THỨ TƯ, NGÀY 30 THÁNG 10 NĂM 2024 07:49

Cần dạy con cách phòng tránh xâm hại tình dục

 
Trẻ nhỏ dễ bị “yêu râu xanh” xâm hại. Ảnh minh họa

Trẻ nhỏ dễ bị “yêu râu xanh” xâm hại. Ảnh minh họa

Trẻ bị XHTD như thế nào?

Mỗi năm cả nước có trên 1.200 trẻ em báo cáo bị XHTD. Thực tế đã có nhiều hồi chuông cảnh báo về vấn đề XHTD trẻ em, đến lúc này chúng ta cần phải nghiêm túc nhìn nhận rằng tệ nạn này là một hiện trạng nghiêm trọng của xã hội, cần nhận thức đầy đủ hơn và có những biện pháp quyết liệt để bài trừ triệt để.

Nguy cơ bị xâm hại rình rập trẻ ở khắp mọi nơi, trong gia đình, hàng xóm, nơi công cộng, thậm chí cả trường học, bởi bất cứ ai cũng có thể là "yêu râu xanh". Đó là anh họ, chú bác, bạn bè của bố mẹ hay anh chị, hàng xóm, thậm chí cả thày giáo. Chị Lan, mẹ bé Hà (Hà Nam), chết lặng khi nghe đứa con gái 6 tuổi kêu đau ở bộ phận sinh dục và kể rằng chú hàng xóm đã "chơi nghịch" ở đó. Bé Thu Linh rất hay tha thẩn sang nhà bên cạnh chơi và gọi anh thanh niên hàng xóm là chú. Anh ta thường chơi cùng cho quà âu yếm, yêu thương bé nên bé rất quý. Một lần, anh ta vuốt ve Hà, nói những lời ngọt ngào và sau đó xâm hại bé. Đau quá, cháu về nhà khóc với mẹ. Chị Lan giật mình, hỏi kỹ và chết lặng cả người khi biết đứa con gái bé bỏng đã trở thành mồi cho "yêu râu xanh".

Theo một chuyên gia tâm lí, để làm hại các em bé bọn "yêu râu xanh" thường có cả quá trình làm quen, dụ dỗ, đóng vai một người lớn yêu thương, che chở trẻ. Do tin tưởng hoàn toàn vào các "chú", các "bác", trẻ gần như mất khả năng tự vệ. Khi tai họa xảy ra, hoặc vì nể sợ kẻ xâm hại (bởi đó là người lớn), hoặc sợ hãi, mặc cảm, trẻ thường giấu kín mọi chuyện.

Cưỡng bức, hiếp dâm trẻ em là những hành động không thể dung thứ. Điều đó ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống tinh thần của trẻ và kéo dài rất lâu, thậm chí ảnh hưởng đến cả cuộc sống trưởng thành của con.

Khi bị XHTD, trẻ bị tổn thương về sức khoẻ, rơi vào tình trạng sợ hại, hoảng loạn hoặc mắc bệnh trầm cảm, bệnh tâm thần và nhiều rối loại tâm lý khác như: hội chứng tự tủy hoại mình (tự làm đau, làm bị thương), thường xuyên gặp ác mộng, trở nên hung hãn, muốn trả thù đời vì thấy đời đối xử với mình thật bất công... Thậm chí, nỗi đau khổ dằn vặt có thể khiến trẻ tìm đến cái chết. Nếu không được giúp đỡ, những ám ảnh về tai nạn xảy ra có thể bám theo suốt đời và đầu độc cuộc sống của trẻ.

Dạy con như thế nào để phòng tránh XHTD

Đầu tiên, các bậc cha mẹ hãy nói cho con cái biết về sự thay đổi, phát triển của cơ thể để trẻ hiểu cơ thể mình và hiểu mình cần phải làm những gì để tự bảo vệ bản thân. Hãy nói với trẻ đối tượng như thế nào, hành vi như thế nào được coi là không đáng tin cậy. Ví dụ: người lạ khác giới ôm ấp, ve vuốt, ôm hôn.... Đồng thời, giải thích cho con rằng những hành động âu yếm đó chỉ có bố mẹ, người thân ruột thịt có thể làm. Kể về những nguy cơ hiện nay, có nhiều bạn đã bị làm hại vì dể người lạ đụng chạm vào cơ thể mình như thế nào. Dạy con cần hiểu và biết cách bình tĩnh xử trí nếu chẳng may gặp phải “yêu râu xanh” như: tìm cách tránh xa, gọi người xung quanh giúp đỡ; kêu thật lớn và bỏ chạy nếu có người đụng chạm vào cơ thể mình... Tốt nhất là dạy con không tiếp xúc một mình với người lạ, không đi theo họ dù vì bất cứ lý do gì...

 
Cần bảo vệ trẻ em trước hiểm họa  bị XHTD. Ảnh minh họa

Cần bảo vệ trẻ em trước hiểm họa bị XHTD. Ảnh minh họa

 

Nếu trẻ đem chuyện bị xâm hại tâm sự với bạn, bạn cần biết một số điều để tránh làm trẻ tổn thương thêm tin tưởng: Trẻ đã phải dằn vặt rất nhiều trước khi quyết định nói ra và chúng cũng sợ người lớn quở trách, kết tội hoặc không tin. Vì thế nếu bạn tỏ ra nghi ngờ, trẻ sẽ khép lòng lại và bạn khó giúp đỡ con được. Ngược lại, sự tin tưởng của bạn sẽ góp phần giúp con vượt qua sang chấn, giảm nỗi đau.

Điều cần nữa là khi biết chuyện con bị XHTD thì phải cố bình tĩnh. Bởi những bậc phụ huynh, nhất là các ông bố thường nổi cơn thịnh nộ. Điều này sẽ làm trẻ vốn đang sợ hãi sẽ mặc cảm, suy diễn rằng bạn đang tức giận với nó và nó là người có lỗi. Cần vỗ về, an ủi và cho con biết rằng cũng có nhiều trẻ cũng bị như vậy, để trẻ thấy rằng mình không phải là duy nhất bị xâm hại trên thế giới.

Cha mẹ cần lắng nghe những gì trẻ muốn nói; đừng thăm dò bằng cách hỏi thêm theo ý chủ quan của mình vì có thể làm bóp méo bằng chứng. Chấp nhận những gì con nói với bạn, không phán xét, vặn vẹo, hãy cho thấy bạn thông cảm và hiểu hết. Sau đó, khuyến khích trẻ nói ra cảm giác của mình để chúng thấy bố mẹ quan tâm. Hãy nói với con rằng nó đã làm đúng và thật dũng cảm khi kể lại. Nên làm trẻ vững dạ bằng câu nói kiểu như: “Bố mẹ sẽ ở bên cạnh con nếu con muốn”, “Bố mẹ sẽ cùng con giải quyết chuyện này”. Bạn cần khẳng định với con rằng sự việc xảy ra hoàn toàn không phải do lỗi của trẻ, làm cho con hiểu rằng con sẽ không thể một mình vượt qua chuyện này, mà cần sự giúp đỡ của cha mẹ và những cơ quan chức năng để kẻ xâm hại trẻ phải trả giá trước pháp luật. 

Linh Chi

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Lạm Dụng Thuốc Ngủ: Hiểm Họa Tiềm Ẩn Của Cuộc Sống Hiện Đại

Lạm Dụng Thuốc Ngủ: Hiểm Họa Tiềm Ẩn Của Cuộc Sống Hiện Đại

Thuốc ngủ, một giải pháp tạm thời cho chứng mất ngủ, đang bị lạm dụng một cách đáng báo động, gây ra những hệ lụy nghiêm trọng cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
4 tháng trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh