CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:04

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng tài sản công

Đại biểu Phùng Quốc Hiển (Lai Châu) cho rằng cần phải phân loại tài sản, trụ sở được cho thuê, loại nào không được cho thuê. "Theo tôi, nên phân loại để biết loại trụ sở nào thì cho thuê được, loại nào không thể cho thuê dù có lúc không sử dụng hết công suất"- ông Hiển nói.

ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) 


Ông Hiển cũng nêu thực trạng đó là lúc này tài sản của Nhà nước rất lớn, nhưng dùng kém hiệu quả, lãng phí, và nhiều nơi bị lợi dụng. "Nhà cửa, thậm chí vỉa hè các thành phố lớn cho thuê đấy thì tiền có vào ngân sách hay chui vào túi cá nhân. Tiền này ai quản lý? Theo tôi, tất cả các khoản liên quan đến kinh doanh ta phải quản lý được, phải qua hệ thống thuế để quản lý. Tôi chắc chắn tiền cho thuê rất nhiều nhưng không vào ngân sách Nhà nước".

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) nêu: “Có những Bộ được cấp tiền xây trụ sở mới hoành tráng, bảo có trụ sở mới sẽ trả trụ sở cũ, nhưng xây xong hoành tráng rồi vẫn không trả. Có đến 2, 3 trụ sở liền”.

Xót xa với tài sản của Nhà nước đang bị lãng phí, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) nói: “Ngay tại địa bàn quận 8, hàng loạt nhà kho, bãi ven sông, thuộc quyền quản lý của bộ, ngành đang để lãng phí, gây ô nhiễm môi trường, người dân rất bức xúc. Nhưng muốn thu hồi hay điều chuyển phải được sự đồng ý của bộ, ngành quản lý lẫn Bộ Tài chính nên TP.HCM bó tay”.
Ông Ngân đề nghị rà soát lại những trụ sở của bộ, ngành đang sử dụng bất hợp lý để giao lại cho TP, nhằm phục vụ cho công tác giáo dục, văn hóa... Không để người dân bức xúc nữa. Ông Ngân cho rằng: “Cơ quan quản lý tài sản phải chú ý đến tính thổ địa. Thổ địa ở đây phải là lãnh đạo của địa phương, phải là HĐND, phải là UBND của tỉnh thành đó. Còn muốn điều chuyển, chuyển giao mà phải được sự đồng ý của các bộ cơ quan quản lý, trong đó có Bộ Tài chính, thì muôn đời không làm được".

Theo đó, ông Ngân đề nghị: “Cần giao lại quyền cho lãnh đạo địa phương nhiều hơn trong việc theo dõi quản lý và phát hiện những trụ sở của cơ quan bộ, ngành để lãng phí. Khi đó địa phương sẽ được quyền thu hồi để đảm bảo tính hiệu quả".

Các đại biểu quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) 


Tại đoàn TP. Hồ Chí Minh, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặc biệt quan tâm đến vấn đề thu hồi tài sản không ai sử dụng gây lãng phí. Dẫn chứng thực tế ở địa phương, ĐB Tâm cho biết, TP. Hồ Chí Minh hiện nay có các trụ sở bỏ không- không phải 12 tháng như luật mà bỏ mười mấy năm rồi. Thậm chí cả 20 năm nhưng không thu hồi không được. Cho thuê được đã là tốt, nhưng đằng này có trụ sở không làm gì cả. HĐND đi giám sát đề nghị thu hồi làm trường học, bệnh viện, làm các thiết chế văn hoá thì không được. Thậm chí có những việc do nhu cầu của TP cần phát triển một số cơ quan đảm bảo trật tự an ninh, TP đưa đất ra, TP ứng vốn ra để xây dựng nhưng đề nghị giao trụ sở cũ ra cũng không giao. "Luật làm sao phải chế tài chỗ này đủ mạnh để giải quyết được trong thực tiễn”- bà Nguyễn Thị Quyết Tâm       

Bày tỏ quan điểm về việc dự thảo Luật cần phải làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc quản lý, sử dụng tài sản công, ĐB Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long) nhấn mạnh: “Luật làm sao phải thiết kế rõ ràng về trách nhiệm người đứng đầu trong quản lý tài sản công. Theo đó, người đứng đầu cơ quan nhà nước giống như chủ nhà, phải biết nhà mình có gì, cần mua sắm gì. Chính vì thế, Luật cần phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề quản lý, sử dụng hiệu quả tài sản công. Luật phải thiết kế rõ ràng, cụ thể hơn về việc xử lý vi phạm, khen thưởng trong quản lý, sử dụng tài sản công. Làm sao việc xử lý có tính răn đe người đứng đầu để việc sử dụng, mua sắm tài sản công một cách hiệu quả”.

Cùng với đó, nhiều đại biểu đã đồng tình với dự thảo về chủ trương khoán kinh phí sử dụng tài sản công tại các cơ quan, tổ chức, qua đó kiểm soát và khai thác có hiệu quả tài sản công.

THANH NHUNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh