Cần dạy trẻ kỹ năng phòng, chống đuối nước
- Y học 360
- 22:04 - 14/06/2016
Đề án dạy bơi cho học sinh trong nhà trường thất bại
Cứ vào mùa hè, nhiều vụ đuối nước đau lòng lại xảy ra. Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nguyên nhân khách quan là do nắng nóng, oi bức khiến trẻ em muốn bơi lội, bên cạnh đó là các nguyên nhân chủ quan như trẻ em thiếu kỹ năng an toàn dưới nước, không biết bơi, sự vô trách nhiệm của một số chủ công trình xây không cắm biển báo đối với các điểm đang thi công...
Ông Phạm Ngọc Trung, Giám đốc Dự án phổ cập bơi (Công ty Thể thao và giải trí Bằng Linh) cho biết: “Qua việc triển khai dự án trong 3 năm nay và nhận thấy trẻ em thiếu các kỹ năng mềm phòng chống đuối nước. Nghĩa là các em có thể đã biết bơi nhưng không có kỹ năng mềm phòng đuối nước.
Trẻ em xã Xuân Sơn Bắc, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên tập bơi trên một đoạn sông Cái được ngăn lại.
Trong khi đó, việc dạy bơi cho học sinh trong nhà trường hiện nay chưa được chú trọng, trẻ em chưa được tiếp cận bể bơi và được trang bị kỹ năng tồn tại dưới nước khiến những vụ chết đuối thương tâm liên tiếp xảy ra.
Ông Dương Văn Bá, Phó vụ trưởng Vụ Học sinh - sinh viên, (Bộ GD&ĐT) cho rằng, ngành GD&ĐT đã chỉ đạo quyết liệt việc dạy bơi cho học sinh, cũng như triển khai khá mạnh mẽ các mô hình. Trong chương trình giáo dục thể chất, phần học bơi đã được quan tâm để đưa vào. Tuy nhiên, ông Bá nhấn mạnh: “Khó khăn lớn nhất của ngành GD&ĐT đó là cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy bơi. Bộ GD&ĐT cũng đã xây dựng Đề án dạy bơi cho trẻ em trong trường học để trình Chính phủ cách đây khoảng 5 - 6 năm, nhưng sau đó Đề án không phê duyệt được. Nguyên nhân do đi kèm Đề án là việc xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống bể bơi trong các trường học rất khó khăn, kinh phí rất lớn mà không có nguồn”.
Theo ông Dương Văn Bá, để khắc phục tình trạng này, năm 2014 - 2015, ngành GD&ĐT đã triển khai hệ thống bể bơi mini tại các nhà trường. Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam đầu tư khoảng 3 tỷ đồng cho khoảng 7 bể bơi trong năm 2016 ở một số địa bàn khó khăn.
Không nhất thiết phải có bể bơi mới dạy bơi cho trẻ
Thực tế hiện nay là tại các thành phố lớn các trường học không có đất để xây dựng bể bơi, còn ở nông thôn có đất lại không có tiền xây bể. Nếu có kêu gọi bằng nhiều nguồn khác nhau: xã hội hóa, tài trợ… để xây dựng bể bơi thì tại vùng nông thôn cũng rất khó có kinh phí để duy trì bể bơi.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan cho rằng: “Việc phổ cập dạy bơi, dạy các kỹ năng an toàn dưới nước cho trẻ em là một trong những giải pháp cơ bản để giảm thiểu tai nạn đuối nước cho các em. Việc dạy bơi cho trẻ em cần linh hoạt, không nhất thiết phải có bể bơi. Cho nên việc phát huy các sáng kiến, tận dụng cơ sở vật chất sẵn có, hoặc hỗ trợ tiền phí học bơi để thành lập những lớp học ngắn ngày, kêu gọi những đơn vị sở hữu bể bơi chia sẻ trách nhiệm xã hội… là việc làm cần thiết. Các địa phương nên rà soát các mô hình dạy bơi phù hợp, như dùng bạt chống thấm để tạo ra các hồ bơi, v.v…”.
Cũng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, để phòng ngừa tai nạn đuối nước đối với trẻ em, rất cần sự vào cuộc của cộng đồng, thôn bản, tổ dân phố vì không ai có thể biết rõ hơn địa điểm nào là an toàn hay không an toàn, chỗ nước nào nông ,sâu tại địa bàn bằng người dân địa phương, qua đó để có biện pháp cảnh báo, ngăn ngừa. Nếu quyết tâm thì các tai nạn đuối nước đều có thể phòng ngừa được. Qua thống kê từ các vụ đuối nước, không phải tất cả những trẻ không biết bơi đều chết đuối. Nhiều khi các em chết đuối cho chủ quan, nghĩ rằng biết bơi nên ra xa bị sóng cuốn hoặc vào chỗ hố sâu.
Ông Phạm Ngọc Trung cũng cho rằng, với điều kiện hiện nay việc đào tạo bơi là khó khăn, nhưng dạy các em kỹ năng mềm phòng chống đuối nước lại rất dễ. Các trường có thể dùng các tiết học ngoại khoá để dạy bơi và kỹ năng phòng chống đuối nước. Đây phải là một khóa học các kỹ năng mềm bắt buộc trong trường học về phòng chống đuối nước hay các tai nạn khác. Đứng ở góc độ chuyên môn, để học sinh biết bơi phải cho trẻ em đi học bơi từ sớm, độ tuổi lý tưởng là học sinh tiểu học và THCS.
Theo khảo sát của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hiện mới chỉ có 35% trẻ em ở đồng bằng sông Cửu Long biết bơi và chỉ có 10% trẻ em khu vực đồng bằng sông Hồng biết bơi. Tỷ lệ này càng thấp hơn nữa với vùng miền núi. Với trẻ em thành phố, tỷ lệ biết bơi ngày càng thấp so với trẻ em nông thôn. Với tỷ lệ trẻ em biết bơi thấp như trên thì nguy cơ đuối nước càng cao. |