Cầm lòng nhốt chồng ở 'phòng giam', dựng cho con chỗ nằm cạnh chuồng gà
- Y học 360
- 23:09 - 20/08/2020
Chồng bị thần kinh, vợ nuốt nước mắt sửa gian bếp cũ thành "phòng giam" để chồng ở
Xã Xuân Du, huyện Như Thanh (Thanh Hóa) là địa bàn cư trú lâu đời của người Mường, người Thái, sau này có sự quần cư của người Kinh và số ít người Tày từ nơi khác tới. Dân cư ở đây thưa thớt, bà con sống hiền hòa, quanh năm bám ruộng vườn làm sinh kế chính.
Theo hướng dẫn của người dân bản địa, tôi men theo con đường đất, qua những cánh đồng lúa xanh rì, tìm đến nhà ông Trịnh Văn Dân (SN 1962) và bà Trần Thị Cận (SN 1961) ở làng Hợi, xã Xuân Du.
Ngôi nhà cấp bốn cũ kỹ, lụp xụp của hai vợ chồng già nằm lẻ loi giữa cánh đồng lúa, ngay bên cạnh con đập Bai Mường.
Ông Dân và bà Cận cưới nhau từ năm 1986, rồi dắt nhau ra rìa làng, dựng căn lều tạm để sinh sống. Lúc đó, vùng này còn rậm rạp, hoang vu, cuộc sống vốn quen với cái đói, cái khổ.
Hai vợ chồng nghèo có với nhau ba mặt con. Những năm 90, gia đình họ chủ yếu sống nhờ việc vào rừng lấy củi, đốt than, bắt tép mò cua... chạy ăn từng bữa.
Mấy năm nay, bà Cận bị bệnh gai cột sống, sức khỏe giảm sút hẳn; ông Dân đột ngột trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn, lúc mê lúc tỉnh.
Tháng 10/2019, gia đình đưa ông Dân đi khám ở Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa, các bác sĩ cho biết, ông bị teo não, rối loạn tâm thần thực tổn.
Tóm tắt hồ sơ bệnh án gần đây nhất của ông Dân từ Bệnh viện tâm thần Thanh Hóa.
Hai tháng nay, gia đình phải đón ông Dân từ Bệnh viện về vì không còn chi phí cho nằm điều trị. Mấy hôm đầu, tình hình có vẻ yên ổn, nhưng sau đó bệnh tái phát, ông Dân thường mất kiểm soát.
Lo sợ chồng đi lang thang, gây họa nên bà Cận bàn với con gái, sửa lại gian bếp cũ thành cái "phòng giam" để ông Dân ở trong đó. Việc này bà đã báo cáo chính quyền địa phương.
Hiện tại mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, đại tiểu tiện của ông Dân diễn ra trong không gian 6m2 bếp cũ đã được cải tạo lại và lắp thêm song sắt cùng hai tầng khóa.
"Thương lắm, tội lắm, nhưng thà nhốt như vậy, còn hơn để ông ấy đi lang thang, nửa đêm vào nhà người ta tưởng trộm lại đánh cho chết, hoặc ngã xuống hồ cũng nguy hiểm", bà Cận buồn bã nói.
Con bị chấn thương sọ não, bại liệt, ăn ngủ ngay bên chuồng gà
Trịnh Văn Quang (SN 1992), là con trai út của ông Dân, bà Cận. Chàng thanh niên được đánh giá là ngoan ngoãn, hiền lành nhất làng, nhất xã, gần như chưa làm mất lòng hàng xóm láng giếng hay để cha mẹ phải phiền lòng. Ấy vậy mà, số phận lại quá tàn khốc với cậu.
Quang học hết lớp 7, nhưng điều kiện khó khăn nên nghỉ học sớm rồi vào Nam theo anh trai làm phụ bếp.
"Đợt đấy nó vừa từ trong Nam về, được một tuần thì có việc làng, nhờ vào làm bếp. Xong xuôi nó bảo 'mẹ chờ con về ăn cơm tối'. Ai mà ngờ, từ đó đến nay tôi chẳng còn nghe con trai gọi tiếng mẹ nào nữa...", bà Cận nhớ như in, ngày Quang bị tai nạn dẫn đến chấn thương sọ não là ngày 16/5/2017. Lúc đó khoảng 20h.
Ngày hôm nay, khi chúng tôi tới thăm gia đình, bà Cận ra sức gọi 'Quang ơi', 'Quang ơi', nhưng đáp lại chỉ là tiếng ú ớ trong cổ họng của đứa con trai 28 tuổi.
Quang không nói được nữa, nhưng bà Trần Thị Cận vẫn trò chuyện với con mỗi ngày. Bà bảo, thôi thì, cứ xem như con còn nhỏ dại, lại tập nói chuyện với con ê a như hồi xưa.
Cho đến bây giờ vẫn không ai biết, lí do khiến Quang bị tai nạn là gì? Vì Quang chưa bao giờ tỉnh táo để kể lại đầu đuôi mọi chuyện, và cũng không ai chứng kiến sự việc. Sau tai nạn, hộp sọ bị lún sâu, Quang mất đi một mảng sọ bên phải bằng bàn tay.
Quang bị chấn thương sọ não, không có tiền điều trị, gia đình xin về. Nhà cấp 4 nhỏ hẹp, bà Cận cố gắng vay mượn, nhờ hàng xóm làm thêm một chỗ nằm cho Quang ngay bên chuồng gà. Mọi sinh hoạt từ ăn ngủ, đại tiểu tiện đều diễn ra tại đó.
Bà Trần Thị Cận đang bên giường bệnh của Quang ở căn phòng mới dựng cạnh chuồng gà.
Một nách hai con, chị gái ở vậy, chăm em sống thực vật, bố bị thần kinh
Gần hai năm ròng rã Quang đi bệnh viện cũng là chừng đó thời gian, chị gái Trịnh Thị Liên (SN 1990) túc trực 24/24h bên cạnh em trai.
Câu chuyện về cuộc đời của Liên còn dài hơn câu chuyện về Quang nữa. Ở đó là cả những bất hạnh, đắng cay, cơ cực của một người phụ nữ quá trẻ đã bước qua một lần đò.
Từ lúc em trai bị tai nạn, cô nguyện ở vậy chăm sóc em trai không đi bước nữa.
Giờ đây, chị Trịnh Thị Liên là người gồng gánh, vun vén, lo toan mọi thứ trong gia đình.
Nhà chỉ có 4 sào ruộng, làm không đủ ăn. Mỗi tháng được hỗ trợ 810.000 đồng (trong đó 540.000 đồng cho Quang và 270.000 đồng cho bà Cận là người chăm sóc).
Tiền hết, gạo hết, bà con xung quanh người thì cho ít gạo, người cho ít rau,... nhưng chắc chắn không thể duy trì mãi vậy được.
"Nhà nước cũng thương, giúp cho con bò để gia đình nuôi lấy vốn, nhưng bà tôi cảm ơn rồi từ chối, cũng không tham làm gì, nhường cho gia đình khác người ta có người chăm nom, cho nó ăn chứ, giờ nhà tôi có ai mà chăn nuôi được? Chẳng nhẽ cứ nhận về đem bán hay là để nó chết đói? Làm vậy không chấp nhận được, nên thôi, để nhường cho người khác", bà Cận chia sẻ
Trong khi đó, chữa bệnh cho Quang mỗi ngày cần có tối thiểu 100.000 đồng để lo, nào là thuốc động kinh, thuốc giãn cơ, thuốc an thần, thuốc tiểu đường. Và chưa kể chi phí cho ông Dân đi lấy thuốc mỗi tháng.
Hàng ngày, Liên làm công việc nối mi tại nhà cho chị em có nhu cầu làm đẹp. Tuy nhiên, mỗi ngày cố gắng lắm cũng chỉ thêm được 30 đến 50.000 đồng, chẳng đáng là bao trong khi Liên đang một mình lo cho hai con nhỏ.
"Mấy năm theo Quang đến các bệnh viện, nhiều lúc em thấy ám ảnh, nhiều lúc em sợ lắm. Bây giờ gia đình thực sự không đủ điều kiện để đưa bố và đi viện nữa, để ở nhà đến đâu hay đến đó thôi", Liên nói.
Bà Cận 60 tuổi tóc bạc trắng mái đầu đã đành, đằng này Liên mới 30 tuổi nhưng mái đầu cũng đã xuất hiện những khoảng bạc.
Ông Nguyễn Trọng Lý - trưởng thôn 2, làng Lợi xã Xuân Du, huyện Như Thanh, Thanh Hóa cho biết:
"Đây là hộ gia đình cực kỳ khó khăn. Có 4 lao động, trong đó hai lao động phải nằm một chỗ. Người con tên Quang bị tai nạn giao thông, bị tê liệt toàn phần, nằm tại nhà, không di chuyển được. Người cha bị bệnh thần kinh, loạn trí nên thực sự là khó khăn cho gia đình. Hôm nay các anh chị tìm đến thế này, chúng tôi thực sự mong cầu các anh lên tiếng giúp họ bớt phần nào khó khăn vất vả".
Bệnh án của ông Dân và bệnh án của Quang
Chúng tôi đứng giữa khoảng sân nhỏ, nhìn vào ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ, những âm thanh hỗn độn, trộn vào nhau thật não nề. Phía dưới gian bếp là tiếng ông Dân đang phá song sắt gào thét đòi ra ngoài; ở phía chuồng gà cũ là tiếng của Quang ú ớ hú hét...
Không biết rồi Liên sẽ gồng gánh như thế nào vì giờ đây, một mình cô nuôi hai con nhỏ, rồi bà Cận đã bị gai cột sống, đến việc bế cháu hộ cũng khó. Chỉ mong qua đây, góp tiếng kêu cứu, để hoàn cảnh của họ đến với đông đảo bạn đọc hảo tâm gần xa, nhờ mọi người chung tay giúp đỡ.
Mọi sự ủng hộ cho gia đình xin gửi về:
Ông Trịnh Văn Dân, bà Trần Thị Cận ở thôn 2 (làng Hợi), xã Xuân Du, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa.
Hoặc qua số tài khoản: 0300 3745 1599. Chủ TK Trịnh Thị Liên (con gái ông Dân, bà Cận). Chi nhánh ngân hàng SACOMBANK Bỉm Sơn, Thanh Hoá.
Mọi thông tin liên quan đến nhân vật liên hệ hotline: 0943.113.999