Cảm hóa bằng cả tấm lòng
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 18:45 - 09/09/2016
Việc làm nhân văn
Ngay sau khi kế hoạch được ban hành, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã tổ chức gặp mặt các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, xã phường và 100 em trong diện được cảm hóa giáo dục để đối thoại. Quán triệt nội dung kế hoạch, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành và các địa phương, TP. Đà Nẵng cũng bố trí ngay 1 tỷ đồng từ ngân sách cho việc triển khai thực hiện.
Theo đó, Hội Cựu chiến binh (CCB) nhận cảm hóa, giáo dục 40 em; Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố 30 em; Đoàn thanh niên CSHCM 30 em. Sau một năm cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ, đến nay đã có 73 em tiến bộ, đạt tỷ lệ 73%. Nhiều em đã nói không với “hàng đá” và hứa sẽ không tái phạm vào con đường lầm lỡ đã đi.
Các thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy tại buổi gặp mặt với lãnh đạo TP. Đà Nẵng cách đây 01 năm. ảnh: Bùi Minh
“Các cháu còn rất trẻ, có cháu chỉ mới mười tám, đôi mươi, cả tương lai đang còn ở phía trước. Vì vậy, khi nhận nhiệm vụ, trong thâm tâm chúng tôi luôn nghĩ các cháu như chính con cháu mình ở nhà, làm sao để giúp các cháu nhìn nhận việc mình đã và đang làm, điều gì đúng, điều gì chưa đúng để chính bản thân các cháu phải điều chỉnh, phải thay đổi. Đó mới là cách giúp các cháu không sa vào con đường tái nghiện trở lại”, ông Đoàn Hồng Chương, Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố chia sẻ.
Được biết, trong số 40 cháu do Hội CCB thành phố nhận cảm hóa, giáo dục, đến nay đã có 30 cháu được xét công nhận tiến bộ. Qua quá trình thực hiện, nhiều mô hình hay có hiệu quả như mô hình 5 trong 1 của Hội CCB phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) đã đề nghị Cấp ủy chi bộ, Ban công tác mặt trận, Tổ trưởng tổ dân phố và công an khu vực cùng chung sức cảm hóa, giáo dục 1 cháu. Hay trường hợp của cháu Trần Ca đã từng đi cai nghiện về nhưng sử dụng lại ma túy đã được Hội CCB phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ. Đến nay Ca đã từ bỏ được ma túy, được hỗ trợ phương tiện làm nghề mộc và đang cùng gia đình sản xuất tại nhà, góp phần đảm bảo cuộc sống cho vợ và 2 con nhỏ. Đáng nói bằng việc tổ chức cho cán bộ hội toàn quận của Hội CCB Liên Chiểu và các cháu đang nhận cảm hóa đi tham quan trung tâm cai nghiện, tọa đàm trao đổi kinh nghiệm cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ các cháu và đặc biệt là cho các cháu trực tiếp nhìn thấy những gì đang diễn ra tại cơ sở cai nghiện đã giúp cho nhiều cháu có được quyết tâm và hứa từ bỏ sử dụng các chất gây nghiện.
Nhận cảm hóa, giáo dục 30 em, sau một năm thực hiện, bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết đã có 23/30 cháu tiến bộ. “Mặc dù chưa đạt được kết quả như mong đợi nhưng chúng tôi sẽ cố gắng và nỗ lực hơn nữa với sự tâm huyết và hết lòng bởi đây là việc làm nhân văn, giúp các em trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng”, bà Hương chia sẻ.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội nghị sơ kết 01 năm thực hiện kế hoạch cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy vừa được TP. Đà Nẵng tổ chức, nhiều đại biểu nhìn nhận, quá trình triển khai thực hiện kế hoạch vẫn còn những hạn chế. Cụ thể như tỷ lệ tái sử dụng ma túy còn cao (19%) và gần 45% các em vẫn chưa có việc làm.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn Văn Minh, Bí thư quận đoàn Ngũ Hành Sơn cho rằng, công tác phối hợp giữa chính quyền với các hội đoàn thể với nhau có nơi chưa thật sự chặt chẽ, việc triển khai áp dụng các giải pháp chưa đồng bộ. Trong khi đó, một số cán bộ được phân công cảm hóa, giáo dục còn lúng túng về phương pháp và thiếu sự kiên trì nên không tiếp cận được đối tượng, nhất là đối với các em thường xuyên vắng mặt tại địa phương.
Bà Hoàng Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Đà Nẵng cũng băn khoăn “Chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn về vấn đề tiếp cận các em. Để cảm hóa các em gia đình có vai trò hết sức quan trọng, phải cùng vào cuộc với chúng tôi. Tuy nhiên, thực tế có những trường hợp gia đình không hợp tác và tỏ rõ sự khó chịu nên việc thuyết phục là không dễ dàng”
Về quy trình cảm hóa, giáo dục các em, bà Hương cũng cho biết, sẽ trải qua 5 bước, tuy nhiên bước quan trọng nhất và được làm kỹ nhất với thời gian có thể kéo dài từ 2-3 tháng đó là khâu tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, hoàn cảnh và nhu cầu chính đáng của các em. Bởi theo bà, chỉ có nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của các em thì mới có thể đưa ra được những biện pháp cảm hóa, giáo dục các em một cách phù hợp nhất với từng trường hợp.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Đặng Việt Dũng đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích của các cơ quan, Hội đoàn thành phố trong công tác giáo dục, cảm hoá thanh thiếu niên sử dụng ma tuý cai nghiện và tái hoà nhập cộng đồng trong thời gian vừa qua. Ông Dũng cũng khẳng định, cán bộ làm công tác cảm hoá, giáo dục, giúp đỡ thanh thiếu niên không chỉ phải có biện pháp khoa học trong hoạt động tổ chức, giám sát các em mà còn cần phải có tình thương, sự tâm huyết để nắm bắt được nguyện vọng chính đáng, từ đó có định hướng và tìm việc làm sau khi các em cai nghiện thành công.