CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:21

CÂN BẰNG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG – THÔNG ĐIỆP TỪ ASEAN

Tại ASEAN, vấn đề cân bằng công việc và cuộc sống  đang ngày càng nổi lên như một thách thức đòi hỏi các quốc gia phải xem xét để có những chiến lược và bước đi phù hợp, dưới áp lực cạnh tranh về kinh tế, giải quyết việc làm và giúp cho mọi người hòa nhập tốt vào đời sống xã hội. Một hội nghị ASEAN  lần đầu tiên với sáng kiến kết nối  giữa các công dân ASEAN tạo thành mạng lưới và thông qua đối thoại xã hội để giúp tạo ra những sự thay đổi tích cực, bền vững và mọi công dân ASEAN đều được hưởng lợi trong sự đa dạng về hoàn cảnh phát triển kinh tế - xã hôi của các nước ASEAN đã được tổ chức tại   Cyberjaya, Malaixia từ ngày 23-25/2/2016.

 Hội nghị đã đón tiếp sự tham dự của hơn 300 đại biểu đến từ các nước thuộc ASEAN và nhiều nước trên thế giới đến để chia sẻ các trải nghiệm, các sáng kiến cân bằng công việc và cuộc sống  dựa trên những góc nhìn khác nhau từ các nhóm đối tượng như người khuyết tật, thanh niên, phụ nữ, những chủ doanh nghiệp.

Thông điệp từ hội nghị cho thấy, để  có được  sự cân bằng công việc, cuộc sống, đòi hỏi mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng, quốc gia phải có những cách giải quyết phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, văn hóa, xã hội. Đối với quốc gia, cộng đồng đó là những chính sách, cơ chế như thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương, việc làm cho người lao động, phát triển văn hóa, xã hội... Đối với cá nhân đó là giải pháp phù hợp với từng hoàn cảnh riêng, nỗ lực vươn lên, niềm đam mê, sở thích và sự chia sẻ của cộng đồng. Đối với cộng đồng ở khu vực nông thôn cần những chính sách phát triển sinh kế bền vững trong sản xuất nông nghiệp, lâmn nghiệp và đánh bắt cá. Đối với phụ nữ, một số lượng lớn phụ nữ  phải dành quá nhiều thời gian làm việc nhà, chăm sóc con cái, người ốm cũng đã làm họ mất đi cơ hội tham gia vào thị trường lao động, được hưởng lợi từ sự phát triển xã hội, phải làm những công việc được trả lương thấp, kém an toàn cần có chính sách tạo việc làm linh hoạt về thời gian để họ được tiếp cận thị trường lao động. Đối với nhóm người khuyết tật đó là nỗ lực giúp họ hòa nhập vào thị trường lao động và tinh thần lạc quan, yêu lao động. Đối với người sử dụng lao động cần có những chính sách khích lệ những nỗ lực của người lao động, giảm stress trong công việc, giảm giờ làm thêm, hỗ trợ và tạo điều kiện cho người lao động lao động chăm sóc con nhỏ…   

Sáng kiến thu thập một triệu tiếng nói trong ASEAN về cân bằng công việc cuộc sống đến thời điểm công bố tại Hội nghị đã thu hút được gần 3 triệu tiếng nói. 

Hội nghị cũng đã công bố một khảo sát về cân bằng công việc và cuộc sống tại 10 nước ASEAN.   Kết quả khảo sát cho thấy:

+  Việc tăng thời giờ làm việc và gánh nặng công việc đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người lao động và gia đình họ. 40,3% số người được hỏi cho rằng họ đã quá mệt với công việc tại nơi làm việc do vậy không muốn làm gì khi trở về nhà.; 26,9% số người được hỏi cho rằng các thành viên trong gia đình họ phàn nàn về thời giờ làm việc của người lao động ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình; 54,5% số người được hỏi trả lời thấy chán chường, không hài lòng với công việc hiện thời của họ; 63,9% không hài  lòng với mức lương hiện thời và 32% mong  được trả lương cao hơn với cùng số giờ làm việc như hiện thời; 26,4% người được hỏi cho rằng  sức khỏe bị suy giảm do thời giờ làm việc kéo dài, công với những áp lực và sự căng thẳng trong công việc, mức lương trả không tương xứng với sự suy giảm sức khỏe của họ.

+ Số ngày nghỉ phép  năm cũng góp phần  tạo ra sự cân bằng công việc và cuộc sống. Việt Nam là nước có số ngày nghỉ phép năm khởi điểm ít trong khu vực, nhiều hơn 3 nước và ngang bằng với In-đô-nê-xia. Khảo sát cũng cho thấy những nước có thời gian nghỉ phép ít thì tỷ lệ người lao động nghỉ ốm tăng và thời gian nghỉ ốm cũng kéo dài hơn.

+ Báo cáo khảo sát cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách quốc gia và tại nơi làm việc cần  quan tâm hơn đến năng suất trong trung hạn và dài hạn  khi thiết kế các chính sách liên quan đến thời giờ làm việc, nghỉ ngơi, tiền lương.     

Đại biểu từ một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada, Nauy cũng đã chia sẻ thông tin liên quan đến cân bằng công việc và cuộc sống, những cơ chế linh hoạt trong chính sách của nhà nước và tại nơi làm việc giúp đỡ những người nuôi con nhỏ, phụ nữ hòa nhập vào thị trường lao động. Đáng chú ý, đại biểu  từ Nhật bản  đã chia sẻ thông tin thống kê cho thấy khi kéo dài thời giờ làm việc thì năng suất lao động tại Nhật lại giảm; các công ty có thời gian làm việc kéo dài có thể bị liệt vào danh sách các “công ty đen” và bị công khai thông tin, do vậy sẽ khó thu hút được lao động giỏi nếu không cải thiện tình hinh.

Phát triển kinh tế  phải đi liền với đảm bảo đời sống tốt hơn cho người lao động, gia đình họ. Trong quá trình tổ chức thực hiện cũng cần có sự hợp tác giữa các cơ quan của nhà nước với các tổ chức như công đoàn, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân, hội người khuyết tật…   để triển khai các chính sách, chương trình, hoạt động góp phần đảm bảo cân bằng công việc, cuộc sống cho người lao động tại doanh nghiệp, cộng đồng.

Thu Hường/ Cục ATLĐ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh