Cận cảnh hình ảnh nâng mũi hỏng của cô gái trẻ khiến nhiều người sợ co rúm!
- Y học 360
- 18:05 - 03/02/2020
Mới đây, trên mạng xã hội facebook, nhiều chị em truyền tay nhau những hình ảnh cận cảnh nâng mũi hỏng của một cô gái trong nhóm hội dao kéo. Những hình ảnh ấy khiến người xem không khỏi rùng mình khi sụn nâng mũi bị lòi hẳn ra ngoài, để lại một chiếc lỗ trống hoác đáng sợ. Nhiều người nhận định rằng, mũi bị làm hỏng, tình trạng hoại tử như này khó có thể cứu vãn được.
Có thể nói, việc nâng mũi để gương mặt trở nên hài hòa, thanh thoát, sang quý hơn hiện nay rất phổ biến, đặc biệt được chị em phụ nữ ưa chuộng. Tuy nhiên, có rất nhiều điều bạn cần ghi nhớ trước khi tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ tại khu vực tưởng chừng ngày càng đơn giản này.
Các biến chứng có thể gặp phải khi nâng mũi?
Theo TS.BS Phạm Thị Việt Dung (giảng viên Bộ môn Phẫu thuật Tạo hình - trường Đại học Y Hà Nội, bác sĩ tại Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), bầm tím và sưng nề thường hết sau 1-2 tuần. Nhiễm trùng có thể xuất hiện sớm sau mổ vài ngày hoặc muộn sau vài tuần đến vài tháng, thường biểu hiện bằng sưng đỏ khu trú, bùng nhùng, chảy dịch... nên xử lý sớm bằng kháng sinh mạnh hoặc tháo chất liệu.
Một biến chứng nữa cũng hay gặp là lệch, cong, quá dài, quá ngắn... có thể sửa lại, tốt nhất là sửa sau 3-6 tháng. Đỏ đầu mũi nếu không phải là do đặt sống quá cao, quá dài thì có thể là phản ứng chất liệu (hiếm khi xảy ra), cần xử lý theo nguyên nhân.
"Thủng đầu mũi, tòi chất liệu ra đầu mũi, biến dạng đầu mũi và vách mũi là những biến chứng khá nặng nề làm thay đổi hình dáng mũi ngay cả khi tháo chất liệu, cũng xảy ra không ít với các đối tượng thực hiện phẫu thuật mà không được đào tạo bài bản hoặc theo dõi không sát, xử lý biến chứng không kịp thời sau mổ", BS Việt Dung nhấn mạnh.
Sau cùng là một phẫu thuật viên dù là giỏi đến mấy cũng không thể khẳng định 100% phẫu thuật không biến chứng. Có điều là phẫu thuật viên càng được đào tạo bài bản, càng có kinh nghiệm thì càng giảm tối thiểu những rủi ro và nếu có thì cũng là những biến chứng nhẹ, có thể sửa chữa được.
Chọn chất liệu tự thân hay nhân tạo khi nâng mũi mới an toàn?
Chuyên gia nhận định, nhiều người nhầm tưởng kỹ thuật tạo hình mũi sử dụng chất liệu sụn vành tai là đủ nhưng thực tế thì sụn vành tai có số lượng rất nhỏ, chỉ đủ một lớp mỏng bọc ở đầu mũi trong những trường hợp cần làm dài đầu mũi trong khi da đầu mũi mỏng. Như vậy để nâng sống mũi luôn phải sử dụng chất liệu đặt sống mũi nhân tạo (trừ khi chỉ chỉnh sửa đầu mũi).
Sụn sườn do có nhiều bất lợi khi sử dụng (phải gây mê lấy sụn, để lại sẹo ở ngực nơi lấy sụn, đôi khi xảy ra biến chứng thủng màng phổi khi lấy sụn, có nguy cơ tiêu bớt và làm cong vẹo, thay đổi dáng mũi theo thời gian, trong khi sụn nhân tạo ngày nay rất an toàn, nhiều kiểu dáng, dễ gọt, không thay đổi hình dáng theo thời gian và độ trơ cao, hiếm gây phản ứng thải loại nên ở các nước có nền Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ phát triển sụn sườn không còn được sử dụng rộng rãi nữa (trừ một số rất ít trường hợp đặc biệt).
Hơn nữa, hiện nay nhiều chất liệu bọc đầu mũi nhân tạo khá an toàn cũng đang dần thay thế sụn vành tai.
Nên kiêng gì sau mổ nâng mũi?
Theo chuyên gia, không cần kiêng ăn bất cứ loại thức ăn gì trừ khi dị ứng hoặc chỉ kiêng tôm, cua, hải sản, đồ ăn lạ... nếu có cơ địa dị ứng. Không nên động chạm vào mũi, đặc biệt là vết mổ, không nên đeo kính trong khoảng 3 tháng đầu sau mổ, không nên soi gương nhiều trong 3 tuần đầu vì trong 3 tuần đầu nhiều khi sưng nề, tụ máu... làm dáng mũi thay đổi không phải là dáng mũi sau này. Tư thế nằm ngủ hoàn toàn không ảnh hưởng đến vị trí chất liệu, nằm nghiêng không thể làm lệch mũi như nhiều người vẫn tưởng (nếu có lệch là do nguyên nhân khác).