Cần có quy chuẩn nghiêm ngặt cho giới tài xế xe công nghệ
- Tây Y
- 02:05 - 30/03/2019
Cũng chỉ là… tài xế!
Không thể phủ nhận sự tiến bộ của loại hình gọi xe bằng ứng dụng (gọi chung là tài xế công nghệ) khi người dùng có được sự tiện lợi, lại không lo bị “chặt chém” khi giá cả đã được báo trước. Tuy nhiên, sự an tâm của “thượng đế” như những ngày đầu đã không còn nữa, khi chuyện tài xế công nghệ có thái độ ứng xử không chuẩn mực, nói năng thiếu văn hóa, lái ẩu… đang ngày một trở nên phổ biến.
Xe công nghệ đang phát triển mạnh, với lực lượng tài xế không ngừng tăng nhanh về số lượng
“Vừa rồi, tôi trải qua một “cơn ác mộng” khi thuê chiếc GrabBike chạy từ quận 12 về quận 2 (TP.HCM). Tay tài xế mặt mày bặm trợn, nói năng với giọng rất giang hồ, chạy xe thì phóng như bay, lạng lách, vượt đèn đỏ, khiến mình nhiều phen thót tim. Khi mình yêu cầu dừng xe để xuống thì tay này đòi phải thanh toán đủ tiền “cuốc” xe mới chịu dừng. Cực chẳng đã, chạy được gần nửa đường tôi phải xuống xe để tìm tài xế khác. Sau đó, tôi có phản ảnh việc này trên ứng dụng nhưng cũng không được hồi đáp”, chị Thùy Linh, một nhân viên ngân hàng sống tại quận 2, kể.
Còn anh Phạm Tuấn, sống ở Quy Nhơn vào TP.HCM thăm bà con, cũng từng bị “hành xác” trên một chiếc xe hơi chạy Grab. “Tài xế này tỏ thái độ cáu bằn ngay từ khi tôi bước lên xe. Mặt anh ta hằm hằm như chực đánh lộn. Khi tôi hỏi về tuyến đường đến nhà người bà con thì anh ta không thèm trả lời. Tôi hỏi đến câu thứ hai thì anh ta quát, “tôi chỉ là tài xế, chở anh tới nơi là được rồi, đi xe chỉ mấy chục đồng bạc mà hỏi nhiều vậy!”. Thực sự tôi hết sức bất bình”, anh bộc bạch.
Đó chỉ là hai trong số rất nhiều lời than phiền về chất lượng của cánh tài xế công nghệ. Nhiều tài xế còn huỷ chuyến sau khi chấp nhận yêu cầu gọi xe, bỏ khách giữa đường khi chưa tới điểm dừng, thậm chí có hành vi gian lận như bắt đầu chuyến đi khi chưa đón khách, khách hàng thanh toán bằng thẻ nhưng lại yêu cầu trả tiền mặt… khiến hành khách rất bức xúc.
Dường như có sự tỷ lệ nghịch giữa chất lượng với số lượng tài xế công nghệ: Lượng tài xế càng đông thì chất lượng dịch vụ càng đi xuống!
Cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường vụ một tài xế xe công nghệ có hành vi hiếp dâm hành khách
Lý giải cho điều này, anh T. một tài xế GrabBike “đời đầu” cho biết, chủ yếu là do khâu tuyển chọn tài xế càng ngày càng trở nên đơn giản, sơ sài. “Ngày trước, ngoài những giấy tờ tùy thân cần cung cấp cho nhà cung cấp dịch vụ như Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, hình ảnh cá nhân, bằng lái xe, giấy đăng ký xe, bảo hiểm tai nạn bắt buộc… thì tài xế phải trực tiếp “đối chất” với nhà tuyển dụng để họ xem xét về nhân thân, tư cách. Sau đó còn phải trải qua một khóa huấn luyện ngắn ngày cả về kỹ năng lẫn phong cách phục vụ, tư cách đạo đức… Giờ thì việc tuyển dụng quá dễ dàng. Tình trạng bùng nổ quá nhiều hãng xe công nghệ khiến cho cuộc cạnh tranh về nhân lực (chủ yếu là tài xế) trở nên khốc liệt, khiến các doanh nghiệp ngày càng phải “nới” tiêu chuẩn để chạy theo số lượng nhằm “chiến thắng” trong việc cạnh tranh”, anh T. chia sẻ.
