CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 07:15

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp cần tuân thủ nguyên tắc

Luôn sắp xếp vị trí rõ ràng cho các vật dụng

Từ phòng khách, phòng ngủ, bếp, phòng tắm,... đều nên có quy định chính xác về vị trí của mỗi vật dụng, như vậy sẽ dễ dàng hơn cho bạn khi tìm kiếm hoặc dọn dẹp. Ví dụ, trong phương pháp KonMari của người Nhật, với mỗi một danh mục đồ đạc, họ luôn cất gọn chúng trong những chiếc hộp riêng biệt, với những món đồ cùng loại thì bạn có thể để chung một khu vực. 

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp mà mẹ nào cũng cần truyền lại cho con  - Ảnh 1.

Đây chính là nguyên tắc các bà mẹ hay áp dụng, vì thế mới hay có thói quen đáng yêu mà rất nhiều bạn trẻ bây giờ luôn gặp phải là cứ hễ tìm không thấy vật dụng gì đó trong nhà thì sẽ hỏi mẹ, mẹ sẽ là người đọc chính xác vị trí đồ vật mà bạn tìm mãi không ra. 

Dọn dẹp theo nguyên tắc từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài 

Vẫn là một trong những nguyên tắc theo cách sống tối giản mà người Nhật áp dụng, mỗi khi dọn dẹp nhà cửa, bạn hãy dọn dẹp từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, hướng ra cửa. 

Việc lau nhà từ trên xuống dưới không chỉ áp dụng theo phong thuỷ mà còn dựa vào lý thuyết trọng lực. Khi ta quét từ trên xuống dưới, bụi sẽ rơi xuống và tập trung ở dưới đất. Bạn hãy lau dọn theo thứ tự từ tủ, rìa tường, cửa sổ và các bức tranh, sau đó mới đến sàn nhà. 

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp mà mẹ nào cũng cần truyền lại cho con  - Ảnh 2.

Một trong những cách hiệu quả nhất để quét dọn nhà cửa là bắt đầu từ điểm xa nhất, ngóc ngách nhất trong phòng ra đến cửa chính. Lí do đơn giản là vị trí cửa chính là nơi tập trung nhiều bụi bẩn nhất do có nhiều người đi lại. Thứ tự dọn dẹp các phòng nên là dọn phòng ngủ trước rồi đến phòng khách, nhà bếp, nhà tắm và nhà vệ sinh. Dọn dẹp phòng nào cần dứt điểm phòng đó, không nên bỏ dở mỗi phòng một ít. 

Luôn có lịch dọn dẹp nhất định trong tuần  

Thiết lập một thời gian biểu có tính thực tế cũng là một vấn đề đối với cuộc sống bận rộn hiện tại. Thường thì mọi người sẽ có thói quen dồn việc nhà lại cuối tuần sẽ dọn dẹp một thể, nhưng đối với các gia đình có trẻ nhỏ, việc này sẽ khiến các mẹ cảm thấy quá tải, hơn nữa nhiều gia đình còn dành cuối tuần để đưa con ra ngoài chơi. 

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp mà mẹ nào cũng cần truyền lại cho con  - Ảnh 3.

Lịch dọn dẹp khoa học không hẳn là bạn dồn việc nhà vào một ngày nhất định trong tuần để làm mà hãy chia nhỏ các công việc theo thứ tự ưu tiên theo ngày theo tuần. Ví dụ các công việc nên làm hàng ngày để giữ nhà cửa gọn gàng đó là  xếp chăn gối và dọn phòng ngủ, rửa bát chén, treo gọn quần áo, đổ rác, lau sàn nếu nước bị đổ ra sàn... Tương tự đối với các công việc nên làm hàng tuần sẽ là hút bụi, lau nhà, lau bếp, dọn nhà tắm, vệ sinh tay nắm cửa, điện thoại, điều khiển tivi... Đối với lịch dọn dẹp theo tháng, ta nên khử mùi hôi nhà vệ sinh, lau bụi kệ sách, thiết bị gia đình, giặt thảm chùi chân, giặt bọc nệm - chăn, lau tủ lạnh, lò vi sóng,... Ngoài ra, còn có cách công việc thỉnh thoảng bạn có thể làm như lau cửa sổ, bố trí lại căn bếp, phòng tắm, bàn làm việc,...

Luôn vứt bỏ những vật dụng không cần thiết 

Cũng theo phương pháp KonMari, người Nhật nếu thấy danh mục đồ dùng nào của mình có quá nhiều thứ, họ sẽ nghĩ đến chuyện cho đi bớt. Và một mẹo nhỏ là cho đi ít nhất một nửa những gì bạn có. Người Nhật cũng cho rằng, cùng với cuộc sống ít đồ đạc, con người ta sẽ quan tâm nhiều tới hạnh phúc hơn. 

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp mà mẹ nào cũng cần truyền lại cho con  - Ảnh 4.

Đôi khi bạn cũng có thể mang những đồ đạc chưa hỏng, những quần áo đã cũ, thiết bị điện tử không dùng tới... để làm từ thiện. Như vậy vừa có thể giúp đỡ những người khó khăn hơn bạn mà bạn còn khiến ngôi nhà trở nên rộng rãi và tiết kiệm được thời gian dọn dẹp. Hơn nữa, bạn cũng có thể giáo dục các con qua hoạt động này. 

Phân công lịch dọn dẹp với các thành viên trong gia đình 

Cách đơn giản nhất để có thể phân công việc dọn nhà cho mỗi thành viên trong gia đình là tuỳ vào độ tuổi, khả năng, lịch đi học đi làm của từng người. Ví dụ, bố có thể là một người phụ trách và giám sát để các phòng ngủ của gia đình luôn sạch sẽ, như vậy các con sẽ có trách nhiệm dọn dẹp phòng của mình theo phân công của bố. Tương tự bố cũng có thể giúp mẹ lau nhà, giặt đồ, còn mẹ sẽ phụ trách giữ căn bếp luôn sạch sẽ,.... 

Cẩm nang giữ nhà luôn sạch sẽ, ngăn nắp mà mẹ nào cũng cần truyền lại cho con  - Ảnh 5.

Điều quan trọng mà các gia đình nên chú ý là hãy dành nhiều sự khích lệ với các con trong việc dọn dẹp nhà cửa. Với trẻ từ 7 tuổi trở lên, các chuyên gia còn gợi ý bố mẹ có thể thưởng một khoản thù lao nhỏ khi con nỗ lực thực hiện công việc mà chúng vốn "ghét cay ghét đắng" như đi đổ rác, quét nhà, hút bụi,... 

Quan trọng hơn mọi nguyên tắc, con trẻ thường làm theo những gì bố mẹ làm, do đó, thay vì chỉ ra lệnh, cha mẹ hãy trở thành tấm gương của con bằng việc giữ nhà cửa luôn gọn gàng, ngăn nắp. Đó cũng chính là bài học tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho các con. 

HT

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh