THỨ NĂM, NGÀY 21 THÁNG 11 NĂM 2024 10:56

Cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã: "Làm dâu trăm họ" mà không được công nhận là dâu

Đầu mối nào cũng muốn làm "mẹ chồng", "cô chồng" khó tính

Chiều nay 27/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận trực tuyến về vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em.

Từ điểm cầu Phú Yên, điều bất cập nhất mà đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đề cập, đó chính là đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em "chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, vì chưa có tính chính danh", đại biểu Hiền nói.

Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cán bộ cấp xã hiện nay không quy định chức danh công chức làm công tác trẻ em. Hầu hết cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã chủ yếu do công chức Lao động - Người có công và Xã hội kiêm nhiệm với khối lượng công việc quá tải.

Một số địa phương bố trí người hoạt động không chuyên trách gồm 3 công việc: Dân số - Gia đình và Trẻ em chịu sự quản lý chuyên môn của 3 đầu mối cấp trên.

Đại biểu tỉnh Phú Yên cho biết, không ít cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã hiện nay tâm tư với bà rằng: Họ không khác gì "làm dâu trăm họ".

"Mang tiếng làm dâu mà không được công nhận là dâu. Trong khi đầu mối nào cũng muốn làm "mẹ chồng", "cô chồng" khó tính và quyền lực đối với họ. Tôi cho rằng, phải có cơ chế, chính sách hoàn thiện hệ thống tổ chức cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện, cấp xã ngang tầm với nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra hiện nay", đại biểu Phạm Thị Minh Hiền nói.

Về nguồn lực, bà Hiền tâm tư, nếu nói ngân sách nhà nước và cơ chế tài chính dành cho công tác trẻ em hiện nay đã được đảm bảo, đủ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra thì "xin khẳng định, đó chỉ là một câu chuyện cổ tích!", bà Hiền nói.

Chỉ nói riêng đến Phòng chống xâm hại trẻ em, nữ đại biểu nêu, muốn làm hiệu quả thì không thể trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước, bởi nguồn kinh phí cho công tác này không được bố trí riêng. Các chương trình, kế hoạch, đề án theo từng giai đoạn thì nhiều nhưng kinh phí để thực hiện lại chẳng có bao nhiêu, với tỉnh khó khăn thì còn eo hẹp hơn.

"Dù không muốn so sánh khập khiễng, nhưng nếu liên tưởng về hình ảnh, giữa những dự án nghìn tỷ từ nguồn đầu tư công đang đắp chăn đắp chiếu và hình ảnh trẻ em với manh áo mỏng tang trong ngôi nhà xập xệ không đủ che mưa che nắng, có nguy cơ bị xâm hại, tôi thấy rất xót xa".

"Liệu rằng, khi ghép 2 hình ảnh ấy lại, thì đó có phải là một bức tranh xã hội đầy bi kịch hay không?", đại biểu Hiền nói thêm.

Theo đó, bà Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ sự đồng tình cao với các kiến nghị và nhóm giải pháp đã nêu trong báo cáo giám sát cũng như dự thảo Nghị quyết giám sát của Quốc hội. Nội dung này đã được thể hiện một phần trong Chỉ thị số 23 của TTg CP Về tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện Quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em vừa được ký hôm qua, 26/5.

"Tôi tin rằng việc ưu tiên các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách mang tính nền tảng, sẽ tạo nên nền móng cho ngôi nhà bảo vệ trẻ em vững chắc, hiện hữu. Đối với trẻ, đã hứa thì phải làm, thương yêu thì phải hành động, bảo vệ thì phải mạnh mẽ. Và có lẽ, việc nghiên cứu xây dựng Luật Phòng chống Xâm hại trẻ em cần phải được Quốc hội và Chính phủ quan tâm trong một tương lai gần", nữ đại biểu đoàn Phú Yên nêu quan điểm.

Xâm hại trẻ em khoác vỏ bọc văn hoá

Từ điểm cầu Bình Dương, đại biểu Phạm Trọng Nhân nói, "có lẽ chưa bao giờ bức tranh về thực trạng xâm hại trẻ em được nhìn nhận, đánh giá một cách toàn diện với nhiều sắc thái, cung bậc cảm xúc, từ cảm thông, giận dữ cho đến đau đớn".

Cán bộ làm công tác trẻ em cấp xã: "Làm dâu trăm họ" mà không được công nhận là dâu - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương)

Theo đại biểu đoàn Bình Dương, bên cạnh "lăng kính" về các vụ xâm hại được đưa ra công luận, xử lý, còn có một "vỏ bọc" khác được khoác lên mình mang tên văn hoá.

"Khi cậu bé mới 4 tuổi òa khóc vì không đạt giải nhất trong game show "Biệt tài tí hon" thì có người xem nào đặt câu hỏi: Liệu ở đây ai đã có hành vi xâm hại trẻ em?", ông Nhân nói.

Và thực tế, những chương trình game show thiếu nhi tương tự hiện quá nhiều, trò chơi nào dường như cũng có phiên bản nhí cho thấy các nhà đài, đơn vị sản xuất bất chấp mọi sự đánh đổi vì lợi nhuận, biến rất nhiều trẻ trở thành "con rối".

"Nhìn những giọt nước mắt khi bị loại khỏi cuộc chơi hay những lúc căng như dây đàn mong đến lượt biểu diễn và chờ nghe kết quả thì tội tình gì để những đứa trẻ phải chịu áp lực. Ngay cả phụ huynh còn phải bật khóc tức tưởi sau cánh gà. Đâu là tình thương và đâu là sự bất nhẫn của người lớn đối với những tâm hồn của những đứa trẻ chỉ mới lên 5, lên 6 tuổi", đại biểu day dứt.

Ông Nhân cũng nhắc đến tác phẩm điện ảnh có cảnh "nóng" của bé gái 13 tuổi. Theo ông, đây là một điển hình cho lớp vỏ của văn hóa.

"Một cô bé 13 tuổi chưa thể nào nhận thức hết những nguy hiểm của hành vi đó. Nhưng chắc chắn một điều cả ê kíp sản xuất và người thân của cô bé không phải là những đứa trẻ vị thành niên thì những hành vi trên là gì khi tình cảm, tâm lý, danh dự và nhân phẩm của đứa trẻ có thể bị tổn hại".

Từ đó, theo đại biểu, chúng ta căm phẫn với những con số trong báo cáo, nhưng cũng rất mừng vì qua giám sát lần này cho người lớn một cơ hội nhìn lại cách mà chúng ta đang đối xử với trẻ em.

"Các con chính là chìa khóa để mở cánh cửa vận mệnh của tương lai đất nước. Đã đến lúc chúng ta phải cùng nhau hành động để giữ búp luôn được trên cành, trả lại môi trường an lành và đẹp đẽ cho con em chúng ta", ông Nhân phát biểu.


Thanh Nhung

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh