THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:33

Cần chuẩn bị gì cho tủ thuốc gia đình ngày Tết?

Thuốc cảm sốt

Cảm sốt là rối loạn thường gặp và thường do cảm cúm với các triệu chứng như sốt và đau nhức (nhức đầu, nhức mình mẩy, chân tay). Để giảm đau, hạ sốt, đặc biệt trị nhức đầu, nên dùng thuốc paracetamol.

Bạn nên lưu ý, trong những ngày Tết, nhiều người chúc rượu, việc uống rượu quá nhiều và dài ngày có thể làm tăng nguy cơ paracetamol gây độc cho gan. Khi phải dùng đến thuốc hạ nhiệt giảm đau paracetamol thì bạn không được uống rượu.

Thuốc về hô hấp

Vào dịp Tết, khí hậu miền Bắc nước ta thường lạnh và ẩm ướt, lại hay thay đổi đột ngột, trời đang nồm, bất chợt gió mùa đông bắc gây nên rét buốt làm rối loạn khả năng chống đỡ với bệnh tật, nhất là ở trẻ em và người cao tuổi. Các triệu chứng như ngạt mũi, ho dễ xảy ra.

Một số thuốc thường dùng để giảm ho như terpin, codein… Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị ít thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi). Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.

Thuốc về tiêu hóa

Ngày Tết, thói quen ăn uống thường ngày bạn bị thay đổi sẽ dễ xảy ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu (người bệnh cảm thấy no hơi, nặng bụng, khó chịu do có sự tích khí trong đường tiêu hóa, do tiêu hóa không tốt, thức ăn bị ứ đọng ở dạ dày) hoặc bị tiêu chảy (do ăn phải thức ăn bảo quản không tốt)…

Do đó, các loại thuốc về đường tiêu hoá như thuốc berberin (chống tiêu chảy, lỵ), men tiêu hoá, thuốc bù nước, điện giải ORS (Oral Rehydration Saltisorezol, Oresol), thuốc trị táo bón (thuốc nhuận tràng), thuốc trị khó tiêu, đầy bụng… là những loại thuốc vô cùng quan trọng không thể thiếu trong tủ thuốc nhà bạn dịp Tết.

Thuốc huyết áp

Bạn cũng nên lưu trữ thuốc huyết áp trong dịp Tết này. Các thuốc chống huyết áp thường dùng như nifedipin, amlodipin… có cơ chế là gây giãn mạch và từ đó làm hạ huyết áp, dùng tốt cho bệnh nhân có kèm đau thắt ngực, hiệu quả đối với bệnh nhân cao tuổi, không ảnh hưởng đến chuyển hóa đường, mỡ trong cơ thể.

Bạn cần lưu ý, dùng các thuốc chống huyết áp này vào 1 giờ nhất định. Thuốc được sử dụng trong 1 ngày nên phân chia thời gian dùng cho hợp lý. Nếu thuốc phải sử dụng 2 lần/ngày, 8 giờ sáng uống 1 lần thì đến 8 giờ tối sẽ uống lần tiếp theo. Tránh phân chia thời gian uống thuốc theo bữa ăn.

 Thuốc bôi ngoài da, sát trùng

Thuốc bôi ngoài da, thuốc sát trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn như cồn, oxy già, dung dịch muối loãng… đều rất cần thiết và cần có trong tủ thuốc nhà bạn dịp Tết để sát trùng những vết thương không may xảy ra như bỏng mỡ, đứt tay… 

Ngoài ra, bạn nên lưu trữ một vài miếng urgo phòng khi chế biến thức ăn bị đứt tay; một số dụng cụ y tế (kéo, nhiệt kế)... để phòng các trường hợp cần đến.

P.A (Sưu tầm)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh