THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:44

Cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại của rượu bia

 

Theo thống kê của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế), 10 năm qua, toàn quốc có 382 người bị ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, trong đó có 98 người tử vong.  Hầu hết các trường hợp ngộ độc rượu là do uống rượu không rõ nguồn gốc, không được cấp giấy chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm và rượu được bán tại các quán ăn, cửa hàng nhỏ lẻ, bán rong hoặc do người tiêu dùng tự pha chế. Trong đó, số ca tử vong do rượu có hàm lượng Methanol cao chiếm nhiều nhất, gần 50%.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết , những năm trước, mỗi năm chỉ ghi nhận vài ca ngộ độc rượu, tuy nhiên năm 2016 ghi nhận hơn 60 trường hợp và con số này trong ba tháng của năm 2017 đang gia tăng nhanh chóng. Từ đầu năm đến nay tại Trung tâm đã tiếp nhận 34 người vào cấp cứu vì ngộ độc rượu có chứa methanol, trong đó 9 người tử vong. Có đợt cùng lúc 7 sinh viên cùng ngộ độc rượu có Methanol nhâp viện. Nhiều trường hợp ngộ độc rượu may mắn thoát chết thì hậu quả cũng để lại di chứng nặng nề. Nhiều nạn nhân ngộ độc methanol tử vong, tàn phế dù đã huy động mọi phương tiện, thuốc men sức cứu chữa.

Rõ ràng, việc quản lý sản xuất kinh doanh rượu còn nhiều yếu kém đã tiếp tay cho những người không có lương tâm, chạy theo lợi nhuận, pha chế hoặc buôn bán loại rượu từ cồn công nghiệp Methanol gây ngộ độc cho người sử dụng. Chỉ tính từ sau Tết nguyên đán đến nay, tại Hà Nội và Lai Châu đã có tới hàng trăm người ngộ độc rượu methanol, trong đó ít nhất 18 người tử vong.

 

Ngộ độc rượu dù có qua khỏi cũng để lại rất nhiều di chứng


Tại hội thảo, các ý kiến nhấn mạnh, việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu hiện nay còn nhiều yếu kém. Nhất là khi các chuyên gia y tế và Hội Bảo vệ người tiêu dùng cho rằng có tình trạng pha cồn công nghiệp methanol với nước lã để thành rượu, nhưng đại diện Bộ Công thương lại nói chưa phát hiện được tình trạng này. Ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ khoa học Công nghệ, Bộ Công thương cho rằng, những trường hợp ngộ độc rượu vừa qua là do uống quá nhiều, hàm lượng Methanol tích tụ trong cơ thể trước đó vượt mức cho phép. Bởi, trong rượu đạt chuẩn cũng vẫn có một lượng Methanol theo tiêu chuẩn quy định.  Ông Nguyễn Phú Cường khẳng định: “Không có rượu pha từ cồn Methanol, không ai pha cả vì Methanol rất đắt, phải nhập khẩu. Methanol là rượu hóa chất được quản lý. Các doanh nghiệp nhập Methanol phải khai báo”.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế cho biết, kết quả xét nghiệm đối với những bệnh nhân ngộ độc rượu thời gian gần đây cho thấy, nồng độ cồn Methanol trong máu cao gấp hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần mức cho phép. Điều này cho thấy, rượu phải được pha từ cồn công nghiệp Methanol. Các loại rượu này được bán với giá rẻ nên không loại trừ khả năng pha rượu từ cồn công nghiệp nhập lậu, rẻ tiền.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng  cũng cho rằng, việc dùng cồn công nghiệp Methanol pha thành rượu, không  phải bây giờ mới phát hiện ra. Các đây mấy năm, các phương tiện thông tin đại chúng đã cảnh báo, nhất là tại Nghệ An, người ta bán trong thùng phi, bao nhiêu cũng có, nguồn Methanol từ Trung Quốc...

Điều đáng lo ngại là hiện nay cơ quan chức năng và các địa phương chưa chưa kiểm soát được việc pha chế rượu từ cồn công nghiệp Methanol, cũng như chưa quản lý được rượu nấu thủ công trong các hộ gia đình

Tại hội thảo, các đại biểu đã kiến nghị cần sớm ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia, tập trung vào chính sách thuế và giá; tăng cường kiểm soát quảng cáo, các điểm bán rượu và bia, đặc biệt là kiểm soát sử dụng rượu bia ở trẻ em và những người lái xe.

DUY ANH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh