Cần cân nhắc khi gom các tuyến xe cùng tỉnh về một bến
- Tây Y
- 02:41 - 02/08/2017
Cũng bởi là đợt điều chuyển, sắp xếp mang tính xáo trộn lớn cho hàng trăm doanh nghiệp vận tải khách nên ban đầu, chủ trương này đã bị các nhà xe phản đối khá kịch liệt. Thậm chí, thời gian đầu điều chuyển về bến Nước Ngầm, hàng chục doanh nghiệp vận tải ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Nghệ An đã phản đối bằng cách dừng chạy xe, không bắt khách, chạy xe rỗng về Hà Nội. Và, cũng phải trải qua nhiều cuộc đối thoại khá nảy lửa giữa các doanh nghiệp với Sở GTVT Hà Nội, Bộ GTVT thì tình hình mới ổn định.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, sau khi điều chuyển luồng tuyến xe khách liên tỉnh, tình hình an ninh trật tự, ATGT trên tuyến đường Vành đai 3, khu vực bến xe Mỹ Đình đã tốt hơn, ùn tắc giao thông trên cung đường này đã giảm hẳn.
Hà Nội vừa hoàn tất đợt sắp xếp lại luồng tuyến xe khách.
“Cũng phải thừa nhận, thời gian đầu thực hiện điều chuyển, một số doanh nghiệp đã gặp không ít khó khăn do phải thay đổi phương án kinh doanh; lượng khách sụt giảm, gây nên tâm lý lo lắng; thậm chí có thời điểm một số doanh nghiệp đã phản ứng khá gay gắt với Sở cũng như thành phố”, ông Vũ Văn Viện cho hay.
Cùng với việc đối thoại để giải đáp, Sở GTVT đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp trong diện điều chuyển sớm ổn định kinh doanh như tăng cường xe buýt kết nối bến, kết nối các khu vực trung tâm của thành phố với bến xe Nước Ngầm.
Tuy tình hình đến nay đã ổn định, song Trưởng phòng Quản lý vận tải Sở GTVT Đào Việt Long cho rằng, khá nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo lắng về tình trạng xe “dù”, bến “cóc”, xe hợp đồng “trá hình” Limousine hoạt động mạnh mẽ, cạnh tranh không lành mạnh, gây thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.
Theo ông Đào Việt Long, Sở đã kiến nghị thành phố cho lắp đặt camera giám sát giao thông tại khu vực trước cửa các bến xe, nhằm nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý vi phạm. Dự kiến tháng 8 sẽ đưa vào khai thác hệ thống camera tại khu vực bến xe Giáp Bát, đường Giải Phóng, đường Kim Đồng.
Về chủ trương sắp xếp các tuyến xe cùng tỉnh về một bến, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND TP Hà Nội tiếp tục rà soát để bố trí hợp lý các tuyến thuộc diện điều chuyển về 2 bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm.
Hiện đã sắp xếp toàn bộ các nhà xe đi Hà Nam, Ninh Bình về bến xe Giáp Bát, trong thời gian tới, phương án tái cơ cấu sẽ tập trung vào các xe đi Thái Bình và Nam Định. Hiện bến xe Giáp Bát có 1.166 chuyến/ngày (trong đó tuyến đi Nam Định có 281 chuyến/ngày; tuyến đi Thái Bình có 137 chuyến/ngày). Bến xe Nước Ngầm có tổng số 824 chuyến/ngày (trong đó tuyến đi Nam Định có 170 chuyến/ngày; tuyến đi Thái Bình có 167 chuyến/ngày).
“Nếu tập trung một tỉnh vào cùng một bến xe thì tổng số chuyến/ngày của 2 tỉnh sẽ rất lớn: Nam Định có 451 chuyến/ngày, Thái Bình có 304 chuyến/ngày. Việc sắp xếp biểu đồ hoạt động tại cùng một bến xe sẽ gặp rất nhiều khó khăn do tần suất hoạt động trên một số tuyến ở mức rất cao (thời gian giãn cách chạy xe chỉ còn 5 phút/chuyến, các đơn vị sẽ không có đủ thời gian xếp khách và thực hiện các thủ tục trước khi cho xe xuất bến, chưa kể sẽ xuất hiện hiện tượng phóng nhanh, vượt ẩu tranh giành khách trên đường gây mất trật tự an toàn giao thông trên tuyến)”, ông Đào Việt Long cho biết.
Mặt khác, các phương tiện hoạt động tập trung vào một bến còn phụ thuộc vào khả năng tiếp nhận của bến xe và tình trạng giao thông tại khu vực bến xe đó. Trong khi, bến xe Nước Ngầm và bến xe Giáp Bát đã ở ngưỡng công suất tối đa.
Tình trạng ùn tắc giao thông tại đường Giải Phóng (nút giao Kim Đồng, nút giao Pháp Vân) vẫn còn phức tạp. Do vậy, nếu tập trung toàn bộ các tuyến vận tải của 2 tỉnh Thái Bình và Nam Định về cùng một bến xe sẽ không khả thi. Được biết, Sở GTVT sẽ báo cáo UBND TP và Bộ GTVT về vấn đề này.