Cấm xe lưu thông qua cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh
- Y học 360
- 14:43 - 30/09/2022
Lộ trình thay thế theo hướng lưu thông xe ôtô: cầu Sài Gòn Điện Biên Phủ quay đầu xe tại giao lộ Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Thương Điện Biên Phủ rẽ phải đường dân sinh cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh đường Nguyễn Hữu Cảnh.
Hướng lưu thông xe hai bánh: cầu Sài Gòn-Điện Biên Phủ-quay đầu xe tại ngã tư Hàng Xanh Điện Biên Phủ-Hẻm 602 Điện Biên Phủ (đường D1 nối dài) Nguyễn Hữu Cảnh.
Đại diện Sở GTVT TP.HCM cho biết, sáng ngày 30/9, buổi sáng đầu tiên triển khai phân luồng giao thông nên nhiều người dân vẫn chưa nắm bắt thông tin dẫn đến tình trạng lộn xộn. Trong một vài ngày tới tình hình sẽ ổn định hơn.
Hiện phía Sở GTVT đang phối hợp với lực lượng CSGT, Công an để tổ chức phân luồng, hướng dẫn các phương tiện lưu thông qua khu vực.
Trước đó, khi đào thăm dò, cơ quan chức năng phát hiện các bó cáp của cầu bị đứt tại nơi giao cắt với cống hộp của hệ thống thoát nước ở dự án sửa đường Nguyễn Hữu Cảnh cắt ngang. Đường cống này đã hoàn thành tháng 3 năm ngoái. Để bảo đảm an toàn, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã cấm xe tải và ôtô trên 16 chỗ qua cầu vượt để chờ khắc phục sự cố.
Phương án khắc phục vừa được Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM (TCIP) đưa ra, sau 10 ngày phát hiện sự cố đứt cáp cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh khiến nhịp chính công trình bị võng xuống, kèm nhiều vết nứt. Cáp dự ứng lực là những bó dây trợ lực, hỗ trợ kết nối các khối bêtông với nhau, sử dụng nhiều trong các công trình xây dựng, giúp giảm tác động từ bên ngoài.
Nằm trên trục giao thông chính kết nối khu đông vào trung tâm TP HCM, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh dài hơn 600 m, rộng gần 13 m, trọng tải 30 tấn. Công trình do Công ty TNHH MTV dịch vụ công ích Thanh niên xung phong làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng năm 2002 với tuyến đường cùng tên. Tuy nhiên, dự án này bị nhiều tai tiếng khi vừa đưa vào khai thác đã xuất hiện tình trạng lún ở khu vực cầu vượt, phải thi công sửa chữa.
Giữa năm 2016, cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh lại hư hỏng nặng, khi phần tường gạch khoang giữa các trụ bị nứt gãy, đổ sụp... Nghiêm trọng nhất, trụ T23 của cầu bị nứt, tách rời khỏi phần dầm phía trên. Thành phố sau đó phải chi hơn 12 tỷ đồng để sửa chữa.
Đường Nguyễn Hữu Cảnh nhiều năm trước cũng bị xem là "rốn ngập" ở TP HCM khi thường xuyên ngập nặng từ khi đưa vào khai thác. Hiện, tuyến đường đã được thành phố sửa chữa, tổng mức đầu tư 473 tỷ đồng.