 2019, năm 2020, ngân sách phải bố trí khoảng gần 372.000 tỉ đồng (gấp đôi con số của 2019) là một thách thức rất lớn cho ngân sách.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh