Cần có kiểm soát đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ
- Tây Y
- 14:47 - 27/10/2023
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27/10, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội, sau khi nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật.
Đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Quốc Hận (đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, về sự cần thiết phải ban hành dự án luật, một quyết sách góp phần đảm bảo sự bình yên, an ninh cho nhân dân là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, đây là dự án luật mà Quốc hội khóa XIV chưa thống nhất thông qua tại Kỳ họp thứ 10, năm 2020.
Đại biểu đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, nội dung luật có gì khác biệt so với khi trình Quốc hội khóa XIV.
Đại biểu nhấn mạnh, pháp luật nước ta là một thể thống nhất được xây dựng để đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, được thực hiện xuyên suốt trong nhiều khóa để khi luật được thông qua, chúng ta có thể đủ tự tin trả lời các vấn đề, các nội dung mà Quốc hội khóa trước đã đặt ra.
Đại biểu cũng đề nghị làm rõ, khi dự án luật này được ban hành thì ngân sách nhà nước phải chi tăng thêm bao nhiêu trong khoản chi thường xuyên, vì với quy định của dự án luật, lực lượng này được hưởng mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế, được bố trí địa điểm làm việc, bồi dưỡng, huấn luyện, trang bị trang phục, công cụ hỗ trợ…
Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở do chính quyền cấp xã trực tiếp quản lý.
"Cần thiết tổ chức lại lực lượng tham gia bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở theo hướng thống nhất quản lý các lực lượng quần chúng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở. Bảo đảm an ninh trên địa bàn theo luật định là trách nhiệm của cấp ủy và chính quyền cấp xã, cả hệ thống chính trị, không phải chỉ của công an xã. Ngược lại cấp ủy Ủy ban cấp xã và hệ thống chính trị cũng rất cần có lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cho các hoạt động của mình tuy nhiên chính quyền cấp xã lại không có công chức và lực lượng công an", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Về quản lý lực lượng tham gia bảo vệ trật tự an ninh cơ sở, đại biểu đề nghị quy định trong luật, lực lượng này chịu sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy chính quyền cấp xã.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị sửa một số câu chữ của Điều 3 và Điều 4 của dự thảo luật như sau: Điều 3. Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở là lực lượng quần chúng được bố trí ở thôn tổ dân phố, làm nòng cốt nhằm hỗ trợ chính quyền cấp xã và hệ thống chính trị cấp xã trong việc bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Về quản lý theo Điều 4, đại biểu đề nghị sửa thành: Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở chịu sự lãnh đạo trực tiếp toàn diện của cấp ủy đảng, sự quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân cấp và sự chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ của công an xã. Quy định như vậy cũng thuận lợi cho việc cấp kinh phí cho chính quyền cấp xã để trực tiếp tài trợ hay phụ cấp cho lực lượng này.
Quan tâm tới quy định về quan hệ công tác phối hợp, hỗ trợ trong tổ chức hoạt động thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) cho biết, dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, hỗ trợ lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng và lực lượng khác ở cơ sở thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo bỏ cụm từ "dân phòng" tại quy định này. Bởi theo đề xuất sẽ hợp nhất lực lượng dân phòng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Do vậy, không còn quan hệ phối hợp với lực lượng dân phòng....
Bên cạnh đó, về hỗ trợ quản lý hành chính về trật tự xã hội, Điều 10 dự thảo Luật quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nắm thông tin nhân khẩu, thông tin về hoạt động của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn phụ trách, hỗ trợ công an cấp xã kiểm tra nhân khẩu tạm trú, tạm vắng trên địa bàn phụ trách.
Qua nghiên cứu tình hình thực tiễn, đại biểu cho rằng quy định này trong thực tế rất dễ bị lạm dụng, không làm rõ trách nhiệm nếu có sai phạm xảy ra. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ hơn nhiệm vụ của lực lượng này khi tham gia hỗ trợ công an cấp xã phải thực hiện nội dung trên.
Tham gia góp ý và dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được thực thi sẽ góp phần tích cực vào việc đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương, đảm bảo cho nhân dân sống trong môi trường xã hội an toàn trước diễn biến phức tạp của tình tình hình an ninh trật tự hiện nay.
"Đây chính là kỳ vọng của dự thảo Luật khi được thông qua", nữ đại biểu nói.
Góp ý nội dung cụ thể, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, bày tỏ tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật và đề nghị không nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật đối với các tổ chức tự nguyện, tự quản khác hỗ trợ lực lượng công an đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ không phù hợp với vị trí, vai trò cũng như tính chất hoạt động của tổ chức do chính quyền thành lập.
Về Điều 20 Bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, đại biểu cho rằng bố trí địa điểm, nơi làm việc đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tại địa điểm, nơi sinh hoạt cộng đồng ở thôn, tổ dân phố hoặc bố trí tại nơi làm việc của Công an cấp xã.
Theo đại biểu, hoặc bố trí địa điểm, nơi làm việc khác phù hợp với yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và khả năng bảo đảm của địa phương như dự thảo luật là phù hợp, tạo điều kiện cho lực lượng hỗ trợ công an cấp xã trong đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở.
Về chế độ, chính sách đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở bị ốm đau, bị tai nạn, chết, bị thương, hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ, theo khoản 2, và khoản 3 người chưa tham gia bảo hiểm y tế, nếu bị ốm đau, bị tai nạn, bị thương thì được hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Người chưa tham gia bảo hiểm xã hội, nếu bị tai nạn làm suy giảm khả năng lao động theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa thì được xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; nếu chết thì thân nhân được hưởng trợ cấp tiền tuất, tiền mai táng phí.
"Người tham gia lực lượng dù có tham gia hay chưa tham gia bảo hiểm y tế thì cũng được hỗ trợ như nhau. Điều này sẽ không khuyến khích người tham gia bảo hiểm y tế", đại biểu Nga nêu quan điểm, và đề nghị nghiên cứu quy định cho phù hợp...
Cơ bản đồng tính với báo cáo giải trình tiếp thu, đại biểu Hoàng Anh Công (đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên) cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở gồm 3 nhóm đối tượng mang tính tự nguyện cao nhưng vẫn cần có quy định để kiểm soát quản lý.
Nhấn mạnh tính cấp thiết của luật là rất quan trọng đòi hỏi cần có các quy định bảo đảm chặt chẽ trong quá trình thực thi, ông Hoàng Anh Công cho biết, luật này liên quan đến đến quyền và lợi ích họp pháp của người dân nên cần có những kiểm soát đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở khi thực hiện nhiệm vụ. Bởi giao nhiệm vụ thì phải có sự kiểm soát thực hiện để bảo đảm không lạm quyền.
Do đó, đại biểu đề nghị cần quy định kiểm soát, quy định về cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh gia, giám sát và xử lý hành vi vi phạm hay nhũng nhiễu người dân.
Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Anh Công cũng đề nghị tiếp tục rà soát bảo đảm tính chính xác của số liệu để có tính toán phù hợp, rà soát các quy định để bảo đảm các chính sách cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự cơ sở.