Cảm động 'những chiến binh khử khuẩn' ở Bình Thuận
- Y học 360
- 17:50 - 23/03/2020
Ngày 10/3, tỉnh Bình Thuận xuất hiện ca mắc bệnh COVID-19 đầu tiên. Ngay sau đó tỉnh này liên tục có thêm các ca mắc bệnh mới, khiến chính quyền và người dân không khỏi sốt ruột, lo lắng. Ngay trong đêm 10/3, các cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận (CDC Bình Thuận) tức tốc tìm đến các địa điểm có liên quan đến lịch trình di chuyển của bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 để phun xịt khử khuẩn.
TS. Chế Ngọc Thạch (Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, CDC Bình Thuận) cho biết ba ngày liền 10 – 11 – 12/3 là quãng thời gian anh em làm việc cực nhọc nhất khi các ca dương tính lần lượt được công bố. Cứ khi phát hiện ca mới thì lại tiếp tục lên đường, đảm bảo phun xịt đầy đủ tất cả những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh.
"Các thành viên xác định vào những nơi đó là đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng cũng phải làm cho xong trong đêm. Khối lượng công việc chồng chất, nối đuôi nên bất kể đêm hôm đều phải làm hết, chẳng nề hà thứ gì. Anh em làm vì nhiệm vụ chứ nói thật chẳng quan tâm kinh phí hỗ trợ. Tất cả vì mục tiêu chung là hạn chế sự lây lan của dịch bệnh, đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng”, TS. Thạch tâm sự.
Theo TS Thạch, mặc dù chú ý bảo hộ đầy đủ, cẩn thận cả quy trình làm việc nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi những rủi ro khi anh em phải làm việc ở những không gian chật hẹp, dễ va chạm các vật thể có nguy cơ lây nhiễm cao.
Suốt những ngày qua, những người tham gia chống dịch nơi tuyến đầu này hiểu rõ nguy cơ lây nhiễm như thế nào đối với mình, họ đành chấp nhận tự cách ly tại khu vực khoảnh sân sau cơ quan. Nơi này cũng trở thành nơi sinh hoạt, ăn nghỉ của các anh em sau những giờ làm việc căng thẳng
Anh Nguyễn Thái Dương (phó Trưởng khoa Ký sinh trùng - Côn trùng, CDC Bình Thuận) cho biết, các thành viên làm việc bất kể giờ giấc cho đến khi xong công việc. Có ngày bình quân mỗi anh em phải mang trên vai từ 40-50 bình phun đi hết nhà này đến nhà kia, len lỏi khắp các phòng ốc để khử khuẩn.
Theo anh Dương, nhiều lúc công việc gấp rút nên các anh em không kịp vặn kín nắp bình, cộng với việc di chuyển trong không gian hẹp khiến hóa chất chảy ra thấm vào lưng. Dù có đồ bảo hộ nhưng lúc đó hóa chất cũng chảy qua lớp đồ bảo hộ và thấm vào da.
“Có anh em bị hóa chất ăn mòn đến lở loét da. Lúc đó đau chịu không nổi nhưng anh em cũng phải ráng chịu đau để phun cho hết khu vực đó rồi về tắm rửa để lại tiếp tục đi phun ở điểm khác”, anh Nguyễn Thái Dương thuật lại và cho biết kể từ khi anh em bắt đầu công việc phun xịt tại các điểm cách ly là đã không dám về nhà; đồ đạc cần gì thì nói vợ con chuẩn bị sẵn rồi về lấy và đi ngay.
“Giờ chỉ cố gắng mong cho qua thời gian cách ly để được về nhà. Tối tối cũng nhớ con lắm nhưng cũng chỉ gọi về thôi. Anh em chúng tôi động viên cố gắng thêm ít ngày nữa”, anh Dương bộc bạch.
Giữ nhiệm vụ chính là lái xe ở cơ quan, nhưng trong những ngày dồn dập công việc, anh Nguyễn Ngọc Chí buộc chung tay cùng các thành viên khác đi phun xịt khắp các nơi. "Thấy các anh em trong đội làm việc căng thẳng, áp lực quá nên tôi cũng chung tay làm để chia sẻ với họ, trên hết là để góp sức bảo vệ cộng đồng", anh Chí nói.
Công việc của anh em ở CDC tỉnh dần được giảm tải khi Bình Thuận không có thêm ca dương tính, mặt khác tỉnh cũng đã điều một số nhân viên ở các Trung tâm Y tế tuyến huyện về hỗ trợ.
"Rồi bao giờ mẹ mới về?"
Trong những ngày tập thể bệnh viện căng mình chống dịch, BS. Dương Thị Lợi (Trưởng khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận) chia sẻ một câu chuyện khiến ai nấy đều cay cay nơi khóe mắt. Đêm hôm đó đã hơn 10 giờ, đáng ra các chị em phải đi ngủ để dưỡng sức, nhưng lại có tiếng trò chuyện phát ra từ phòng nghỉ của nhân viên.
"Vừa đến ô cửa sổ, tôi nghe có tiếng trẻ con... Tôi hết hồn tưởng rằng có em điều dưỡng hay hộ lý nào đó vì quá nhớ con mà lén đưa con vào thăm. Tôi run bắn người nhưng không dám đẩy cửa vào vì sợ làm cháu bé hoảng sợ, chỉ cố gắng giữ bình tĩnh lắng nghe câu chuyện thế nào. Hoá ra một em điều dưỡng đang nói chuyện với con mình qua mạng xã hội. "Lúc đó tôi mới thở phào... Mà cũng vì giọng nói cháu bé quá dễ thương nên tôi nán lại, và rồi tim tôi đau nhói khi giọng cháu bé cất lên: "Mẹ ơi, sao mẹ không về?... Rồi khi nào mẹ mới về lận?..." Tôi cắn môi chạy về phòng cố nén tiếng khóc. Nước mắt tôi tự nhiên rơi", BS. Dương Thị Lợi chia sẻ câu chuyện thắt lòng mà bà tình cờ chứng kiến.