Căn bệnh xã hội này cũng nguy hiểm chẳng kém sùi mào gà
- Sức khỏe
- 13:50 - 30/07/2017
Bệnh lậu truyền cho trẻ sơ sinh có thể gây mù mắt
Bị tắc vòi trứng do lậu
Trường hợp của chị Nguyễn Thị H. 24 tuổi, quê Hải Dương chưa sinh con lần nào. Khi chị đến khám bác sĩ cho biết chị bị lậu mãn tính và không điều trị triệt để được nên bệnh hay tái phát với những triệu chứng đi tiểu rắt, buốt.
Chị H. kể, chị và chồng mắc bệnh lậu từ hơn 3 năm trước. Một lần chồng chị ra nhà người quen ở Quảng Ninh chơi, được bạn bè rủ đi “giải ngố” và sau đó về anh bị đi tiểu buốt, có mủ ở đầu dương vật. Sau hôm đó, anh chị quan hệ vợ chồng cũng chỉ 1 tuần sau là chị bị lậu với triệu chứng tương tự. Hai vợ chồng chị H. đã đi điều trị ở bệnh viện huyện, chị nghĩ đã khỏi bệnh nhưng từ đó đến nay cả hai người đều không sinh được con.
Chị H. đi khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm buồng tử cung, viêm buồng trứng do lậu nên khó thụ thai.
Không chỉ bị lậu khiến khó thụ thai mà chị H. cũng đang phải cõng theo nhiều biến chứng do lậu như viêm niệu đạo mãn tính. Cứ một thời gian chị lại đi tiểu buốt và uống kháng sinh thì hết nhưng không điều trị dứt điểm được.
Khi đến Hà Nội khám, bác sĩ cho biết chị bị viêm niệu đạo, viêm phần phụ, tắc vòi trứng do lậu. Chị H và chồng bị lậu nhưng điều trị không triệt để khiến bệnh lậu mãn tính và đến giờ vi khuẩn lậu đã kháng thuốc.
Bác sĩ Phùng Thanh Vân, Bệnh viện Đa khoa Hà Nội cho biết, không riêng gì chị H., ông gặp rất nhiều người bị lậu trở thành mãn tính là điều đáng tiếc. Bác sĩ Vân cho biết, có bệnh nhân mà ông ám ảnh mãi đó là một cháu bé bị viêm kết mạc có nguy cơ mù mắt và đường ống mũi bị viêm nặng do bị lậu lây từ khi sinh ra từ mẹ của đứa trẻ.
Mẹ của cháu bé bị lậu mà không biết nên khi sinh con vô tình đã lây truyền cho con. Cháu bé phải điều trị rất khó khăn, thị lực cũng giảm, đặc biệt ở họng, mũi nhiều vi khuẩn lậu, trắng đục.
Bệnh nguy hiểm
Khác với sùi mào gà, bác sĩ Vân cho biết bệnh lậu có thời gian ủ bệnh nhanh nhưng rất dễ nhầm lẫn với viêm nhiễm khác nếu điều trị không triệt để, không đủ thời gian dù lậu cấp tính không còn nhưng đã chuyển sang mãn tính.
Bệnh lậu do song cầu Gram (-) Neisseria gonorhoeae gây nên. Bệnh thường lây trực tiếp qua quan hệ tình dục không bảo vệ, quan hệ bằng đường âm đạo, hậu môn và bằng đường miệng.
Bệnh lậu lây chủ yếu qua đường tình dục nhưng cũng có thể lây qua dùng chung dụng cụ, nước sinh hoạt, khăn, chậu, xô người vừa mắc bệnh sử dụng xong. Những khách sạn, nhà trọ, nhà nghỉ có nguy cơ nhiễm khá cao.
Biểu hiện bệnh ở nam thường là viêm niệu đạo cấp tính, ở nữ là viêm cổ tử cung có thể có hoặc không biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Các bộ phận khác cũng có thể bị nhiễm bệnh như hậu môn, trực tràng, họng, mắt... Nhiễm khuẩn huyết do lậu cầu cũng có thể xảy ra và thường phối hợp với viêm khớp, tổn thương da. Mặc dù đã có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng nếu không được phát hiện kịp thời hoặc điều trị không đúng phác đồ bệnh có thể gây các biến chứng.
Nếu đi công tác ở đâu đó, sử dụng khách sạn, nhà nghỉ hoặc có quan hệ với người khác sau 3 – 4 ngày mà có biểu hiện của bệnh lậu thì cần tìm đúng chuyên khoa để khám và điều trị.
Bác sĩ Vân cho biết, với kinh nghiệm chữa bệnh lậu phải có quy trình tương đối khác hẳn vì nếu không sẽ trở thành mãn tính là nguồn gieo bệnh cho người khác. Vì vi khuẩn lậu kháng thuốc nhiều nên nếu bệnh nhân tiêm vài mũi thấy khỏi sau đó bỏ không chữa nữa thì lậu đã trở thành mạn tính. Để biết chính xác còn vi khuẩn lậu không, bệnh nhân điều trị xong phải làm xét nghiệm dịch niệu đạo, xét nghiệm ít nhất 3 lần sau khi điều trị xong mà không thấy dương tính với lậu. Theo nguyên tắc sử dụng kháng sinh thì phải điều trị từ 3 đến 5 ngày thuốc để tiêu diệt các vi khuẩn ở sâu.
Khi bị lậu mãn, vi khuẩn phát triển trực tiếp đường sinh dục tiết niệu gây vô sinh, viêm buồng tử cung, tắc ống dẫn tinh, viêm buồng trứng gây vô sinh ở nam giới, gây viêm túi tinh. Khi vi khuẩn vào trong điều trị cực khó, thuốc không ngấm vào hết, trong đó lớp dịch che phủ, thuốc, theo đường mao mạch vào không thấm được vào hết. Chính vì thế, việc điều trị dứt bệnh lậu của bệnh nhân theo bác sĩ Vân rất quan trọng.
Gây nhiễm vi khuẩn vào tất cả các đường mồm, mũi, mắt, nếu phát hiện sớm chữa ngay thì sẽ khỏi. Nhưng rất ít người chẩn đoán được ngay, khi lây nhiễm sớm mù mắt, nghẹt thở, viêm trong mũi và có thể mắt nhìn kém, tắc ống lệ, rỉ mắt, đau mắt nặng thậm chí gây mù.