CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

"Cám ơn virus"

"Delay Airline" biến mất

Cô bạn học cấp 3 của tôi làm tiếp viên trưởng cho một hãng hàng không. Mùa đại dịch các chuyến bay đều rất vắng, vậy nhưng chuyến bay ngày hôm ấy lại đông một cách "bất thường". Cầm bản danh sách khách trên tay, 16 chỗ hạng thương gia và cả khoang hạng thường gần như đầy ắp bạn đã xúc động không cầm được nước mắt.

Các đường bay bị cắt vì dịch, nhiều máy bay không khai thác hết công suất sử dụng, các tiếp viên cũng như các nhân viên hỗ trợ ở các bộ phận khác đều giảm cường độ làm việc vì lượng khách sụt giảm vì thế khi có một chuyến bay đầy hành khách thì mọi người thấy quí biết bao.

Đã có những thời điểm mà khi bạn ra sân bay, thông điệp phổ biến nhất mà bạn nghe thấy trên loa phát thanh là hãng hàng không X xin thông báo chuyến bay Y bị chậm giờ (delay) vì lý do máy bay về trễ hay vì lý do "khai thác".

Cất cánh buổi sáng thành ra buổi chiều, buổi chiều thành ra buổi đêm còn buổi tối thì thành ra ngày hôm sau. Cảnh đôi co, cãi vã giữa hành khách và hãng hàng không xảy ra như cơm bữa vì bay sai giờ, dịch vụ kém.

Nhưng nCovid – 19 đã khiến mọi thứ khác hẳn. Các chuyến bay phục vụ bằng máy bay tốt nhất, hiện đại nhất, bay đúng giờ nhất. Ngoài một vài yếu tố đến từ yếu tố ngoài ý muốn của các hãng (sân bay quá tải; sự phân phối dịch vụ mặt đất chưa hợp lý), phải chăng đến khi khủng hoảng thì các hãng hàng không mới thấy khách hàng thực sự quí giá đến nhường nào?

Câu hỏi đó chắc chỉ có các hãng hàng không mới trả lời được, còn khách hàng thì giờ đây mới thấy mình có chút giá trị, tận hưởng thôi.

Cám ơn virus - Ảnh 1.

Chiếc bàn trong góc, những món "mầm đá" và sự thay đổi

Tôi hay ăn trưa tại một quán ăn gần công ty, thức ăn không hề rẻ nhưng được cái "sạch sẽ" hơn những chỗ khác và quan trọng hơn cả là tôi không phải đi quá xa. Tôi hay đi ăn một mình, mỗi lần bước vào quán ăn, cậu phục vụ luôn hỏi "đi mấy người hả anh". Sau khi biết không có ai đi cùng, tôi luôn được cậu xếp vào một bàn ở góc xa tít.

Quán khá đông khách, mỗi lần gọi món đều khá lâu, đôi khi còn nhầm lẫn hay thiếu món. Con người là giống loài dễ thích nghi, tình hình lúc nào cũng vậy, riết thành quen, tôi chả bao giờ phàn nàn mà luôn kiên nhẫn chờ đợi.

Từ dạo có dịch Covid-19 quán vắng hẳn, mỗi lần tôi tới, cậu phục vụ cười tươi hơn thường lệ và bắt đầu nhớ tên tôi và không hỏi đi mấy người nữa.

Tôi bắt đầu được xếp ngồi bàn trung tâm, thức ăn ra nhanh, ngon và nóng hơn trước kia, giá cả vẫn vậy nhưng khi về luôn được khuyến mại thêm một nụ cười của chị chủ đính kèm câu nói da diết "cảm ơn anh đã ủng hộ quán". Vì có dịch mà giá trị bản thân tôi đối với quán ăn được mọi người nhận thức rõ hơn hẳn.

Khi có dịch, chị em bắt đầu lười làm đẹp hơn, các salon tóc bắt đầu sụt giảm lượng khách vốn có. Tuy chị em lười làm đẹp hơn một chút nhưng cánh anh em thì cứ 3 tuần mà không cắt tóc là không chịu được, bất chấp dịch, các anh em vẫn đeo khẩu trang đến chỗ quen cắt tóc theo lịch.

Đến đây thì các salon mới chợt thấy, trong khó khăn, nguồn khách nuôi mình tồn tại có khi lại là nam giới chứ không phải chị em. Nó cũng giống như những ngày hè nắng gắt hay cả những ngày đông mưa gió, anh em vẫn đến salon đều đặn khi chị em hầu như chả ra ngoài.

Theo lý thuyết thì khách hàng là giá trị đáng quí nhất của doanh nghiệp, nhưng thực tế thì sẽ có vẻ như sẽ có những khách hàng đáng quí hơn các khách hàng khác một chút, có những khách hàng rất đáng quí, có khách hàng đáng quí vừa phải và có những khách hàng không đáng quí lắm.

Thực tế ấy khá đúng khi mà doanh nghiệp đầy khách trong khi năng lực cung cấp sản phẩm, dịch vụ của họ có hạn.

Nhưng khi khủng hoảng như thời đại dịch này người ta mới có cơ hội nhìn ra được giá trị thật của mỗi khách hàng, mỗi thương hiệu, người kinh doanh có thời gian để ý thức được việc họ đã từng coi nhẹ khách hàng ra sao và họ sẽ phải làm gì để lấy lại lòng tin của khách hàng.

Giá trị của quê hương

Cậu con trai tôi lần đầu tiên xin bố được đi học. Dịch bệnh xảy ra, các trường học đóng cửa, học sinh được nghỉ học dài hạn. Mặc dù các cháu vẫn được học thông qua máy tính và các phần mềm của trường nhưng ở nhà quá lâu khiến cho các cháu nhớ trường nhớ bạn nhớ thầy.

Cháu nói với tôi học "ở trường con có nhiều hoạt động còn bạn bè còn các môn thể thao, ở nhà con thấy tù túng quá". Chắc cũng nhiều học sinh khác như con trai tôi thấy rõ giá trị của việc được đi học ở thời điểm này là quí giá hơn bao giờ hết.

Dịch bệnh xảy ra khiến cho những hoạt động bình thường hằng ngày bị hủy bỏ, những lễ hội không được tổ chức, những hoạt động chỗ đông người cũng đóng cửa. Nó làm cho cuộc sống đảo lộn nhưng ở khía cạnh khác nó cũng cho người ta thấy sự quý giá của một cuộc sống yên bình nhiều khi người ta vẫn coi rằng nghiễm nhiên mình sẽ có.

Các vệ tinh của NASA và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể của lượng khí thải nhà kính Nitơ điôxít (NO2) tại Vũ Hán và một số thành phố ở Trung Quốc.

Nguyên nhân là do các ngành công nghiệp tại Trung Quốc tạm dừng hoặc hạn chế hoạt động, sau khi dịch bệnh virus Covid-19 bùng phát. Điều này khiến người ta phải suy nghĩ nghiêm túc đến việc đánh đổi và trả giá; cái gì thực sự đáng và không đáng.

Ở một khía cạnh khác khi cuộc sống khó khăn người ta rời bỏ đất nước đi kiếm sống khắp bốn phương nhưng khi có dịch bệnh, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là quay về nhà, được yên ấm bên những người thân, khó khăn một chút cũng chịu được còn hơn là bơ vơ nơi đất khách.

Khi đó người ta mới hiểu được giá trị thật của cuộc sống đôi khi không đánh đổi được bằng đồng tiền.

Tôi có cậu em họ hàng xa đi làm tại Hàn Quốc, hàng ngày cậu vẫn tự hào rằng mình đang làm việc tại một nước phát triển và kiếm được khá tiền. Nhưng rồi dịch bệnh xảy ra chỉ cách chỗ cậu làm không xa, mọi hoạt động bị đình trệ, mọi khó khăn bắt đầu ập đến, may mắn thay cậu lên được chuyến bay để trở về Việt Nam.

Về đến nơi, cũng như những người khác cậu phải cách ly hai tuần nhưng cậu vẫn rất phấn khởi, cậu nói về đến nhà rồi anh ạ, công việc này không có sẽ có công việc khác nhưng về được nhà mới là quan trọng.

Khi người ta bước chân lên được chuyến bay chở mình về nước, thoát ra khỏi tâm dịch bệnh người ta mới thấy được giá trị của đất nước mình đã sinh ra và là công dân của nó, thấy được giá trị của tình đồng bào trong lúc khó khăn.

Và một điều quan trọng nữa, phía sau những đừng quên cám ơn virus, vì giống loài ghê gớm đó đã làm cho chúng ta nhận ra rất rõ một điều: Con người đang tàn phá môi trường, tàn phá thiên nhiên nhiều quá. Dịch bệnh, thiên tai, địch họa chính là một cách phản ứng lại sự tàn nhẫn với thiên nhiên của con người.

Cuộc sống cứ trôi đi khiến các giá trị cơ bản của nó nhiều khi bị lu mờ hay che khuất bởi những ngộ nhận, thờ ơ nhưng chân lý chỉ ra rằng giá trị thật luôn tồn tại và hiện diện, chỉ là ta có nhìn ra nó hay nhìn ra ở góc độ nào mà thôi.

Không ai muốn dịch bệnh xảy ra, nhưng trong họa luôn có phúc, trong nguy luôn có cơ với tất cả những người luôn nhìn ra và trân trọng những giá trị thật đó.

Phạm Vũ Tùng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh