THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 04:12

'Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo'

Thận trọng khi xử lý tài sản không giải trình được

Dự thảo Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi) mới nhất đã bổ sung Điều 59 quy định về xử lý tài sản, thu nhập thực tế lớn hơn tài sản, thu nhập đã kê khai hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm mà người kê khai không giải trình được một cách hợp lý về phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm, theo hai phương án.

Phương án 1: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan thuế thực hiện việc thu thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, dự thảo Luật Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân (bổ sung Điều 18a và điểm g khoản 2 Điều 23), quy định mức thuế suất 45% đối với thu nhập chịu thuế do vi phạm quy định của Luật Phòng chống tham nhũng (Điều 123 của dự thảo luật).

Phương án 2: Cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản, thu nhập yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

 

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng


Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, trong 2 phương án trên, Chính phủ lựa chọn phương án 1.

 “Chính phủ lựa chọn phương án này vì cho rằng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế nước ta hiện nay, nhằm thể hiện thái độ của Nhà nước trong xử lý các khoản thu nhập, tài sản có nguồn gốc không rõ ràng khi cả người có nghĩa vụ kê khai và cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đủ bằng chứng xác thực việc xác lập quyền sở hữu hợp pháp theo pháp luật” – ông Lê Minh Khái cho biết; đồng thời nhấn mạnh việc không loại trừ trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản là để tránh hiểu hợp pháp hoá 55% giá trị tài sản còn lại. 

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp (UBTP) Lê Thị Nga cho biết đây là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý theo phương án nào cần cân nhắc rất kỹ, thận trọng để vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân, vừa đáp ứng yêu cầu phòng chống tham nhũng.

Chủ nhiệm UBTP nhìn nhận đặc điểm xã hội Việt Nam là người dân có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập dưới nhiều hình thức) và Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản.... Trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp  Lê Thị Nga cho rằng cần thận trọng khi xử lý tài sản không giải trình được


Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, về mặt pháp lý, không thể mặc nhiên coi tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc là tài sản tham nhũng để tịch thu bằng biện pháp hình sự theo hướng “suy đoán có tội”. Mặt khác, nếu coi đó là tài sản của Nhà nước để tiến hành xác lập quyền sở hữu Nhà nước theo thủ tục tố tụng dân sự về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu vừa không phù hợp với quy định của Bộ luật Dân sự, vừa khó khăn trong việc thực hiện nghĩa vụ chứng minh của người thay mặt Nhà nước đứng ra khởi kiện. 

"Đặc biệt, đây là lần đầu tiên chúng ta đặt vấn đề xử lý tài sản đó nên cần tiến hành thận trọng, có bước đi phù hợp", Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh và đề nghị cần có cơ chế quản lý, kiểm soát thu nhập, có tiêu chí làm căn cứ xác định thu nhập hợp pháp, từ đó loại trừ tài sản có thể có từ tham nhũng mà ra. 

Mở rộng đối tượng kê khai tài sản - Khó khả thi

Về vấn đề kê khai tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được tiếp thu, chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

Cụ thể đối tượng có nghĩa vụ kê khai bao gồm: các đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, cán bộ, công chức, một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Bày tỏ sự băn khoăn về việc mở rộng đối tượng kê khai tài sản trong dự luật, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thẳng thắn cho rằng hiện nay, diện đối tượng phải kê khai tài sản đã phải tiến hành theo kiểu "vừa làm vừa dò" mà luật sửa đổi tăng thêm đối tượng là rất khó thực hiện.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng đề nghị cơ quan soạn thảo luật cần nghiên cứu kỹ quy định thẩm tra bản kê khai tài sản. "Hiện nay khi đọc hồ sơ nhân sự được giới thiệu để Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn thì đại biểu làm sao mà biết được họ kê khai tài sản đúng hay sai. Thực tế có chuyện cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo. Luật phải thiết kế làm sao có muốn tham nhũng cũng không được",  ông  Phúc nhấn mạnh và kiến nghị cần có cơ quan thẩm tra độc lập một cách tương đối để biết được việc kê khai tài sản đúng sai thế nào. "Kể cả ứng cử viên bầu đại biểu Quốc hội cũng cần có thẩm tra sơ bộ về kê khai tài sản chứ để bầu rồi lại bãi nhiệm thì không hay chút nào cả. Khoá này có đến 7-8 đại biểu bị bãi nhiệm, đau xót lắm" - ông Phúc nói.

 

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc: "Cán bộ ta không phải là nghèo nhưng kê khai lại rất nghèo" 


Thảo luận về quy định trường hợp phải tiến hành xác minh tài sản, thu nhập khi được bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đồng tình với quan điểm cho rằng không nên quy định cứng, vì đã có quy định xác minh khi việc kê khai có vấn đề, khi có tố cáo và khi có yêu cầu của cơ quan tổ chức.Việc dự thảo Luật bổ sung thêm 2 trường hợp phải xác minh tài sản là đối với người được lựa chọn ngẫu nhiên theo kế hoạch hàng năm và khi có biến động về tổng giá trị tài sản, thu nhập trong năm từ 300 triệu đồng trở lên, theo ông Đỗ Bá Tỵ là cần cân nhắc thêm.

Còn theo ông Hà Ngọc Chiến, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, khi phong tăng quân hàm cấp tướng cũng phải bắt buộc xác minh tài sản như bổ nhiệm, bầu cử. Vì việc phong tướng được thực hiện theo quy trình rất chặt chẽ và đây là vinh dự với cá nhân.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết cử tri rất ủng hộ phải có biện pháp phòng, chống tham nhũng một cách mạnh mẽ. Theo ông Dũng, Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) phải quy định theo hướng vừa chống được tham nhũng mà đồng tiền có trong nước không chạy ra nước ngoài.

“Cách làm thế nào để vừa góp phần chống được tham nhũng nhưng đồng tiền có trong nước không chạy tuột ra nước ngoài. Do đó, cách ứng xử trong luật này là rất quan trọng” - ông Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.

CHÂU GIANG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh