THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:01

Cần có cơ chế theo dõi và đánh giá hậu giám sát

Báo cáo trước Quốc hội về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2020 và từ đầu năm đến nay, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công của năm và của giai đoạn 2016 - 2020; xem xét các báo cáo về công tác nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng...

Cần có cơ chế theo dõi và đánh giá hậu giám sát 
 - Ảnh 1.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo về hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2020 và từ đầu năm đến nay.

Về chất vấn và trả lời chất vấn, tại Kỳ họp thứ Mười, Quốc hội đã giám sát toàn diện việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII. Căn cứ kết quả phiên chất vấn, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 134/2020/QH14 về tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Khóa XIII, làm cơ sở để Quốc hội Khóa XV tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Hoạt động giám sát chuyên đề tiếp tục được hoàn thiện, kịp thời điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế. Tại Kỳ họp thứ Chín, thông qua hình thức trực tuyến, Quốc hội đã tiến hành thảo luận, xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Quốc hội đối với công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em và quyết tâm ngăn chặn tình trạng bạo hành, xâm hại trẻ em. Sau xem xét, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em, đáp ứng được sự mong đợi của người dân và cử tri cả nước…

Về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, trên cơ sở đề xuất của các cơ quan, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại sẽ giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát. Cụ thể như sau: Chuyên đề 1: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính, Ngân sách chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung). 

Chuyên đề 3: Việc thực hiện  pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021 (dự kiến giao Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì tham mưu về nội dung). Chuyên đề 4: Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021 (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).

Cần có cơ chế theo dõi và đánh giá hậu giám sát 
 - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) phát biểu.

Đa số đại biểu Quốc hội thống nhất với dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Tờ trình dự kiến Chương trình đã đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình giám sát vừa qua của Quốc hội. Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị, giai đoạn tiền giám sát phải có đầy đủ số liệu báo cáo và gửi về sớm cho các thành viên Đoàn giám sát. “Nếu được thì các báo cáo giám sát sẽ nhờ thêm các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia về lĩnh vực đó thẩm định, tư vấn, qua đó, khi đến địa điểm giám sát thì Đoàn giám sát có đầy đủ cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học để giám sát được hiệu quả", đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.

ĐBQH Lê Hoài Trung (Thừa Thiên Huế) đề nghị, khi lập chương trình giám sát cũng cần xác định rõ sẽ giao cho cơ quan, đơn vị nào theo dõi việc thực hiện kết luận giám sát và báo cáo với Quốc hội. Ông Lê Hoài Trung cũng đề nghị các địa phương, các đối tượng được giám sát phải có báo cáo kết quả đã thực hiện ra sao chứ không sẽ “như một lưỡi dao chặt xuống nước, sau khi rút lưỡi dao lên thì nước lấp lại như cũ”.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh