Cảm ơn “những giọt máu hồng”
- Y học 360
- 03:07 - 26/02/2016
Căn phòng chật cứng bệnh nhân Thalassemia tại Viện Huyết học truyền máu Trung ương.
Vào bệnh viện, cầm kết quả xét nghiệm trên tay, bác sĩ kết luận: “Cháu nhập viện đi nhé, bệnh khá nặng, cháu phải truyền máu cả đời”. Nghe đến đó tai tôi như ù đi, tất cả sự vật như quay cuồng. Cố gắng hít một hơi thật sâu, tôi lắp bắp: “Cô có thể giải thích rõ hơn cho cháu được không ạ?”. Rồi tôi chờ câu trả lời, cố gắng căng tai để nghe từng câu, từng chữ của vị bác sĩ: “Cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh này nguy hiểm, rất khó chữa trị, phải truyền máu. Bây giờ cháu lên Khoa Thalassemia ở tầng 3 để làm thủ tục nhập viện nhé”.
21 tuổi, tôi sống và học tập như bao cô gái đồng trang lứa khác. Thế nhưng, cho đến một ngày khi đang học, bỗng nhiên tôi cảm thấy mọi thứ xung quanh đảo lộn, chân tay không còn sức và lịm đi khi nào không hay, chỉ nghe mơ hồ tiếng của ai đó nói rằng tôi phải xét nghiệm máu… Khi tỉnh lại, tôi thấy mình nằm trong phòng cấp cứu của Viện Huyết học truyền máu Trung ương. Tôi đảo mắt nhìn người bạn đang lo lắng đứng cạnh mình, rồi tôi nghe đâu đó tiếng mẹ đang nói chuyện điện thoại. Lúc này tôi mới tỉnh táo ngồi dậy để hỏi mẹ chuyện gì đang xảy ra. Mẹ tôi kể lại sự việc và nói rằng tôi vừa phải lấy máu xét nghiệm, bây giờ phải chờ đến chiều lấy kết quả. “Từng câu nói của vị bác sĩ là một cú sốc quá lớn với tôi và gia đình. Tôi không hề biết thông tin gì về căn bệnh ấy, điều đó lại càng khiến tôi chếnh choáng. Thất thần một lúc rồi tôi cũng phải lấy lại bình tĩnh để làm thủ tục nhập viện. Trong khi đợi mẹ làm thủ tục, tôi lấy điện thoại tra ngay trên mạng thông tin về căn bệnh tan máu bẩm sinh, rồi tôi giật mình nhận ra đây là căn bệnh bẩm sinh và di truyền, bất chợt tôi nhìn mẹ… Di truyền ư? Chẳng lẽ ….?. Rồi tôi lo lắng tiếp tục tìm kiếm thông tin về căn bệnh kỳ lạ và quái ác này. Lướt qua một lượt trên trang web Thalassemia.vn, hàng loạt những con số khủng khiếp cứ thế khiến tôi không khỏi bàng hoàng, bởi không ngờ rằng căn bệnh quái ác này lại rơi trúng vào mình.
Hai chị em Như và Luân phải truyền máu để duy trì sự sống.
Trong căn phòng chật kín bệnh nhân và người nhà, tôi ấn tượng với hai chị em nằm đối diện giường bệnh của mình. Bệnh nhân nào cũng có người nhà ở bên chăm sóc, nhưng trên chiếc giường đó, chỉ có hai bệnh nhân chăm sóc nhau, đó là hai chị em ruột Trần Thị Như và Trần Đức Luân, nhà ở Thường Tín, cùng bị bệnh tan máu bẩm sinh. Nhìn cô chị với khuôn mặt bị biến dạng bởi căn bệnh, không ai nghĩ rằng nữ bệnh nhân nhỏ nhắn với vẻ ngoài như học sinh cấp 2 ấy đã 20 tuổi. Cậu em trai 9 tuổi trông cũng nhỏ hơn so với tuổi của mình. Luân may mắn hơn chị gái vì khuôn mặt không bị biến dạng, nhưng nước da vàng xanh với cơ thể gầy gò của em khiến ai một lần gặp mặt cũng chua xót. Bất chợt tôi nghĩ rằng, hai chị em Như, Luân và cả những bệnh nhân nghèo đang điều trị tại phòng bệnh này, hoặc trong những trường hợp cấp cứu khẩn cấp, nếu không được truyền máu thì cuộc sống của các em, của họ sẽ kéo dài bao lâu? Bất chợt tôi thầm cảm ơn các chương trình hiến máu nhân đạo như “Lễ Hội Xuân hồng”, “Những giọt máu hồng” và mang ơn những học sinh, sinh viên, những công dân tràn đầy nhiệt huyết đã lặng thầm chia sẻ sự sống của mình, tặng từng giọt máu hồng để góp phần cứu sống những bệnh nhân nghèo... Và, có lẽ chưa bao giờ tôi hiểu hết ý nghĩa lớn lao của thông điệp “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” như lúc này- khi mà chính tôi đang là bệnh nhân và tận mắt chứng kiến sự sống mong manh của những bệnh nhân nghèo...
Ngồi trên giường bệnh, Như trải lòng về hoàn cảnh gia đình mình: “Em và Luân bị di truyền bệnh Thalassemia từ gen lặn của bố mẹ. Em mắc bệnh khi mới 2 tháng tuổi, còn Luân mắc bệnh khi 4 tháng tuổi. Từ đó cho đến nay, tháng nào chúng em cũng phải đến Viện để truyền máu. Có những tháng phải truyền 2 lần vì lượng máu trong người không đủ, mà mỗi đợt chúng em phải truyền từ 4 đến 6 bịch máu”.
Nắm lấy đôi bàn tay gầy gò, xanh xao đang lạnh cóng của Như trong những ngày Hà Nội rét lịch sử, tôi nghẹn ngào dùng hơi ấm của mình để cảm nhận em, cũng như cảm nhận chính căn bệnh của mình. Hai cô gái mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo cứ thế dành cả buổi sáng để chia sẻ với nhau. “Bố mẹ em làm gì? Sao không cùng lên Viện mà lại để hai chị em tự chăm sóc nhau”? tôi hỏi. Hiểu được băn khoăn của tôi, Như tâm sự: “Nhà em nghèo lắm chị ơi! Bố mẹ em ngoài làm ruộng còn bươn chải đủ nghề, mỗi tháng chỉ kiếm được 3 triệu đồng, trong khi mỗi lần hai chị em điều trị cũng hết khoảng 5 triệu đồng. May mắn gia đình em được hưởng chế độ bảo hiểm hộ nghèo, chứ nếu không có bảo hiểm thì bố mẹ không biết phải xoay xở ra sao. Em đã nghỉ học từ năm lớp 9 để ở nhà giúp bố mẹ, bây giờ có mỗi em trai đi học thôi. Bố mẹ em vì phải kiếm tiền nên không thể đi cùng lên đây chăm sóc hai con. Với lại, mỗi lần lên đây, bố mẹ lại mất thêm khoản tiền đi lại, rồi tiền thuê áo người nhà bệnh nhân, tiền ăn uống và nhiều thứ tiền phát sinh khác nữa, cảnh nhà đã khó càng khó hơn chị ạ!”.
Theo lời kể của Như, anh em, bà con họ hàng lúc đầu còn cho gia đình em vay mượn, nhưng vì hoàn cảnh nên họ cũng không thể cho vay mãi được. “Em biết bố mẹ phải vay mượn nhiều lắm, nhưng vì thương con nên ông bà không cho em biết. Thương bố mẹ, mỗi bữa hai chị em chỉ dám ăn chung 1 suất cơm 15.000 đồng, em để Luân ăn trước, còn thừa thì em ăn”, Như nói.
Lặng người hồi lâu, Như kể tiếp: “Ngày trước em học mẫu giáo, cô giáo thấy em bị bệnh này còn không cho em đi học, sợ lây bệnh sang các bạn. Lên cấp 1, cấp 2 rồi các bạn cũng xa lánh, coi em như người mắc bệnh truyền nhiễm. Mãi về sau các bạn cũng hiểu và chơi với em, nhưng cũng ít lắm chị ạ”.
Cán bộ, công chức, đoàn viên thanh niên Bộ LĐ-TB&XH hiến máu nhân đạo năm 2015.
Hà Nội đang lạnh thấu xương, thế nhưng Như và Luân chỉ mang trên mình chiếc áo len mỏng manh, để lộ ra chi chít vết ven còn chưa khô máu. Bất chợt Như giơ tay lên, làm lộ ra một vết sẹo ở sườn. Tôi tò mò hỏi về vết sẹo ấy, Như chia sẻ: “Bệnh này là thế chị ạ, lá lách to, gan to, xương khớp đau nhức. Vết sẹo này là do em mổ cắt lá lách cách đây vài năm. Em trai em cũng sẽ phải mổ chị ạ. Mỗi lần mổ như vậy nhà em lại tốn thêm 20 triệu đồng. Mà xương khớp thì đau nhức suốt ngày, nhiều lúc hai chị em đau quá không thể đi lại được. Nếu nặng hơn thì còn bị biến dạng khớp”...
Tiếng mưa rơi xé lòng của trời Hà Nội trong ngày đông lạnh giá khiến tôi chua xót nghĩ đến Như, Luân và bao bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn khác. Nằm trên giường bệnh, nhìn những giọt máu hồng đang chảy vào trong cơ thể mình, tôi hy vọng “Bông hoa nhân ái” của những tấm lòng hảo tâm, qua Lễ hội Xuân hồng 2016 tới đây sẽ tiếp tục sưởi ấm cho gia đình các bệnh nhân trong ngày đông giá rét, và trong cả chặng đường dài họ phải chống chọi với căn bệnh quái ác tan máu bẩm sinh...
Tan máu bẩm sinh là một trong những rối loạn di truyền đơn gen phổ biến nhất thế giới, có khoảng 7% dân số trên thế giới mang gen bệnh, 71% các nước trên thế giới bị ảnh hưởng, có trên 330.000 trẻ em sinh ra hàng năm bị mắc bệnh; 1,1% các cặp vợ chồng sinh ra nguy cơ con mang bệnh. Tại Việt Nam có hơn 10 triệu người mang gen bệnh và mắc bệnh. Được tổ chức từ năm 2008 dựa trên ý tưởng tổ chức một ngày hội hiến máu khắc phục tình trạng khan hiếm máu điều trị ngay sau Tết Nguyên đán, Lễ hội Xuân hồng đã góp phần từng bước thay đổi quan niệm e ngại hiến máu dịp đầu năm mới của người dân và trở thành sự kiện hiến máu lớn nhất trên cả nước. Qua 8 kỳ tổ chức, Lễ hội Xuân hồng đã tiếp nhận được 41.959 đơn vị máu.Lễ hội Xuân hồng 2016 với thông điệp “Hiến giọt máu đào – Trao đời sự sống” sẽ được tổ chức vào sáng 28/2/2016 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, dự kiến thu hút 25.000 người tham dự, trên 10.000 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận khoảng 8.000 đơn vị máu - lập kỷ lục mới của những tấm lòng nhân ái. |