CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:37

“Cẩm nang” xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em

Đây là những công cụ mang tính thực tiễn nhằm giúp lực lượng cảnh sát và cán bộ ngành kiểm sát nhân dân phòng ngừa, phát hiện, điều tra, truy tố và kiểm sát hiệu quả các vụ xâm hại tình dục trẻ em, qua đó bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các em.

Khó xử lý những vụ án xâm hại trẻ em vì khó thu thập tài liệu, chứng cứ

Trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại tình dục trẻ em có diễn biến phức tạp. Chính phủ Việt Nam đã thể hiện những cam kết mạnh mẽ, tiếp tục có những cải cách luật pháp để thiết lập một khung pháp lý hiệu quả nhất về xử lý xâm hại tình dục trẻ em, việc phát hiện, xác minh, khởi tố điều tra loại tội phạm này có những đặc trưng và khó khăn, vướng mắc riêng. Do không thu thập được hoặc thu thập không đầy đủ tài liệu làm căn cứ để khởi tố điều tra, xử lý đối tượng dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc kéo dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, không đáp ứng được yêu cầu chấp hành pháp luật, yêu cầu về bảo vệ trẻ em và xử lý nghiêm đối tượng phạm tội theo quy định của pháp luật.

“Cẩm nang” xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em  - Ảnh 1.

Bộ cẩm nang xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.

Từ những nhận thức trên, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) phối hợp nhằm giải quyết vấn đề này. Đặc biệt, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được sự phối hợp, hỗ trợ của UNODC đã xây dựng Bộ công cụ dành cho lực lượng Cảnh sát, cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân về giải quyết các vụ án, vụ việc xâm hại tình dục trẻ em.

Giới thiệu Sổ tay cảnh sát về Nhận thức và ứng phó với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, Trung tá Khổng Ngọc Oanh, Phòng 5, Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an cho biết, Cuốn sổ tay nhằm cụ thể hóa các quy định của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, các Thông tư, văn bản pháp luật khác; kể cả các đề án, dự án, quan điểm chỉ đạo của Quốc hội, của Chính phủ, vào công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Từ đó, giúp cán bộ công an biết vận dụng, có kỹ năng vận dụng khi giải quyết vụ án như: Những quy định của hệ thống chính sách, pháp luật hiện hành vào công tác phòng ngừa, đấu tranh, bảo vệ nạn nhân. Biết nhân rộng, vận dụng những kinh nghiệm từ thực tiễn trước đây; những kinh nghiệm của quốc tế (kỹ năng điều tra thân thiện, các biện pháp tâm lý, y tế...) khi bản thân thực thi nhiệm vụ. Đồng thời, vận dụng những kỹ năng "mềm" vào quá trình giải quyết vụ án, vụ việc từ khâu tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo cũng như quá trình khởi tố điều tra tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.

Ông Oanh cho rằng: "Hệ thống pháp luật liên quan tội phạm xâm hại tình dục trẻ em hiện đã được bổ sung, sửa đổi tương đối hoàn thiện, song con người thực thi, kỹ năng thực thi pháp luật mới là điều then chốt. Cuốn sổ tay là công cụ, là "cẩm nang" cho mỗi cán bộ Công an nghiên cứu, tham khảo".

Chú trọng kỹ năng tư pháp thân thiện với trẻ em

Phần 1của cuốn Sổ tay đưa ra khái niệm thế nào là hành vi xâm hại tình dục trẻ em giúp lực lượng cảnh sát nhận diện một hành vi được coi là "xâm hại tình dục trẻ em". Đó là hành vi cụ thể: Hiếp dâm; cưỡng dâm; giao cấu, quan hệ tình dục khác…; dâm ô, sử dụng người dưới 16 tuổi … Tránh việc khởi tố không đúng tội danh hoặc không tương xứng với tội danh, hoặc bỏ lọt tội phạm.

“Cẩm nang” xử lý các vụ án xâm hại tình dục trẻ em  - Ảnh 2.

Cảnh sát Hà Nội đang hướng dẫn cho trẻ em phòng tránh bị xâm hại tình dục.

Phần 2 là công tác phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, giúp cán bộ công an hiểu, nắm được các nhu cầu của nạn nhân cũng như người thân của họ, nhằm tiến hành các biện pháp phòng ngừa xã hội, tập trung vào biện pháp tuyên truyền. Theo đó, hướng dẫn lực lượng công an các kỹ năng, nội dung, hình thức tuyên truyền đảm bảo tác động được đến nhóm đối tượng cần tuyên truyền… Giúp phụ huynh, thầy cô giáo, các em nâng cao nhận thức và tự điều chỉnh hành vi. Đồng thời, mạnh dạn tố giác, không chấp nhận thương lượng, dàn xếp với thủ phạm; biết giữ lại tài liệu vật chứng và cộng tác với Công an; không phân biệt định kiến với người bị xâm hại tình dục.

Ông Oanh kể, có trường hợp, một em gái là nạn nhân bị xâm hại tình dục khi đến trường bị cô giáo bắt ngồi 1 mình 1 bàn cuối cùng. Điều này thể hiện sự phân biệt, kỳ thị làm em mất niềm tin cuộc sống. Có trường hợp, một bé gái sai khi bị xâm hại đến trường học bị các bạn trêu "đồ bị hiếp dâm" khiến bé gái xấu hổ và không dám đến trường.

Phần 3 là nội dung các hoạt động điều tra vụ án xâm hại tình dục trẻ em bao gồm trình tự, thủ tục, kỹ năng tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Cuốn sổ tay hướng dẫn việc áp dụng các kỹ năng, kỹ năng "mềm", các biện pháp trong quá trình điều tra: Kỹ năng lập kế hoạch; Kỹ năng lấy lời khai thân thiện; Kỹ năng tác động tâm lý; Kỹ năng phối hợp và áp dụng các biện pháp y tế; Kỹ năng thu thập, củng cố, đánh giá và sử dụng chứng cứ từ lời khai, từ hiện trường, từ mẫu vật y tế, từ thiết bị và dữ liệu điện tử.

Phần 4 là nội dung bảo vệ nạn nhân, người làm chứng, người tố giác, người báo tin về tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo đó, phải đảm bảo nguyên tắc bảo vệ về quyền, bảo vệ về sự an toàn cho nạn nhân. Đồng thời, cung cấp các số máy, đầu mối có thể trợ giúp khi bị hoặc có nguy cơ bị xâm hại tình dục trẻ em, cần được bảo vệ.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh