Cần nâng cao nhận thức về phòng, chống lao động trẻ em
- Y học 360
- 13:22 - 09/11/2020
Hiện nay, lao động trẻ em chủ yếu là trong nông nghiệp, kinh tế phi chính thức, nhưng việc kiểm soát và xử lý các vi phạm liên quan đến lao động trẻ em trong khu vực này còn nhiều bất cập. Trong khi đó, nhận thức của gia đình và chính trẻ em, của người sử dụng lao động còn thiếu hiểu biết về các chính sách pháp luật liên quan đến lao động trẻ em, khiến tình trạng trẻ em lao động vẫn còn diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương. Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đang phối hợp với các cấp các ngành, đoàn thể, để triển khai tuyên truyền nâng cao nhận thức của các chủ cơ sở sản xuất về các chính sách trong giảm thiểu và phòng ngừa lao động trẻ em.
Đặc biệt là huy động các nguồn lực, phối hợp với các tổ chức nhằm hỗ trợ cho các cơ sở để cải thiện môi trường lao động, để khi trẻ em đủ điều kiện tham gia lao động sẽ không làm việc trong môi trường nguy hiểm. Các mô hình sẽ triển khai thí điểm để đánh giá rút kinh nghiệm và nhân rộng. Đặc biệt là tiếp tục tuyên truyền cho cha mẹ và trẻ em về kiến thức phòng chống lao động trẻ em. Và cũng phải tăng cường vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ cho công tác tuyên truyền cũng như là kịp thời phát hiện các trường hợp lao động trái quy định của pháp luật để có thể can thiệp kịp thời.
Để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia thường xuyên, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, các tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Nhóm trẻ em có nguy cơ và nhóm trẻ em lao động trái quy định của pháp luật thì được phát hiện, hỗ trợ, can thiệp kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Vấn đề tồn tại là nhận thức xã hội về lao động trẻ em ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự rõ ràng và chưa tuân thủ các quy định pháp luật hiện nay.