Cần “siết” bằng các quy chuẩn nghiêm ngặt
Thực tế hiện có hai hãng là Grab và Go-Viet yêu cầu tài xế đăng ký chạy GrabBike, Go-Bike phải có thẻ sinh viên (nếu là sinh viên) hoặc lý lịch tư pháp mới đủ điều kiện chạy xe. Lý lịch tư pháp là một loại tài liệu do Sở Tư pháp các địa phương (hoặc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia) cấp; trên đó cung cấp các thông tin chứng minh một người có hoặc không có án tích, bản án, các quyết định xử phạt của Tòa án (có tiền án, tiền sự). Tuy nhiên, chừng đó hồ sơ vẫn là chưa đủ để hạn chế những tình huống xấu mà tài xế có thể gây ra cho hành khách. Hơn nữa, các công ty cung cấp dịch vụ gọi xe công nghệ cũng không thể quản lý trực tiếp lực lượng tài xế, bởi trên danh nghĩa, họ đóng vai trò là đối tác (partner) của các nhà cung cấp dịch vụ, chứ không phải là nhân viên thuộc biên chế công ty như các hãng xe taxi truyền thống.
Xe công nghệ mang đến sự tiện dụng cho người dùng, nhưng vẫn cần sự quản lý chặt chẽ đối với chất lượng tài xế
Vì vậy, việc đề ra các bộ quy chuẩn về đạo đức và kỹ năng hành nghề đối với lực lượng tài xế công nghệ là cần thiết và cần được giám sát chặt chẽ. Được biết, từ tháng 4/2018, Công ty Grab Việt Nam đã đưa ra một bộ quy tắc ứng xử với các quy định chi tiết về những trường hợp sai phạm của tài xế, mức độ chế tài… dành cho các đối tác tài xế chạy các dịch vụ GrabCar, GrabBike, GrabExpress, GrabFood… với các mức chế tài từ mất thưởng, rớt hạng cho tới khóa tài khoản có thời hạn hoặc vĩnh viễn. Grab cũng đã áp dụng hình thức nhận diện hình ảnh tài xế (ảnh trên ứng dụng Grab) để xác định đúng tài xế tới chở khách để khách có thể nhận biết và đánh giá chất lượng phục vụ chính xác.
Go-Viet cũng có quy tắc ứng xử dành cho đối tác tài xế, với những quy định khá nghiêm ngặt, với mức chế tài nặng nhất là ngưng hợp tác vĩnh viễn với đối tác nếu phát hiện những trường hợp gian lận, thực hiện sai quy trình đơn hàng…
Ngày càng nhiều dịch vụ gọi xe công nghệ mới ra đời, đòi hỏi việc quản lý càng phải nghiêm ngặt hơn
Nhưng trên thực tế, nhiều quy định vẫn chưa được tuân thủ nghiêm túc, nhiều vi phạm chưa bị phát hiện, chủ yếu do công tác quản lý, giám sát thiếu chặt chẽ từ phía nhà cung cấp dịch vụ.
Theo nhu cầu của thị trường, loại hình xe công nghệ đang “bùng nổ” mạnh mẽ, số lượng người lao động tham gia loại hình này ngày càng đông đảo, đồng nghĩa với việc kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm ngày càng khó khăn, phức tạp hơn. Điều đó đặt ra vấn đề: Dẫu chỉ là ứng dụng gọi xe, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ không quản lý trực tiếp tài xế, nhưng cơ quan quản lý Nhà nước cần đề ra bộ quy chuẩn chung cho các tài xế công nghệ. Dựa vào đó, chính cơ quan quản lý Nhà nước sẽ có quyền xử phạt không chỉ những tài xế vi phạm, mà còn có thể xử phạt cả những nhà cung cấp dịch vụ không quản lý, giám sát tốt tài xế, để xảy ra vi phạm, gây thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ.