Cần làm rõ nguyên nhân tỷ lệ áp dụng thị thực điện tử thấp
- Tây Y
- 01:13 - 06/11/2018
Thay mặt cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh Võ Trọng Việt cho biết, cơ quan này cơ bản nhất trí với đề nghị của Chính phủ, đề nghị Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong thời gian 2 năm kể từ ngày 1/2/2019 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, tổng kết, đánh giá một cách toàn diện tác động của chính sách này; trên cơ sở đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam trước thời gian kết thúc việc thí điểm.
Uỷ ban Quốc phòng - An ninh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an phối hợp với các bộ, ngành hữu quan đề xuất điều chỉnh danh sách các nước có công dân thuộc diện thực hiện thí điểm, danh sách các cửa khẩu cho phép nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử bảo đảm phù hợp với thực tiễn và yêu cầu của việc thí điểm; sớm xử lý, khắc phục những hạn chế, tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện thí điểm, bảo đảm việc thực hiện thí điểm có hiệu quả thiết thực.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá rõ những tồn tại và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động nhập cảnh của người nước ngoài bằng thị thực điện tử đối với an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội của nước ta và định hướng giải pháp xử lý? Vì đây là lĩnh vực hoạt động rất nhạy cảm, phức tạp, khả năng ảnh hưởng đến an ninh quốc gia luôn trực tiếp, hiện hữu.
Uỷ viên thường trực Uỷ ban Pháp luật cũng nhấn mạnh việc kéo dài thực hiện chính sách này là biện pháp tình thế chứ không phải “thí điểm chồng lên thí điểm”. Do đó, Bộ Công an cần sớm bắt tay vào việc chuẩn bị sửa đổi, bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để sớm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Một số ý kiến đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân tỷ lệ áp dụng thị thực điện tử rất thấp để từ đó có giải pháp phù hợp.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, người nước ngoài vẫn thận trọng với thị thực điện tử
Giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc số lượng khách sử dụng thị thực điện tử chưa cao trước hết do tính phổ cập chưa rộng. Mới chỉ giới hạn ở 46 nước được cấp và 28 cửa khẩu áp dụng, thời gian cũng hạn chế, công tác tuyên truyền giới thiệu chưa mạnh nên lượng khách sử dụng thị thực điện tử chưa nhiều. Hơn nữa chính sách mang tính thí điểm nên người nước ngoài còn thận trọng và thiên về sử dụng thị thực theo kiểu truyền thống. Thí điểm cũng giới hạn ở một số nước, cửa khẩu và cả thời gian.
Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Chính phủ đã thành lập ban soạn thảo bắt tay sửa Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để trình Quốc hội đúng theo tiến độ.
Người đứng đầu ngành Công an cũng nhấn mạnh, qua tổng kết cho thấy công tác quản lý được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, phí thu được trên 200 tỷ đồng, nên sau khi được Quốc hội cho tiếp tục triển khai chính sách thị thực điện tử thì không cần bổ sung thêm nhân lực.
Trong thẩm quyền của mình, Chính phủ cũng sẽ có đánh giá để xem xét việc mở rộng phạm vi cửa khẩu được áp dụng thị thực điện tử trên tinh thần cân nhắc thận trọng, thực hiện từng bước nhằm tiếp tục thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, phục vụ phát triển KT-XH.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh, các ý kiến đồng ý kéo dài thời gian thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam theo Nghị quyết số 30 không quá 2 năm. Trong thời gian này, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương tổng kết, đề nghị Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam để quy định nội dung này.